Xây dựng nông thôn mới ở xã biên giới Ia R'vê: Còn lắm gian truân
Sau hơn 3 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay, xã biên giới Ia R’vê (huyện Ea Súp) mới đạt được 2/19 tiêu chí. Những khó khăn mọi mặt trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội… đã và đang đặt ra nhiều thách thức cho chính quyền và người dân nơi đây.
Nhiều mối lo
Đưa chúng tôi đi thăm một số tuyến đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, anh Vi Văn Chữ, cán bộ phụ trách Giao thông – Thủy lợi xã bày tỏ lo lắng: toàn xã mới chỉ có 11/38 km đường liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa, đạt trên 30%, còn lại hơn 34 km đường nội thôn, ngõ xóm và 122 km đường nội đồng vẫn là đường đất nhỏ hẹp, lầy lội. Không chỉ giao thông đi lại khó khăn mà ngay cả hệ thống thủy lợi cũng chưa thể đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất của người dân. Bởi tuy xã cũng đã có 1 tuyến kênh chính Tây dài gần 4.000 m và gần 3.000 m mương nhánh nhưng đều đang trong giai đoạn thi công, còn 8 hồ chứa trên địa bàn thì có trữ lượng nước rất hạn chế, thường bị cạn kiệt vào mùa khô, chỉ đáp ứng cho khoảng 600 ha cây trồng các loại. Không chỉ giao thông, thủy lợi, mà hệ thống cơ sở hạ tầng từ điện nông thôn, trường học, nhà ở dân cư đến cơ sở vật chất văn hóa, cơ cấu lao động, giáo dục, y tế, môi trường… của xã cũng chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng được các yêu cầu trong xây dựng nông thôn mới. Thêm vào đó, do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đất đai kém màu mỡ, thường xuyên bị ngập lụt đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất của người dân.
Do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đất đai kém màu mỡ, thường xuyên bị ngập lụt đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp của người dân Ia R’vê. |
Sau gần 12 năm đến sinh sống, lập nghiệp ở vùng biên Ia R’vê, mặc dù đã rất chăm chỉ, nỗ lực nhưng gia đình ông Hồ Văn Tuấn vẫn chưa thể thoát khỏi danh sách hộ nghèo của thôn 9. Ngoài 1 ha đất nhận khoán của Binh đoàn 737, gia đình ông còn canh tác thêm 4 ha ngô, 2,5 ha sắn và 7 sào lúa, nhưng vẫn không đủ ăn. Nguyên nhân là do việc sản xuất nông nghiệp đều phụ thuộc tất cả vào “trời”, cây hoa màu chỉ trồng được 1 vụ vì không có nước tưới. Đã vậy, đợt lũ lụt hồi tháng 9 vừa qua đã nhấn chìm toàn bộ số diện tích hoa màu của gia đình ông. “Lũ lụt đã khiến gia đình tôi “trắng tay” và khó “ngóc đầu” lên được. Thiếu ăn là một chuyện nhưng lấy đâu ra vốn để tái sản xuất, đừng nói đến chuyện vươn lên thoát nghèo”, ông Tuấn xót xa. Không chỉ gia đình ông Tuấn mà còn có 51/102 hộ của thôn 9 cũng bị thiệt hại nặng nề do lũ lụt. Ông Lê Hoàng Nở, Trưởng thôn 9 cho biết: toàn xã có 141 ha hoa màu thì có đến 73 ha sắn, lúa, ngô bị ngập khiến nhiều hộ mất trắng hoặc năng suất chỉ còn 20%. Đời sống người dân khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo của thôn chiếm trên 40%. Mặc dù biết muốn xây dựng thành công nông thôn mới thì nhà nước và nhân dân phải cùng làm nhưng vì không có thu nhập nên người dân không thể góp vốn xây dựng cơ sở hạ tầng mà chỉ có thể tự nguyện đóng góp ngày công, hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn.
Bao giờ mới về đích?
Khi chúng tôi đặt câu hỏi này với Phó Chủ tịch UBND xã Đoàn Minh Thuận, ngay lập tức nhận được câu trả lời: “Lộ trình xây dựng nông thôn mới của xã Ia R’vê chưa biết đến bao giờ mới về đích, bởi sau hơn 3 năm triển khai, đến nay xã mới chỉ đạt được 2 tiêu chí gồm bưu điện và giáo dục. Các tiêu chí còn lại sẽ rất khó đạt được nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước và các ngành hữu quan”. Qua tìm hiểu được biết, sau hơn 7 năm chia tách từ xã Ea Bung và Ia Lốp, đến nay, chính quyền địa phương vẫn đang loay hoay trong việc tìm ra loại cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của người dân. Vậy là, bà con chỉ biết quanh quẩn với cây ngô, lúa, sắn, mà cũng làm được có 1 vụ, năng suất thấp lại bị tư thương ép giá do cách xa trung tâm, vận chuyển khó khăn. Sản xuất bấp bênh nên cứ vào mùa khô, người dân trong xã lại kéo nhau đi làm thuê khắp nơi để mưu sinh. Cái vòng luẩn quẩn “mất mùa – nghèo đói” cứ lặp đi lặp lại ở nơi đây, tính đến cuối năm 2013, toàn xã có trên 57% hộ nghèo, hơn 20% hộ cận nghèo, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 6,2 triệu đồng/năm.
Theo Đề án xây dựng nông thôn mới của xã, để có thể hoàn thành chương trình này, Ia R’vê cần tổng số vốn đầu tư trên 733 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách nhà nước 55%, vốn đóng góp của dân 10%, còn lại là các nguồn vốn khác. Rõ ràng, số vốn trên hoàn toàn nằm ngoài tầm tay của một xã biên giới đặc biệt khó khăn như Ia R’vê.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Đoàn Minh Thuận, đến năm 2015, xã phấn đấu đạt thêm từ 4-5 tiêu chí. Trước mắt, khi dự án kênh chính Tây của hồ Ea Súp thượng hoàn thành và các công trình hồ đập được đầu tư, nâng cấp, cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ tập trung tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tăng diện tích gieo trồng lên 6.865 ha. Đồng thời, tăng cường các hoạt động thu mua nông sản, bảo đảm việc tiêu thụ ổn định, thành lập các tổ hợp tác, tổ sản xuất, quỹ tín dụng nông thôn… nhằm hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, giống, chia sẻ kinh nghiệm giúp bà con phát triển sản xuất. Về lâu dài, từ nguồn vốn đầu tư của nhà nước, xã sẽ tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế nông thôn, phát triển văn hóa, xã hội và môi trường, củng cố, nâng cao chất lượng, vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở.
Những khó khăn trong xây dựng nông thôn mới ở xã biên giới Ia R’vê là rất nhiều. Do đó, ngoài quyết tâm, nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân nơi đây, rất cần có sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ về mọi mặt của các cấp, ngành hữu quan. Có như vậy, diện mạo nông thôn và đời sống của người dân vùng biên mới thực sự đổi thay, góp phần hoàn thành lộ trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc