Multimedia Đọc Báo in

Xã Cư Êbur (TP.Buôn Ma Thuột): Tạo điều kiện để người dân nuôi bò thoát nghèo

14:45, 03/11/2013
Xã Cư Êbur (TP.Buôn Ma Thuột) có 4 buôn đồng bào dân tộc thiểu số với 1.102 hộ, 6.880 khẩu. Đầu năm 2013, cả xã còn 141 hộ nghèo, trong đó có 99 hộ là người dân tộc thiểu số. Thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 4-8-2011 của Thành ủy Buôn Ma Thuột về phát triển kinh tế xã hội các buôn, cụm dân cư đồng bào dân tộc thiểu số, xã Cư Êbur đã tạo điều kiện cho các hộ nghèo được vay vốn nuôi bò. Đến nay, chương trình này bước đầu phát huy hiệu quả.
Bò được cấp theo chương trình của  gia đình anh Y’Neng Aliô.
Bò được cấp theo chương trình của gia đình anh Y’Neng Aliô.

Tháng 7-2013, Y Neng Aliô được cấp một cặp bò gồm bò mẹ và một con bê bằng nguồn vốn của Chương trình phát triển kinh tế xã hội các cụm, buôn đồng bào dân tộc thiểu số của Thành ủy Buôn Ma Thuột. Đến nay, sau hơn gần 4 tháng nuôi, con bò mẹ vừa sinh thêm một con bê con nữa. Gia đình Y Neng cũng là hộ đầu tiên trong số những hộ được cấp giống bò có bò sinh sản thêm một con bê thứ 2 ở xã Cư Êbur. Y Neng phấn khởi: Có được con bò mẹ và hai con bê này, ngoài việc hoàn lại vốn vay cho chương trình, gia đình anh sẽ có cơ hội thoát nghèo trong nay mai.

Gia đình Y Neng Aliô là một trong số 19 hộ thuộc diện nghèo và cận nghèo của xã Cư Êbur được cấp vốn vay để phát triển sản xuất theo Chương trình phát triển kinh tế xã hội các buôn đồng bào dân tộc thiểu số của Thành ủy Buôn Ma Thuột với tổng số tiền gần 400 triệu đồng; trong đó hộ được vay thấp nhất là 18 triệu đồng và nhiều nhất là 20 triệu đồng. Để chương trình triển khai đạt hiệu quả, UBND xã Cư Êbur đã xây dựng kế hoạch triển khai cho Ban tự quản 4 buôn tổ chức họp dân bình xét các hộ đạt tiêu chuẩn vay vốn, trong đó tập trung vào những đối tượng là hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện nghèo và cận nghèo. Bên cạnh đó, xã tạo điều kiện để các hộ suy nghĩ và đăng ký mô hình phát triển kinh tế sao cho phù hợp với điều kiện, khả năng của gia đình. Tất cả những hộ được xét cấp vốn đều nhận thấy chăn nuôi bò là phù hợp với số vốn được cấp, phù hợp với địa hình của địa phương, khả năng chăn nuôi của gia đình. Ngay sau khi xác định được đối tượng vay vốn, mục đích sử dụng vốn, Ban tự quản các buôn đã phối hợp với các hộ gia đình chọn giống  bò cho phù hợp. Để đàn bò ngày càng phát triển, mỗi hộ gia đình đã chọn cho mình một cặp bò bao gồm một bò mẹ và một bê con trị giá mỗi cặp từ 18-20 triệu đồng. Để tránh tình trạng bà con đầu tư vốn không đúng mục đích, UBND xã đã thành lập hội đồng đến tận nơi mua bò kiểm tra chất lượng giống, giá cả phù hợp với thị trường và tiến hành thanh toán tiền để người dân dắt bò về nhà. Cùng với việc cấp giống, Hội Nông dân xã cũng đã phối hợp với các ban ngành đoàn thể của xã như: cán bộ phụ trách công tác khuyến nông, cán bộ thú y hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi và phòng tránh dịch bệnh trên đàn bò cho các hộ gia đình; thường xuyên theo dõi giám sát các mô hình để kịp thời phát hiện những vấn đề ảnh hưởng đến hiệu quả mô hình.

Nhờ đó, đến nay đàn bò gồm 39 con của 19 hộ đều phát triển tốt, mang đến hy vọng thoát nghèo cho người dân. UBND xã Cư Êbur dự kiến khi đến thời điểm thu hồi vốn của các hộ nói trên,  xã sẽ luân chuyển vốn theo cách làm này đến các hộ nghèo khác trong 4 buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ để tạo điều kiện cho thêm nhiều hộ được vay vốn phát triển sản xuất, thoát nghèo.

 Minh Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.