Trước "bong bóng" giá cà phê...
Đúng cao điểm thu hoạch của niên vụ cà phê năm nay, giá cà phê giảm sâu nhất trong vòng 4 năm trở lại đây. Doanh nghiệp, nông dân trực tiếp trồng, sản xuất cà phê như ngồi trên đống lửa. Từ câu chuyện “được, mất” liên tục tái diễn trong ngành cà phê, nhiều người lại trăn trở về vấn đề những chính sách hỗ trợ nên như thế nào cho hiệu quả hơn…
Điệp khúc buồn
Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Ea Tul có tổng diện tích 336 ha với số lao động nhận khoán là 680 người. Nhìn nhiều vườn cà phê quả sai chi chít, ai cũng khấp khởi mừng vì những tưởng sẽ được mùa. Nhưng theo ông Y Khing Niê, Trưởng Phòng Nông nghiệp của Công ty cho biết, do ảnh hưởng của thời tiết nên nhiều diện tích cà phê, cây thì sai quả nhưng chất lượng lại không cao, quả nhỏ, quả khô, lép nhiều, trong đó quả chỉ có một nhân chiếm tỷ lệ cũng tương đối. Vậy nên, theo kế hoạch năm 2013, Công ty sẽ thu khoảng 220 tấn nhân nhưng khả năng chỉ thu được trên 150 tấn. Tính ra, sản lượng vẫn cao hơn năm 2012 nhưng với mức giá như hiện tại thì lợi nhuận lại không bằng năm ngoái bị mất mùa, được giá.
Nông dân nóng lòng khi giá cà phê giảm sâu. |
Sở hữu hơn 3 ha cà phê, ngay từ khi vụ thu hoạch, thấy giá cà phê giảm sâu, ông Vũ Văn Tiến ở thôn 5, xã Cư Dlie Mnông (huyện Cư M’gar) mất ăn mất ngủ. Vì theo tính toán của ông, năm nay giá nhân công, phân bón, nhiên liệu đầu vào cho cà phê đều tăng, trung bình tổng chi phí cho một héc-ta cà phê từ 60-65 triệu đồng. Nếu năng suất bình quân trên 2 tấn nhân/ha, với mức giá hiện tại 31-32 nghìn đồng/kg, may ra thì hòa vốn; còn năng suất dưới 2 tấn, diện tích càng nhiều, lỗ càng nặng. Cả một năm đầu tư chăm sóc, chưa biết hòa, lỗ hay lời lãi thế nào, nếu bị mất trộm nữa thì càng khó khăn nên gần 1 tháng nay, anh phải thuê 7 nhân công thu hái, ăn ở trong gia đình với mức lương 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Niên vụ này, những diện tích cà phê thuộc quản lý của Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Drao được cho là được mùa hơn năm ngoái. Với diện tích thực kinh doanh 264 ha, năm nay ước tính Công ty sẽ thu về 2.500-2.700 tấn cà phê tươi, cao hơn năm 2012 (chỉ thu được 1.600 tấn cà phê tươi). Nhưng theo ông Hồ Bá Thìn - Trưởng Phòng Nông nghiệp kế hoạch kinh doanh của Công ty thì sản lượng cà phê năm nay vượt nhưng giá thấp nên tính ra cũng chỉ bằng năm ngoái.
Để hỗ trợ hiệu quả hơn
Trước tình hình giá cả cà phê bấp bênh, ông Vũ Văn Tiến ở thôn 5, xã Cư Dlie Mnông (huyện Cư M’gar) đã ví làm cà phê bây giờ cũng như đánh bạc, còn giá cà phê thì như bong bóng, lên cao đấy rồi lại bất ngờ giảm sâu, khó đoán định. Giải quyết những điểm yếu trong ngành cà phê hiện nay, trong đó có yếu tố giá, trong các biện pháp hỗ trợ, Chính phủ có thực hiện chính sách tạm trữ cà phê. Băn khoăn về hiệu quả của chính sách này trong những năm qua, ông Trần Cư, Giám đốc Công ty Cà phê Ea Pôk cho rằng chính sách tạm trữ cần được tính toán để nắm bắt, lựa chọn được thời điểm kịp thời, phù hợp hơn vì tạm trữ “đi sau” nhiều quá, cà phê trong dân không còn nhiều thì sẽ làm vơi đi ý nghĩa của tạm trữ. Ông Hồ Bá Thìn, Trưởng Phòng Nông nghiệp kế hoạch kinh doanh của Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Drao thì đề xuất: Chính sách tạm trữ nên quan tâm, hướng gần hơn đến cơ sở là người trực tiếp sản xuất ra hạt cà phê. Ông Thìn phân tích: Việc tạm trữ từ trước tới giờ chủ yếu được giao cho các doanh nghiệp lớn, xuất khẩu trực tiếp nên doanh nghiệp vẫn có cơ hội để khống chế giá với nông dân, trong khi nông dân rất cần vốn để tái đầu tư, giảm áp lực phải bán ồ ạt cà phê đầu vụ để có tiền trang trải. Tuy nhiên, theo ông Trịnh Đức Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, thực tế, chính sách tạm trữ cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, tạm trữ rồi nhưng bước tiếp theo cũng phải tính toán để chọn thời điểm bán ra sao cho hiệu quả, phù hợp. Chính sách tạm trữ thực hiện trực tiếp xuống cơ sở sẽ có cái khó vì nông dân chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, không có hệ thống kho bãi, đó là lý do tại sao chính sách tạm trữ thường giao về cho các doanh nghiệp lớn có đủ phương tiện kho tàng để bảo quản, có hệ thống dự báo tương đối chính xác vừa để bảo đảm chất lượng cà phê, vừa hạn chế rủi ro. Ông Minh cho rằng, bà con nông dân đóng vai trò quyết định trong điều tiết hàng hóa bán ra thị trường. Vì vậy họ cần phải tính toán, không quyết định ồ ạt bán ra đầu mùa, không găm hàng để chờ bán quá cao. Nhưng để làm được điều này, ngoài việc tự bản thân nông dân chủ động theo dõi tình hình, ông Lê Thái Hệ, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Ea Tul mong muốn Nhà nước sẽ có chính sách vĩ mô, mang tính định hướng, ví dụ như hỗ trợ về thông tin chính thống và tương đối chính xác để người dân biết khi nào nên bán. Đồng thời hỗ trợ về lãi suất cho người trồng cà phê trong những năm cà phê xuống thấp để bà con có vốn đầu tư, hạn chế việc phải ồ ạt bán ngay từ đầu vụ càng khiến cho giá cà đã giảm sâu có thể càng giảm sâu.
Đàm Thuần
Ý kiến bạn đọc