Multimedia Đọc Báo in

Để nông dân mặn mà hơn với cây mía

09:07, 08/01/2014

Thời điểm này, nông dân ở các vùng nguyên liệu mía trong tỉnh đang bước vào thu hoạch niên vụ 2013-2014. Trước tình hình kinh doanh mía đường ngày càng khó khăn, giá cả xuống thấp, doanh nghiệp đã có những chính sách phù hợp, bảo đảm thu nhập ổn định để nông dân yên tâm gắn bó hơn với cây mía.

Vùng mía nguyên liệu huyện Ea Kar tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Vùng mía nguyên liệu huyện Ea Kar tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Cây mía ngày càng “ngọt” hơn

Trước đây, để “gom” đủ tiền đầu tư trồng 5 ha mía, gia đình anh Huỳnh Anh Dũng ở thôn Đoàn Kết 1, xã Ea Týh (huyện Ea Kar) phải chạy vạy, vay mượn khắp nơi. Thế nhưng do giá cả đầu ra của cây mía rất bấp bênh, năm cao, năm thấp cộng thêm những yếu tố bất lợi của thời tiết khiến vợ chồng anh rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan. Từ khi ký hợp đồng trồng mía nguyên liệu với Công ty Cổ phần Mía đường 333 (năm 2008 đến nay), gia đình anh được Công ty đầu tư 20 triệu đồng/ha để trồng, chăm sóc mía. Anh Dũng cho biết, niên vụ 2013-2014 này, tình hình thời tiết thuận lợi, nắng đều, chất lượng mía tốt, 5 ha sẽ cho thu hoạch khoảng 450 tấn. Tuy giá thu mua mía nguyên liệu trên thị trường thấp nhưng để nông dân gắn bó với cây mía, phía Công ty đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá 870.000 đồng/tấn mía đạt 10 trữ lượng đường, trừ chi phí đầu tư, công thu hoạch cũng có lãi khoảng 250 triệu đồng/năm. Điều đáng nói, cây mía không chỉ đem lại thu nhập ổn định cho gia đình anh mà còn tạo việc làm cho 20-30 lao động thời vụ địa phương.

Thu mua mía nguyên liệu ngay tại  đồng ruộng.
Thu mua mía nguyên liệu ngay tại đồng ruộng.

Cùng thời điểm này, nông dân xã Ea Sar (huyện Ea Kar) cũng đang bước vào vụ thu hoạch mía. Theo ông Văn Đình Thìn, Phó Chủ tịch UBND xã, phần lớn diện tích đất đai của xã khá phù hợp với việc trồng cây sắn, mía. Tuy nhiên, do chi phí đầu tư trồng mía cao, khoảng 20 - 25 triệu đồng/ha nên trước đây, các hộ đã tập trung phát triển cây sắn. Sau một thời gian, giá cả và đầu ra của cây sắn bấp bênh, trong khi đó, nếu trồng mía, nông dân được Công ty đầu tư vốn, bao tiêu sản phẩm nên bà con đã mặn mà hơn với cây mía, phát triển diện tích lên 942 ha, nhờ vậy nhiều hộ đã thoát nghèo. Đơn cử như gia đình anh Lê Xuân Vỹ ở thôn 5 sau nhiều năm chuyên canh cây sắn đã quyết định chuyển sang trồng mía. Được Công ty cung ứng giống, vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá có lợi nhất nên 5 năm nay, gia đình anh rất yên tâm phát triển cây mía và có nguồn thu nhập ổn định.

Đồng hành cùng người trồng mía

Mặc dù tình hình sản xuất, kinh doanh mía đường đang gặp nhiều khó khăn nhưng để thúc đẩy ngành mía đường phát triển, tận dụng, phát huy lợi thế đất đai, góp phần cải thiện đời sống của người dân, những năm qua, Công ty Cổ phần Mía đường 333 đã có nhiều biện pháp thay đổi trong sản xuất kinh doanh, tập trung phát triển vùng nguyên liệu, cải tiến hợp lý hóa dây chuyền sản xuất... Năm 2013, Công ty đã đầu tư hơn 14 tỷ đồng mua sắm máy móc, trang thiết bị nhằm nâng công suất hoạt động của Nhà máy Đường lên 2.500 tấn mía/ngày; cải tạo đường giao thông, công trình thủy lợi, tạo thuận lợi cho sản xuất, thu hoạch. Đồng thời, cung ứng giống, vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo hợp đồng ký kết trồng mía nguyên liệu với nông dân. Nhằm loại bỏ và thay thế dần các giống mía cũ có năng suất, chất lượng kém, Công ty đã tuyển chọn những giống mía có hiệu quả cao, phù hợp với điều kiện sinh thái từng vùng, tổ chức tập huấn hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh nên năng suất mía của nhiều hộ đạt cao, từ 80 - 90 tấn/ha.

Mía  nguyên liệu tập kết tại Nhà máy Đường 333.
Mía nguyên liệu tập kết tại Nhà máy Đường 333.

Ông Phan Xuân Thủy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường 333 cho biết, toàn tỉnh hiện có 4.000 hộ trồng mía với diện tích 7.915 ha, tập trung chủ yếu ở huyện Ea Kar và M’Drak, trong đó có 6.900 ha đã được Công ty đầu tư với tổng kinh phí 130 tỷ đồng (trung bình mỗi ha trồng mới được đầu tư 20 triệu đồng). Trước mỗi vụ mía, Công ty đều tổ chức họp thông báo các cơ chế chính sách đầu tư, thu mua mía và xây dựng kế hoạch thu mua, vận chuyển nguyên liệu của từng vùng. Những vướng mắc, khó khăn trong công tác thu mua, thanh toán cho người trồng mía được giải quyết kịp thời. Những diện tích mía không nằm trong diện đầu tư của Công ty cũng được thu mua hết bằng với giá mía ở những vùng có đầu tư. Năm nay, do giá đường giảm, giá thu mua mía nguyên liệu thấp, nếu mua theo giá thị trường chỉ khoảng 684.000 đồng/tấn, nhưng để bảo đảm quyền lợi cho nông dân, Công ty đã quyết định nâng giá lên 870.000 đồng/tấn. Nhờ sự “đồng hành” của Công ty, nhiều người trồng mía đã xây dựng được nhà cửa khang trang, kiên cố và có cuộc sống ổn định hơn.

Tuy nhiên, cũng theo ông Phan Xuân Thủy, về lâu dài, nếu Công ty vẫn phải tiếp tục bù giá cho nông dân thì việc kinh doanh sẽ gặp rất nhiều khó khăn bởi giá đường xuống thấp, cung vượt cầu lại thêm đường nhập lậu, đường tạm nhập tái xuất và cả tình trạng tranh mua nguyên liệu của các nhà máy ngoài tỉnh. Để doanh nghiệp và nông dân trồng mía cùng có lợi, thời gian tới, Công ty sẽ tập trung đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng mía nhằm tăng lợi nhuận trên mỗi ha; đồng thời mong muốn các ngành hữu quan có những cơ chế, chính sách phù hợp hạn chế tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, thúc đẩy ngành mía đường phát triển.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.