Xây dựng vùng chuyên canh rau: Hướng mở trong phát triển kinh tế ở xã Ea Kênh
Phát huy lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, những năm qua, người dân xã Ea Kênh (huyện Krông Pak) đã mạnh dạn chuyển đổi số diện tích trồng cây hoa màu, nông sản kém hiệu quả sang trồng rau an toàn, tạo hướng mở trong phát triển kinh tế ở địa phương.
Gia đình ông Nguyễn Văn Phụng ở thôn Tân Đức có 6 sào đất trồng cà phê, mỗi năm thu được 1,2 tấn nhân. Theo ông Phụng, những năm mưa thuận gió hòa, giá cả ổn định ở mức cao, trừ chi phí đầu tư, công chăm sóc cũng còn thu được chút ít lợi nhuận nhưng năm nào hạn hán, mất mùa thì cầm chắc thua lỗ. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi của cấp ủy, chính quyền địa phương, gia đình ông mạnh dạn nhổ bỏ toàn bộ diện tích cà phê, cải tạo lại đất để chuyển sang trồng rau. Với 6 sào đất luân phiên trồng các loại rau: cà chua, cà pháo, bắp cải, đậu ve, dưa leo… mỗi năm thu được khoảng 25 tấn rau, giá bán bình quân 6.000 đồng/kg, trừ chi phí cũng lãi 60-70 triệu đồng. Ông Phụng cho biết: trồng rau vất vả hơn trồng cà phê vì luôn bận rộn với công việc chăm sóc, làm cỏ, tưới nước, bón phân, thu hoạch… nhưng lợi nhuận kinh tế cao và ổn định hơn. Không những vậy, vốn đầu tư cho trồng rau thấp, quay vòng nhanh lại tận dụng được lao động nhàn rỗi của gia đình nên cũng hạn chế rủi ro cho nông dân. Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Sáu ở thôn Tân Đức có 2 sào đất, trước đây trồng 3 vụ lúa/năm; mỗi vụ thu được khoảng 1,6 tấn lúa, trừ chi phí đầu tư, công chăm sóc thì cũng chỉ đủ gạo ăn trong năm. Qua tham khảo mô hình phát triển kinh tế của các hộ trong vùng, vợ chồng ông quyết định chỉ trồng một vụ lúa hè thu, còn lại chuyển sang trồng 3 vụ rau các loại. Ông Sáu tính toán: mô hình rau – lúa kết hợp đem lại hiệu quả kinh tế khá cao và ổn định, vừa không phải lo về lương thực lại tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích và có thêm thu nhập trang trải các sinh hoạt hằng ngày.
Chuyển đổi từ trồng cà phê sang trồng rau xanh giúp gia đình ông Nguyễn Văn Phụng nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. |
Đối với gia đình ông Nguyễn Lường, kể từ khi chuyển 8 sào đất trồng ngô, đậu sang trồng rau, thu nhập và đời sống được cải thiện đáng kể. Với diện tích canh tác khá rộng, ông quy hoạch thành từng khu vực cụ thể để chuyên canh từng loại rau như mướp đắng, bí xanh, rau cải, ớt, dưa leo, su hào… sau một thời gian thì đảo ngược lại để cải tạo đất, phòng trừ sâu bệnh. Cách làm này đã giúp gia đình ông thu được năng suất ổn định 40 tấn rau/năm, trừ chi phí còn lãi khoảng 100 triệu đồng/năm.
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đến nay, xã Ea Kênh đã chuyển đổi, phát triển trên 30 ha rau các loại, cung cấp nguồn rau xanh cho người dân trong xã và một số vùng lân cận. Qua khảo sát thực tế tại địa phương cho thấy, cây rau khá phù hợp với điều kiện canh tác trên địa bàn, lợi nhuận kinh tế thu được cao và ổn định hơn nhiều loại cây trồng khác. Tuy nhiên, hầu hết các hộ trồng rau đang băn khoăn, lo lắng bởi hiện tại, họ chủ yếu trồng theo kinh nghiệm chứ chưa có quy trình canh tác đồng bộ, áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, chú trọng bón phân vi sinh, cải tạo đất để nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, hạn chế ô nhiễm môi trường. Hơn nữa, cũng chính vì mặt hàng này chưa được trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế bảo đảm an toàn theo tiêu chuẩn VietGap (chứng nhận rau an toàn) nên ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm và giá cả đầu ra còn bấp bênh. Cùng chung những băn khoăn này, ông Nguyễn Lường và các hộ trồng rau trên địa bàn mong muốn được tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cũng như có một đơn vị chủ quản đứng ra tập hợp, liên kết các hộ trồng rau nhằm hỗ trợ lẫn nhau phát triển bền vững.
Trao đổi vấn đề trên với Chủ tịch UBND xã Ea Kênh Phan Đính được biết, trong định hướng phát triển kinh tế, xã rất chú trọng quy hoạch vùng chuyên canh rau, giúp người dân lựa chọn được loại cây trồng phù hợp, đồng thời, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, góp phần xây dựng nông thôn mới. Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả vùng sản xuất rau, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông dân, xã đã có chủ trương thành lập Hợp tác xã sản xuất rau an toàn. Tuy nhiên, để làm được điều này, địa phương rất cần sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách, nguồn lực của các cấp, ngành trong việc chuyển giao khoa học - kỹ thuật, xây dựng mô hình mẫu, quản lý, kiểm tra, đánh giá và cấp chứng nhận rau an toàn cũng như đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở thu mua, sơ chế, đóng gói, phương tiện vận chuyển, địa điểm bán hàng đạt chuẩn theo quy định của Nhà nước.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc