Multimedia Đọc Báo in

Vừa làm kinh tế giỏi, vừa giúp đồng bào trong thôn thoát nghèo

10:30, 15/01/2014
Năm 1998, gia đình ông Giàng Seo Tráng rời quê hương Hà Giang vào lập nghiệp tại thôn 8, xã Krông Á (nay là thôn 11, xã Cư San, huyện M’Drak).
 
Những ngày đầu trên vùng đất mới, cuộc sống của gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn, do con còn nhỏ, vốn liếng lại không có, bệnh sốt rét lại thường xuyên hành hạ. Bên cạnh đó, do chưa nắm được quy luật của khí hậu và điều kiện thổ nhưỡng địa phương, nên gia đình ông trồng trọt và chăn nuôi đều không hiệu quả. Ông Giàng Seo Tráng phải làm đủ nghề để xoay xở cái ăn cho cả gia đình mà cái đói cái nghèo vẫn cứ mãi đeo đuổi.
Ông Giàng Seo Tráng chăm sóc vườn keo nguyên liệu của gia đình.
Ông Giàng Seo Tráng chăm sóc vườn keo nguyên liệu của gia đình.

Không cam chịu đói nghèo, ông Tráng quyết tâm tìm ra hướng đi để thay đổi cuộc sống. Ông nghĩ nguyên nhân chính khiến gia đình mình và nhiều bà con dân tộc thiểu số còn nghèo khổ là do không có kiến thức khoa học và kinh nghiệm sản xuất, đa số người dân trong thôn vẫn mang nặng những tập tục lạc hậu, du canh du cư, không ổn định. Do vậy, để  cải thiện đời sống thì việc cần thiết phải xây dựng ý chí bám đất, bám rừng của bà con nơi đây. Nghĩ là làm, ông động viên gia đình khắc phục khó khăn tích cực tăng gia sản xuất, đồng thời tìm hiểu các kiến thức khoa học kỹ thuật áp dụng vào chăn nuôi và sản xuất. Với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể, đặc biệt là Hội Cựu chiến binh, gia đình ông được vay vốn làm ăn. Với số vốn ban đầu 10 triệu đồng, ông Tráng dùng mua sắm công cụ sản xuất, khai hoang mở rộng diện tích đất canh tác và mua cây, con giống để trồng rừng và chăn nuôi trâu bò, heo, gà... Nhờ vậy, đến nay, gia đình ông Tráng đã có cuộc sống ổn định với 7 ha đất trồng keo làm nguyên liệu giấy, 1 ha lúa nước, 2 ha đất trồng bắp, ao cá rộng 0,4 ha, 2 con trâu sinh sản và heo gà,… mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Không chỉ vươn lên làm giàu chính đáng, với vai trò là người có uy tín trong thôn, được người dân bầu làm già làng, ông Giàng Seo Tráng còn rất tích cực vận động bà con trong thôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thi đua lao động sản xuất vươn lên xóa đói giảm nghèo. Bản thân ông đã giúp nhiều hộ trong thôn vươn lên bằng những cách làm thiết thực. Cụ thể như ông đã giúp gia đình anh Sùng Seo Kháng một con trâu để lấy sức cày kéo và 1 sào ruộng nước canh tác; giúp gia đình anh Sùng Văn Tháo 1 sào ruộng canh tác lâu dài và giúp nhiều hộ khác về cây, con giống, khoa học kỹ thuật, công cụ sản xuất để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Ông cũng vận động bà con trong thôn đóng góp hơn 60 triệu đồng và hàng trăm ngày công để đắp đập thủy lợi trữ nước phục vụ sản xuất, biến cánh đồng cỏ tranh và vài sào lúa một vụ bấp bênh trước đây trở thành cánh đồng ruộng hơn 4 ha thâm canh hai vụ, cho thu hoạch năng suất cao và ổn định, giúp 12 hộ gia đình trong thôn có diện tích ruộng nước canh tác ổn định. Bên cạnh đó, ông còn vận động bà con góp công góp của mở mới và sửa chữa các tuyến đường trong thôn thuận tiện cho việc đi lại. Nhờ vậy, đến nay, 159 gia đình người Mông trong thôn có cuộc sống ổn định, ấm no và luôn đoàn kết, gắn bó, luôn giúp đỡ lẫn nhau tích cực xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Tiến Đức – Thu Nguyệt


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.