Multimedia Đọc Báo in

Thưởng Tết trong doanh nghiệp: Vui và buồn!

10:29, 15/01/2014

Sau một năm làm việc, công tác, thưởng Tết đã trở thành mối quan tâm của hầu hết người lao động để có thể chăm lo cho ngày Tết đủ đầy hơn. Tuy nhiên, với một năm 2013 sản xuất kinh doanh chồng chất khó khăn, bảo đảm lương và thưởng Tết cho công nhân cũng là chuyện không đơn giản của nhiều doanh nghiệp…

Hoạt động được hơn một năm, Công ty Cổ phần du lịch cộng đồng Ko Tam, TP.Buôn Ma Thuột có 58 cán bộ, công nhân viên, trong đó gần 30% là người dân tộc thiểu số. Mặc dù hoạt động trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều khó khăn nhưng lãnh đạo Công ty vẫn dành quỹ tiền lương mỗi tháng 160 triệu đồng để thanh toán đầy đủ cho người lao động, với mức lương bình quân từ 3 triệu đến 3,5 triệu đồng/người/tháng. Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty, thưởng Tết là nghĩa tình của doanh nghiệp đối với người lao động, vì vậy, Công ty vẫn dành nguồn trích thưởng Tết cho công nhân viên với mức thưởng mỗi người một tháng lương và một phần quà. Ngoài lương, thưởng Tết, để động viên người lao động làm việc trong dịp Tết Nguyên đán, Công ty dự tính sẽ  trích 10% tổng doanh thu tháng 1 năm 2014 để thưởng thêm cho người lao động. Chị H’Sina Niê, nhân viên Công ty Du lịch sinh thái, cộng đồng Ko Tam vui vẻ cho biết: Khi Công ty mới đi vào hoạt động, thấy còn nhiều khó khăn, chị cũng như các chị em khác không nghĩ sẽ có thưởng Tết. Thế nhưng mới đây nghe Công ty thông báo thưởng Tết 1 tháng lương, 1 phần quà và liên hoan tất niên, ai nấy đều phấn khởi.  

 Thưởng Tết  là mối quan tâm  của nhiều người  lao động để có thêm khoản thu nhập trang trải  trong ngày Tết.
Thưởng Tết là mối quan tâm của nhiều người lao động để có thêm khoản thu nhập trang trải trong ngày Tết.

Đối với Công ty TNHH Đa Wa ở Khu công nghiệp Tân An, TP.Buôn Ma Thuột, tuy tình hình kinh tế khó khăn nhưng Công ty vẫn ổn định sản xuất, theo đó giữ được mức chăm lo đời sống công nhân bằng với năm ngoái. Mức lương bình quân của người lao động  từ 3,5 triệu đến 4 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, Công ty có chính sách lương thưởng dựa trên hiệu quả sản xuất kinh doanh để động viên, khuyến khích đồng thời nâng cao đời sống người lao động. Năm  2013, Công ty sản xuất gần 655 nghìn lít nước uống đóng chai, doanh thu đạt 8 tỷ 770 triệu đồng, nộp ngân sách nhà nước 540 triệu đồng, tăng hơn năm 2012 là 180 triệu đồng. Công ty đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Công ty TNHH  Đa Wa cho biết: Để bảo đảm đời sống cho công nhân, Ban Giám đốc Công ty đã cố gắng, mạnh dạn mở rộng thị trường tiêu thụ, với con số 930 đại lý phân phối ở hai tỉnh Dak Lak và Dak Nông. Nhờ sự nỗ lực này, Công ty đã tăng doanh thu và trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, Công ty sẽ tùy theo mức đóng góp và thành tích để thưởng, trung bình 1 triệu đồng/người. Ngoài ra, Công đoàn Công ty  còn  mua cho mỗi công nhân một phần quà để động viên tinh thần công nhân.

Một ca làm việc của công nhân Công ty Cổ phần Mía đường 333 (Ảnh: Giang Nam)
Một ca làm việc của công nhân Công ty Cổ phần Mía đường 333 (Ảnh: Giang Nam)

Tuy nhiên, không phải người lao động nào cũng có niềm vui được thưởng Tết như ở Công ty Du lịch sinh thái, cộng đồng Ko Tam và Công ty TNHH  Đa Wa khi năm 2013, do tác động của suy thoái kinh tế khiến cho nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn. Toàn tỉnh có hơn 816 doanh nghiệp ngừng hoạt động. Số tiền nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế của các doanh nghiệp lên tới 66 tỷ đồng. Việc các doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể đã khiến cho nhiều lao động thất nghiệp. Còn đối với số doanh nghiệp đang hoạt động cầm chừng do  phải thu hẹp sản xuất thì việc chuẩn bị cho lương, thưởng Tết Nguyên đán khiến cho nhiều đơn vị  không khỏi  lo lắng. Nhiều công nhân  tại các  doanh nghiệp này không dám hy vọng về số tiền thưởng Tết, chỉ mong sao doanh nghiệp trả đủ tiền lương. Theo khảo sát của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, năm 2013, thu nhập bình quân của người lao động trong doanh nghiệp Nhà nước do Trung ương quản lý  đạt 4.524.000 đồng/người/tháng; thu nhập trong doanh nghiệp Nhà nước do địa phương quản lý 4.595.000 đồng/người/tháng; thu nhập thuộc doanh nghiệp ngoài quốc doanh chỉ đạt 2.257.000 đồng/người/tháng, nên đời sống của người lao động ở khu vực này còn gặp nhiều khó khăn.

Để nắm bắt, theo đõi đời sống của người lao động trong dịp Tết, Sở LĐ-TB&XH đã gửi văn bản cho 300 doanh nghiệp trên địa bàn, đề nghị các doanh nghiệp quan tâm thực hiện tốt việc trả lương vào thời điểm cuối năm và trả thưởng cho người lao động trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán nhưng đến những ngày cuối cùng của năm 2013 cũng chỉ có 27 doanh nghiệp báo cáo. Theo đó, mức thưởng cao nhất thuộc khối doanh nghiệp nhà nước là 40 triệu đồng, doanh nghiệp dân doanh là 13 triệu đồng, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 6 triệu đồng. Mức thưởng thấp nhất là 180 nghìn đồng/người. Điều đáng nói là số liệu này mới dừng lại ở  27 doanh nghiệp gửi báo  cáo. Điều đó cũng cho thấy, hiện vẫn có còn nhiều doanh nghiệp chưa chấp hành quy định chế độ báo cáo với cơ quan quản lý Nhà nước. Đồng thời ở một khía cạnh nào đó cũng phản ánh những khó khăn của doanh nghiệp, đồng nghĩa với sự trông chờ có thêm khoản thu nhập để trang trải trong dịp Tết của nhiều người lao động đòi hỏi sự quan tâm thỏa đáng của các doanh nghiệp.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.