Sản xuất cà phê bền vững - Lời thuyết phục từ thực tiễn
Những ưu việt về năng suất, chất lượng và cơ chế về giá nhất là trong bối cảnh giá cả bấp bênh, diện tích cà phê già cỗi ngày một tăng đã ngày càng khẳng định: sản xuất cà phê bền vững là cái đích tất yếu trong sản xuất của ngành cà phê…
Sau nhiều năm kinh doanh và bị “bóc lột” quá sức, nhiều diện tích cà phê trên địa bàn tỉnh đã già cỗi. Trong tổng số hơn 500 nghìn ha cà phê hiện nay, diện tích cà phê năng suất thấp dưới 1,5 tấn/ha chiếm đến 25% và tiếp tục còn tăng trong các năm tiếp theo do vườn cà phê già tăng từ 20% (hiện tại) lên khoảng 40% đến năm 2020. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng “lão hóa” nhanh chóng của một số diện tích cà phê. Ngoài chuyện quy luật, còn có yếu tố về giống, kỹ thuật canh tác, nhất là việc sử dụng không phù hợp, thậm chí là lạm dụng phân bón hóa học, thuốc vệ thực vật.
Cần sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp để mở rộng mô hình sản xuất cà phê bền vững. |
Khoảng 10 năm nay, qua nhiều kênh khác nhau, người trồng cà phê Dak Lak ít nhiều được tiếp cận với chương trình sản xuất cà phê bền vững và đã có những thay đổi đáng kể trong nhận thức. Công ty Cà phê Ea Pôk đang quản lý 574 ha cà phê, với tổng số 576 cán bộ công nhân viên, người lao động trong đó 62% là đồng bào dân tộc thiểu số. 80% diện tích cà phê của đơn vị được khoán cho công nhân theo hình thức khoán gọn có đầu tư. Có nghĩa, Công ty bỏ tiền đầu tư toàn bộ các chi phí về nước tưới, phân bón, công tác quản lý, bảo vệ, thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước; người lao động chỉ bỏ công và tỷ lệ ăn chia là Công ty 60%, người lao động 40%, vượt sản lượng người lao động được hưởng. Hình thức giao khoán này giúp Công ty truy nguyên được nguồn gốc cà phê và thực hiện có hiệu quả việc sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn UTZ Certified (chứng chỉ toàn cầu về sản xuất sạch) gần 10 năm nay. Ông Trần Cư, Giám đốc Công ty cho biết: Trước đây khi mới áp dụng chương trình này, nông dân nhận khoán không chấp hành nghiêm do còn sản xuất theo kinh nghiệm, thói quen. Nhưng trên cơ sở vừa bảo đảm quyền lợi, vừa yêu cầu người lao động thực hiện tốt nghĩa vụ, Công ty đã xây dựng quy chế chặt chẽ. Cụ thể, công nhân nhận khoán phải sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật, đặc biệt tỷ lệ thu hái phải đạt tỷ lệ 90% trở lên, nếu vi phạm sẽ bị phạt theo mức 2 kg/tạ cà phê tươi. Ngược lại, cà phê làm chất lượng cao, Công ty mua giá cao hơn giá thị trường 450-500 USD/tấn. Với cách làm này, người nhận khoán rất yên tâm và ngày càng chấp hành nghiêm các quy định trong quá trình sản xuất, thu hái. Là đơn vị xuất khẩu trực tiếp, sản phẩm của Công ty xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ, một số nước EU khác. Anh Y Thanh, ở buôn Mấp, thị trấn Ea Pôk, huyện Cư M’gar, nhận khoán làm cà phê bền vững theo tiêu chuẩn UTZ thông qua Công ty Cà phê Ea Pôk chia sẻ: Trước đây cứ làm theo kinh nghiệm, chi phí nhiều nhưng năng suất cũng chẳng khá hơn. Làm cà phê bền vững, theo kế hoạch nên vườn cà phê được chăm sóc cẩn thận hơn, đỡ tốn kém hơn, lại còn có người hướng dẫn, giám sát nên cũng biết thêm được nhiều điều. Mọi công việc sản xuất trên vườn, anh thường xuyên cập nhật vào sổ sản xuất để biết khi nào làm cỏ, cắt cành, thu hái… Cũng sản xuất cà phê bền vững theo chương trình này của Công ty Cà phê Ea Pôk, anh Phan Văn Khiêm hồ hởi: “Nhận khoán gọn có đầu tư 1,4 ha cà phê và sản xuất theo chương trình UTZ, gia đình tôi rất yên tâm vì năng suất khá ổn định, trung bình 14 tấn tươi và đặc biệt là giá cả ổn định, không phải lo bán ồ ạt ngay từ vụ để có tiền trang trải, đầu tư”.
Thực tế, chương trình sản xuất cà phê bền vững đã cho thấy rất nhiều ưu việt, có tác động tích cực đến nông dân. Họ biết tính toán, đầu tư thích hợp hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất. Để chương trình này thành công, theo ông Lê Thái Hệ, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Ea Tul, còn cần thêm những điều kiện đủ, đó là 3 yếu tố: Đất đai phải phù hợp, không phát triển nóng ở những vùng không phù hợp; sử dụng các loại giống được tuyển chọn, đủ tiêu chuẩn; phải hữu cơ hóa vườn cà phê, trước đây bón phân vô cơ qúa nhiều. Đặc biệt, tỷ lệ thu hái phải bảo đảm, điều này lại liên quan đến công tác bảo vệ an ninh của vườn cà phê khi bước vào thời điểm thu hoạch. Thêm nữa, nông dân cũng khó đơn phương thực hiện vì thiếu tư cách pháp nhân để có đủ chứng nhận khi cà phê của mình sản xuất bảo đảm chất lượng cao nhằm bán giá cao hơn giá thị trường. Ngược lại, doanh nghiệp, người mua hàng cũng không đủ cơ sở để tin tưởng xem sản phẩm có được giám sát, kiểm soát sản xuất an toàn, bền vững suốt quá trình canh tác của nông dân. Tìm đáp án cho bài toán này, ông Trịnh Đức Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột cho rằng: Chương trình sản xuất cà phê bền vững cần phải tiếp tục mở rộng trong nông dân; tuy nhiên phải tổ chức sản xuất cho nông dân, các doanh nghiệp phải liên kết với nông dân. Nhưng vấn đề là ở chỗ doanh nghiệp cần khoản vốn đầu tư rất lớn để liên kết với nông dân trong chương trình này nhưng sự hỗ trợ của Nhà nước chưa nhiều. Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ một số khâu, một số chi phí để doanh nghiệp tập huấn, đầu tư hệ thống kiểm tra, giám sát… nếu không sẽ tạo gánh nặng cho doanh nghiệp.
Một diện tích lớn cà phê già cỗi cần tái canh thời gian tới. Cùng với việc tiếp tục áp dụng cho những diện tích đang kinh doanh, hy vọng sản xuất cà phê bền vững sẽ là hướng canh tác ngay từ những bước khởi đầu cho số diện tích này để ngành cà phê giảm bớt áp lực phải đối diện với tình trạng lão hóa sớm khi vườn cà phê lại bị canh tác không bảo đảm kỹ thuật và bị “bóc lột” quá sức.
Đàm Thuần
Ý kiến bạn đọc