Ngày cuối năm trên công trình cầu Krông Kmar và cầu Ea Súp
Những ngày này, công trình cầu Krông Kmar (huyện Krông Bông) và cầu Ea Súp (huyện Ea Súp) thuộc Dự án “tái xây dựng cầu giao thông nông thôn tại miền Trung và Tây Nguyên” đã và đang bước vào giai đoạn nước rút, phấn đấu hoàn thành vào dịp kỷ niệm 39 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4).
Những ngày thi công “nước rút”
Dự án “tái xây dựng cầu giao thông nông thôn tại miền Trung và Tây Nguyên” sẽ xây dựng 4 cầu gồm: cầu Tầm Ngân tại (tỉnh Ninh Thuận), cầu Ngòi Ngàn (Khánh Hòa), cầu Ea Súp và cầu Krông Kmar (Dak Lak), do Chính phủ Nhật Bản viện trợ không hoàn lại. Đối với 2 dự án cầu Ea Súp và Krông Kmar trên địa bàn Dak Lak được khởi công xây dựng từ cuối tháng 12-2012, với kinh phí mỗi cầu khoảng 25 tỷ đồng. Theo thiết kế, các cầu nói trên được xây dựng vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, có trọng tải H-18, gồm 3 nhịp, mỗi nhịp 4 dầm với bề rộng mặt cầu là 7,8m; chiều dài cầu Ea Súp 59,3m, cầu Krông Kmar 71,3m. Đường đầu cầu Ea Súp và cầu Krông Kmar được thiết kế với hai đường cong nằm trái chiều bảo đảm theo tiêu chuẩn 22TCN-4054-05 (tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn), bán kính đường cong tròn nằm phía các mố phù hợp với hiện trạng tỉnh lộ 1 đối với cầu Ea Súp, phù hợp với hiện trạng của tỉnh lộ 12 đối với cầu Krông Kmar. Thời gian thi công theo hợp đồng là 18 tháng (kể từ ngày khởi công), dự kiến đưa vào sử dụng trong tháng 6-2014. Tuy nhiên, do tính cấp thiết của công trình, các đơn vị đã khẩn trương đẩy nhanh thi công, nên đến thời điểm này, 2 công trình trên đã hoàn thành khoảng trên 80% khối lượng công việc của toàn Dự án. Trên tinh thần luôn coi an toàn là yếu tố hàng đầu, đồng thời đảm bảo chất lượng công trình trong quá trình thi công, dưới sự tư vấn và giám sát của đơn vị tư vấn là công ty Oriental Consultants, nhà thầu Tekken (Nhật Bản) luôn bảo đảm tiến độ đề ra và dự kiến đưa công trình vào sử dụng trước 2 tháng (tháng 4-2014). Để bảo đảm tiến độ, chủ đầu tư đã huy động thêm máy móc, nhân lực để tổ chức nhiều mũi thi công song song; tiến độ được đề ra theo từng ngày để có kế hoạch tăng ca và chia ca làm việc với những công việc cụ thể, được hướng dẫn đến từng lao động, giúp mỗi cán bộ kỹ sư và anh em công nhân trên công trường ý thức rõ được trách nhiệm để hoàn thành tốt công việc được giao. Có mặt tại công trình cầu Krông Kmar vào một ngày nghỉ cuối tuần, chúng tôi cảm nhận một không khí lao động sản xuất sôi nổi của anh em công nhân nơi đây. Anh Cao Quý, nhân viên kỹ thuật của Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long (đơn vị thi công) cho biết: vào những thời điểm thi công các hạng mục quan trọng như gác dầm, kết cấu phần dưới cầu, đơn vị thi công thường phải huy động anh em công nhân làm tăng ca. Mỗi lần tăng ca vào ban đêm phải đấu nối thêm bóng đèn để vừa bảo đảm đủ độ sáng cho anh em làm vừa bảo đảm chất lượng công trình. Mỗi lần tăng ca, cường độ làm việc khá vất vả, nhưng bù lại thu nhập của anh em công nhân cao hơn, nhiều hạng mục của công trình theo đó cũng nhanh chóng hoàn thành nên tất cả lao động tại công trường đều nỗ lực làm việc liên tục trong 3 ca, nhất là trong giai đoạn “nước rút” hiện nay.
Công nhân đúc dầm cầu Krông Kmar. |
Nhịp cầu kết nối những vùng quê
Việc xây dựng lại các cây cầu này là một nhu cầu cấp thiết, giúp người dân địa phương đi lại an toàn và thuận lợi hơn, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương có dự án đi qua. Tính đến thời điểm này, Nhật Bản đã hỗ trợ 3 dự án viện trợ không hoàn lại để xây dựng cầu nông thôn trên phạm vi cả nước, gồm: Dự án xây dựng cầu giao thông nông thôn các tỉnh khu vực miền Bắc; Dự án xây dựng cầu giao thông nông thôn các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Dự án xây dựng cầu giao thông nông thôn các tỉnh khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Anh Nguyễn Huy Thanh, Giám đốc công trường (đại diện chủ đầu tư) cho biết, miền Trung và Tây Nguyên là 2 khu vực mỗi năm phải gánh chịu nhiều thảm họa, thiên tai như bão lũ, hạn hán. Do vậy, thông qua việc xây dựng lại các cầu này, Chính phủ Nhật Bản đã và đang góp phần cùng chính phủ Việt Nam xóa nghèo, thúc đẩy hợp tác địa phương và phát triển kinh tế, đặc biệt năm 2013 - trong bối cảnh 2 nước kỷ niệm tròn 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Đối với Dak Lak, sau khi công trình hoàn thành sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho tỉnh nói chung, huyện biên giới Ea Súp và vùng căn cứ cách mạng Krông Bông nói riêng. Với vị trí của cầu nằm ở trung tâm của 2 huyện nói trên, sau khi hoàn thành, công trình sẽ góp phần nối thông tuyến từ trung tâm 2 huyện với các xã lân cận, nâng cao đời sống của người dân, góp phần thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới tại các địa phương. Riêng với cầu Krông Kmar – là điểm kết nối giữa khu vực thị trấn Krông Kmar với các xã cánh đông của huyện như Khuê Ngọc Điền, Hòa Lễ, Hòa Phong, Cư Pui, Cư Drăm, Yang Mao - nơi từng là vùng căn cứ cách mạng H9 năm xưa, giờ đây là vùng sản xuất các mặt hàng nông sản chính của huyện như lúa, mì, bắp. Do vậy, việc xây cầu sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi trong việc vận chuyển hàng hóa từ vùng sản xuất đến nơi tiêu thụ. Trong khi đó, cầu Ea Súp còn mang ý nghĩa quan trọng trong việc kết nối giao thương, văn hóa giữa các xã vùng biên như Ia R’vê, Ya Lốp, Ea Bung, xã đặc biệt khó khăn Cư Kbang với khu trung tâm thị trấn Ea Súp. Công trình cũng là cầu nối giữa vùng dự án kinh tế - quốc phòng Ia R’vê, Ya Lốp với các địa phương khác, góp phần đánh thức tiềm năng kinh tế ở vùng đất dự án.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc