Diện mạo Dak Lak đến năm 2030: Nhìn từ định hướng tổ chức không gian theo các tiểu vùng
Cũng như quy hoạch năm 2009, việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo tiểu vùng của tỉnh, về cơ bản vẫn tuân thủ theo quy hoạch này. Theo đó, Dak Lak tiếp tục được phân chia thành 3 tiểu vùng tổng hợp: Tiểu vùng trung tâm, tiểu vùng phía bắc và tiểu vùng Đông Nam.
Trong định hướng phát triển, tiểu vùng trung tâm là vùng dẫn đầu về dịch vụ du lịch, công nghiệp. Tiểu vùng này có diện tích 5.138,2 km2, chiếm 39,1% diện tích toàn tỉnh, bao gồm TP. Buôn Ma Thuột, các huyện: Buôn Đôn, Krông Ana, Krông Pak, Cư M’gar và Lak. Đây là vùng được đánh giá là có điều kiện sản xuất thuận lợi nhất trong tỉnh: Dân cư tương đối tập trung và có nguồn lao động dồi dào; cơ sở hạ tầng giao thông, điện, nước, bưu chính viễn thông tương đối phát triển. Tiểu vùng có hai khu, cụm công nghiệp lớn là Khu Công nghiệp Hòa Phú và cụm tiểu thủ công nghiệp TP. Buôn Ma Thuột; có nhiều danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa, cách mạng, tạo điều kiện phát triển mạnh các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch so với các vùng khác trên địa bàn.
Với những tiềm năng, lợi thế ấy, tiểu vùng phấn đấu có tốc độ tăng trưởng cao hơn 1,2 lần mức tăng bình quân chung toàn tỉnh và là động lực kéo các vùng khác cùng phát triển. Trong đó, định hướng ưu tiên hàng đầu là tập trung phát triển đô thị, công nghiệp, du lịch; xây dựng tiểu vùng trở thành vùng kinh tế chủ đạo của tỉnh với cơ cấu kinh tế chủ yếu là công nghiệp và dịch vụ, du lịch. Cụ thể là tập trung phát triển hạ tầng và các công trình chức năng đô thị; xây dựng hoàn thiện các công trình chức năng cấp vùng tại thành phố Buôn Ma Thuột xứng đáng là hạt nhân, một cực kinh tế phát triển của vùng Tây Nguyên, bao gồm: Trung tâm Văn hóa Tây Nguyên, Khu Liên hợp thể thao vùng Tây Nguyên, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, các viện, các trung tâm nghiên cứu cấp vùng; nâng cấp và hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng kết nối giữa thành phố Buôn Ma Thuột và các đô thị khác trong tiểu vùng. Ưu tiêu phát triển dịch vụ, du lịch – công nghiệp: Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, tập trung vào các ngành chế biến thực phẩm, cơ khí chế tạo, dệt may, sản xuất hàng tiêu dùng; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất lưu trú các khu du lịch trọng điểm; chú trọng phát triển mạnh dịch vụ, thương mại, vui chơi giải trí, bưu chính viễn thông, tư vấn, tin học, tài chính, tín dụng chất lượng cao… gần các khu du lịch để phục vụ nhân dân và du khách.
Đô thị Buôn Ma Thuột được định hướng xây dựng là hạt nhân, là một cực kinh tế phát triển của vùng Tây Nguyên. |
Tiểu vùng phía Bắc của tỉnh là vùng sản xuất nông lâm nghiệp bao gồm thị xã Buôn Hồ; các huyện: Krông Buk, Krông Năng, Ea Súp và Ea H’leo. Trung tâm của vùng là thị xã Buôn Hồ. Tiểu vùng có đặc điểm tập trung nhiều rừng sản xuất, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng; có tiềm năng lớn về đất đai để phát triển nông, lâm nghiệp, xây dựng các vùng tập trung chuyên canh như ca cao, cà phê, cao su… Theo định hướng phát triển, vùng sẽ tập trung xây dựng thị xã Buôn Hồ trong vai trò là trung tâm, hỗ trợ các chức năng phát triển đối với cả tiểu vùng. Bên cạnh đó, ưu tiên hàng đầu là tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản gắn phát triển vùng nguyên liệu; hình thành các vùng trồng rừng kinh tế gắn với trồng rừng, bảo đảm nguyên liệu cung cấp cho các làng nghề trên địa bàn huyện và cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến hàng xuất khẩu; xây dựng các khu chăn nuôi trang trại, gia trại và chăn nuôi tập trung quy mô lớn theo hướng công nghiệp.
Tiểu vùng Đông Nam của tỉnh, bao gồm các huyện: Ea Kar, M’Dak, Krông Bông, trong đó Ea Kar là trung tâm của tiểu vùng. Đây là vùng sinh thủy với thảm thực vật rừng lớn, là vùng đầu nguồn của các con sông lớn. Tiểu vùng có địa hình trũng và thường bị lũ lụt vào các tháng 9, tháng 10 hằng năm; mật độ dân số và tỷ lệ đô thị hóa thấp nhất trong tỉnh. Với tiềm năng đất rừng, phát triển nông nghiệp, định hướng của tiểu vùng là tập trung vào phát triển công nghiệp chế biến nông sản, khai thác, chế biến lâm sản; hình thành các vùng cây lương thực tập trung như ngô, cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày và chăn nuôi đại gia súc, trồng rừng nguyên liệu. Đẩy mạnh mở rộng mạng lưới thương mại, dịch vụ. Xây dựng các tuyến giao thông mới, hình thành các đô thị mới để đẩy mạnh quá trình đô thị hóa.
Đàm Thuần
Ý kiến bạn đọc