Multimedia Đọc Báo in

Khổ vì… cà phê chè

09:16, 13/01/2014

Sau nhiều năm thất bát, niên vụ cà phê vừa qua tiếp tục là một năm không thành công của một số đơn vị kinh doanh cà phê chè hiện đứng chân trên địa bàn  huyện M’Drak…

Công ty TNHH Một thành viên Cà phê 715C nằm trên địa bàn xã Ea Yiêng, huyện M’Drak bắt đầu thực hiện việc trồng thí điểm cây cà phê chè từ năm 1998. Những kết quả nghiên cứu cho thấy đây là loại cây lưỡng tính, phù hợp với vùng mưa nhiều, ít bệnh rỉ sắt nên đến năm 2003 cây cà phê chè được đưa vào trồng đại trà và chiếm tỷ lệ chủ yếu trong tổng số 631 ha đất của Công ty. Lãnh đạo Công ty, công nhân ai cũng khấp khởi mừng vì những tưởng đã lựa chọn được loại cây trồng thích hợp bởi giai đoạn đầu cây cà phê chè cho năng suất tương đối cao, cá biệt có năm đạt 20-30 tấn tươi/ha. Nhưng liên tục những năm gần đây, năng suất cà phê chè giảm đến xót xa, trung bình đạt khoảng 3 tấn tươi/ha, nhiều diện tích gần như thất thu. Thêm nữa, năm 2013 giá cà phê chè có thời điểm đã giảm xuống mức thấp hơn cả cà phê vối. Trong khi đó, mức giao khoán sản phẩm của Công ty cho công nhân là 2,5 tấn tươi/ha. Theo đó, 80% trong tổng số 530 người lao động nhận khoán hiện đang nợ khoán của Công ty với số tiền lên tới 6 tỷ đồng. Nợ chồng nợ cũng đã kéo theo số nợ đọng bảo hiểm xã hội của đơn vị với cơ quan bảo hiểm là 1,5 tỷ đồng.
Công ty Cà phê 715C trồng cao su xen vào với cà phê trong lúc đợi tận thu.
Công ty Cà phê 715C trồng cao su xen vào với cà phê trong lúc đợi tận thu.

Tương tự Công ty TNHH Một thành viên Cà phê 715A nằm trên địa bàn thôn 18, xã Ea Yiêng, huyện M’Drak cũng khóc dở mếu dở vì cà phê chè. Từ năm 2002, trong số 750 ha đất sản xuất, cây cà phê chè là cây trồng chính của Công ty. Tuy nhiên, hiện số diện tích cà phê còn sót lại chỉ vào khoảng 180 ha, năng suất trung bình đạt 4.700 kg/ha và chỉ đạt 34% năng suất khoán đối với người lao động. Theo ông Nguyễn Thanh Mượu, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Cà phê 715A, nhiều năm nay, việc kinh doanh cà phê chè không đạt hiệu quả như mong muốn là do cây cà phê ra hoa đúng vào thời điểm mưa nhiều trên địa bàn huyện. Cụ thể, cà phê chè ra hoa từ tháng 11 đến tháng 2, tháng 3 năm sau. Theo đó, ảnh hưởng của khí hậu ven biển duyên hải miền Trung, cà phê ra hoa tập trung gặp mưa liên tục, kéo dài nên năng suất giảm rõ rệt. Tình hình sản xuất khó khăn làm cho vấn đề tài chính của doanh nghiệp khó chồng khó. Nợ tồn đọng kéo dài, Công ty TNHH Một thành viên Cà phê 715A bị xếp vào loại doanh nghiệp nhóm C nên suốt từ năm 1994 đến nay không vay được vốn ngân hàng để đầu tư cho sản xuất. Cộng cả số nợ từ thời cà phê rớt giá xuống mức 4.000 đồng/kg, số nợ của doanh nghiệp đã lên đến con số 8,6 tỷ đồng. Riêng số tiền đơn vị nợ đọng bảo hiểm xã hội là 2,3 tỷ đồng. Trước việc sản xuất kinh doanh cây cà phê chè không hiệu quả, Tổng Công ty Cà phê Việt Nam đã có văn bản đồng ý cho Công ty chuyển đổi diện tích cà phê sang các loại cây trồng khác. Hiện Công ty đã chuyển đổi được 326 ha cà phê sang trồng cao su. Cũng theo ông Mượu, trong điều kiện nguồn vốn eo hẹp, không vay được vốn ngân hàng, việc chuyển đổi này thực hiện được phần lớn là dựa vào công nhân và người lao động. Cụ thể, công nhân góp vốn bằng tiền công lao động, Công ty chỉ bỏ vốn đầu tư phân bón, giống; sau này chia lợi nhuận theo tỷ lệ vốn. Hiện diện tích cao su của Công ty phát triển tương đối tốt. Tuy nhiên, cái khó là huyện M’Dak chưa có quy hoạch bổ sung phát triển cây cao su nên lãnh đạo doanh nghiệp cũng đã có kiến nghị và mong muốn tỉnh sớm có quyết định phê duyệt quy hoạch bổ sung để tạo điều kiện cho đơn vị có cơ sở pháp lý chuyển đổi cây cà phê sang cây cao su, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc