Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Bông: Nhiều nông dân ổn định cuộc sống nhờ chuyển đổi đất rẫy thành ruộng nước

10:30, 15/01/2014
Từ năm 1996 đến nay, hàng trăm hộ đồng bào Mông vào định cư ở các xã Hòa Phong, Cư Pui và Cư Drăm (huyện Krông Bông) đã khai hoang, cải tạo, chuyển đổi hơn 400 ha đất cao, đất cằn cỗi, năng suất thấp thành những thửa ruộng nước cấy được 2 vụ lúa cho năng suất ổn định.

Trước đây chưa có hệ thống thủy lợi, việc cải tạo, chuyển đổi từ rẫy cao sang ruộng nước chủ yếu bằng thủ công nên chỉ gia đình nào có rẫy, nương sát suối mới cải tạo để làm lúa nước. Vì vậy diện tích lúa nước ở các địa phương này chỉ khoảng vài ba chục héc-ta. Hiện nay, việc cải tạo đã có máy ủi, máy múc nên thuận lợi hơn rất nhiều. Riêng ở xã Cư Pui, bà con đã cải tạo và chuyển đổi được hơn 175 ha đất cao, cằn cỗi để làm lúa nước (nhiều nhất là thôn Ea Rớt với 64,2 ha). Theo ông Vàng Văn Hồ ở thôn Ea Uôl cho biết, chi phí để thuê máy san ủi 1 sào đất cao thành 1 sào ruộng hiện nay khoảng 10 triệu đồng, sau khi san ủi, các hộ tự góp ngày công đào mương, đưa nước từ suối về làm ruộng. Nhiều gia đình đã đưa máy móc vào sản xuất. Những thửa ruộng chuyển đổi được bà con canh tác rất hiệu quả, năng suất bình quân đạt 5 tạ/sào. Ông Hùng Xuân Thành, Trưởng thôn Cư Tê (xã Cư Pui) cho biết: “Người Mông rất thích làm ruộng nhưng khi mới vào định cư, do thiếu nước nên chủ yếu tỉa ngô, tỉa đậu song đất cằn cỗi nên năng suất thấp. Thời gian qua, hơn nửa số hộ trong thôn đã cải tạo, chuyển đổi những đất rẫy không hiệu quả thành 21,8 ha ruộng thấp và 24 ha ruộng bậc thang. Những mảnh đất gần suối trước giờ bỏ hoang đang được bà con tận dụng cải tạo để làm ruộng nước. Bà con trong thôn rất mong được Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi để chủ động nguồn nước làm được 2 vụ lúa; đồng thời tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nhằm nâng cao năng suất”.

Bà con thôn  Cư Tê (xã  Cư Pui) vào vụ cấy.
Bà con thôn Cư Tê (xã Cư Pui) vào vụ cấy.

Ở xã Cư Drăm, trong những năm qua, bà con người Mông cũng chuyển đổi được gần 200 ha đất cao thành ruộng thấp và ruộng bậc thang. Nhiều hộ đã bỏ tiền của và công sức cải tạo những mảnh đất cao trồng các loại cây khác không hiệu quả để có được những đám ruộng làm 2 vụ lúa. Điển hình như hộ ông Vàng Văn Cơ ở thôn Ea Luếh có hơn 2 ha đất trồng cây các loại, trong đó có hơn 4 sào ruộng nước làm 2 vụ, mỗi vụ thu hoạch gần 2 tấn lúa. Ông cho biết: “Trước kia gia đình chỉ trồng ngô và trồng sắn. Năm 2001, vợ chồng mình đã bỏ hơn 100 ngày công để cải tạo hơn 4000 m2 đất cằn cỗi thành những ô ruộng bậc thang. Gia đình đã đầu tư gần 30 triệu đồng để lắp đặt ống nhựa dẫn nguồn nước cách nhà hơn 3 km để sinh hoạt và làm ruộng. Giờ đây gia đình không còn phải mua gạo nữa”.

Nhờ có ruộng nước, nhiều hộ đồng bào Mông đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định. Tuy nhiên, để tránh tình trạng bà con ồ ạt chuyển đổi sang trồng lúa những diện tích đất không phù hợp, xa nguồn nước dẫn đến hiệu quả cây trồng không cao, gây lãng phí,  thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần quy hoạch và định hướng việc cải tạo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho bà con một cách hợp lý.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.