Thủy điện có còn hấp dẫn nhà đầu tư ?
Do hiệu quả sản xuất thấp, kinh doanh thua lỗ, áp lực tiền lãi ngân hàng lớn và những tác động xấu đến môi trường khiến nhiều nhà đầu tư không còn mặn mà với việc đầu tư xây dựng các nhà máy thủy điện.
Hiện nhiều dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn trong việc triển khai vì nguyên nhân thiếu vốn, vướng mắc trong hoàn chỉnh thủ tục hoặc chưa được thông qua báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, có thể thấy doanh nghiệp không còn mặn mà, đổ xô vào làm thủy điện như thời gian trước. Trên thực tế, một số chủ đầu tư xây dựng nhà máy thủy điện nhưng mục đích chủ yếu chưa hẳn là sản xuất điện mà vì lợi ích khác. Một chủ doanh nghiệp từng tâm sự thật rằng: Mục đích của việc triển khai dự án thủy điện là để từ đó họ “tận dụng” tối đa được nguồn lợi từ rừng trong phạm vi dự án.
Thủy điện vừa và nhỏ được xem là một phần của các nguồn năng lượng tái tạo, địa phương có tiềm năng về thủy điện sẽ được thụ hưởng lợi ích lớn về kinh tế. Tuy nhiên, việc xây dựng các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ lại đang kéo theo nhiều hệ lụy như: làm hỏng đường giao thông, tăng gánh nặng chi phí vận chuyển, sửa chữa, gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và nguồn lợi thủy sản, lâm sản... Câu chuyện về ảnh hưởng trong quá trình xây dựng Nhà máy thủy điện Sêrêpôk 4A khiến chính quyền và ngành chức năng huyện Buôn Đôn phải đau đầu trong thời gian qua là một minh chứng cho điều này. Ngày 9-4, hàng chục người dân thôn Nà Ven, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn đã tập trung tại công trình thủy điện Sêrêpôk 4A, ngăn cản việc thi công vì cho rằng đơn vị thực hiện dự án đào đường dân sinh để làm kênh dẫn dòng, xây dựng cầu vượt qua kênh không bảo đảm an toàn. Sự việc đã dẫn đến tình trạng mất an ninh trật tự tại địa phương, huyện Buôn Đôn và các sở ngành của tỉnh phải vào cuộc, kiểm tra, thẩm định chất lượng, kỹ thuật công trình và đến tháng 8-2013, UBND tỉnh đã phải yêu cầu chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần thủy điện Buôn Đôn phá bỏ cầu Nà Ven đi qua kênh dẫn nước của nhà máy thủy điện này để xây cầu mới phù hợp với hiện trạng đường dân sinh. Sự việc này đã dẫn đến việc lãng phí nhiều thời gian, tiền bạc của các bên liên quan.
Nhà máy thủy điện Buôn Kuốp có công suất 280 MW là công trình thủy điện lớn thứ 2 ở Tây Nguyên sau thủy điện Yaly. |
Bên cạnh đó, lợi nhuận từ việc làm thủy điện cũng không lớn, thậm chí, những dự án công suất vài ba MW còn bị thua lỗ. Bởi việc đầu tư một dự án thủy điện vài MW thấp nhất cũng mất hàng trăm tỷ đồng, mà để thực hiện được dự án, hầu hết các doanh nghiệp đều phải đi vay ngân hàng, trong khi thời gian hoàn vốn và sinh lời của nhà máy thủy điện ít nhất 10 năm, lợi nhuận mang lại không đủ bù lãi vay ngân hàng. Vì thế hiện một số nhà đầu tư cảm thấy “chán” ngành công nghiệp này, một số doanh nghiệp lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” vì muốn đầu tư nhưng không có vốn, mà bỏ cũng không được. Trong khi đó, những dự án đã đi vào khai thác phần lớn đều lỗ vốn do lãi suất ngân hàng tăng lên, trong khi giá bán điện không tăng mà còn phải “cõng” thêm tiền thuế. Đơn cử, năm 2007, để xây dựng Nhà máy thủy điện Ea M’Doal 3 (tại xã Ea M’Doal – huyện M’Drak), Công ty TNHH Hòa Long đã phải vay Ngân hàng Đầu tư và Phát triển 21 tỷ đồng. Với sản lượng điện bình quân hàng năm gần 5 triệu KWh, giá bán điện cho Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) hiện tại là 511 đồng/KWh, thì doanh thu từ nhà máy chỉ đạt khoảng 2,5 tỷ đồng, số tiền này chỉ đủ trả tiền lãi ngân hàng và duy trì hoạt động chứ không có lãi. Bên cạnh đó, hàng năm, công ty còn phải chịu 1,5 tỷ đồng tiền thuế tài nguyên nước, thuế môi trường rừng và tiền quản lý, vận hành… vì vậy, sau 6 năm kinh doanh thủy điện, “kết quả” của doanh nghiệp này là… khoản nợ ngân hàng còn 18 tỷ đồng. Ông Lê Văn Phương, Quản đốc nhà máy cho biết: “Không chỉ chịu thuế và lãi ngân hàng cao, các đơn vị làm thủy điện nhỏ còn bị “ép giá”, vì có thời điểm doanh nghiệp được bán điện với giá 2.300 đồng/KWh, nhưng thời điểm này là mùa khô Tây Nguyên nên sản lượng điện sản xuất rất hạn chế. Doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy theo cơ chế thị trường nhưng bán điện cho EVN theo cơ chế bao cấp nên mấy năm nay coi như đi làm không công cho ngân hàng.
Ông Trương Công Hồng, Trưởng phòng Quản lý năng lượng, Sở Công thương cho biết: các nhà máy thủy điện đã đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh có tổng công suất lắp máy hơn 60MW, bên cạnh lợi ích mang lại, thủy điện nhỏ cũng kéo theo những hệ lụy khiến doanh nghiệp muốn đầu tư vào lĩnh vực này ngày càng dè dặt hơn. Với quan điểm không làm thủy điện bằng mọi giá, vừa qua, địa phương đã đề nghị loại bỏ 13 dự án thủy điện vừa và nhỏ, 71 điểm có tiềm năng thủy điện khỏi quy hoạch của tỉnh Dak Lak đã được phê duyệt từ năm 2005 và thu hồi chủ trương đầu tư đối với 7 dự án công suất dưới 10MW. Nguyên nhân là do chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án chậm tiến độ cam kết, hiệu quả không cao trong khi tác động và ảnh hưởng rất lớn đến môi trường…
Bộ Công thương đã thống nhất với các tỉnh loại khỏi quy hoạch 338 dự án TĐ với tổng công suất 1.089 MW và không tiếp tục xem xét đưa vào quy hoạch 169 vị trí tiềm năng. Trên cả nước hiện còn 899 dự án TĐ với tổng công suất 24.880 MW, trong đó, 260 dự án đã vận hành khai thác, 211 dự án đang xây dựng, 266 dự án đang nghiên cứu đầu tư và 162 dự án chưa quyết định đầu tư.
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc