Multimedia Đọc Báo in

"Ma trận" thị trường phân bón

10:27, 21/02/2014

Khi cơ chế thị trường rộng cửa, các mặt hàng phân bón cũng gia tăng cả về số lượng lẫn hình thức và mẫu mã nhằm thu hút người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các mặt hàng phân bón bị làm giả, làm kém chất lượng… cũng ngày một len lỏi tinh vi trên thị trường mà chưa được khống chế dứt điểm, khiến người nông dân như lạc vào “ma trận” mà không biết nên chọn loại phân bón nào là tốt.

Nhiều khó khăn, trở ngại trong việc kiểm định

Dak Lak được đánh giá là tỉnh có tiềm năng rất lớn để phát triển thị trường phân bón, bởi nơi đây có diện tích cây trồng rộng lớn nhất nhì so với các tỉnh Tây Nguyên, kể cả cây công nghiệp, cây ăn quả và cây ngắn ngày các loại. Theo thống kê sơ bộ thì hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng gần 1.000 mẫu hàng phân bón các loại do các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong và ngoài tỉnh đưa vào, kể cả hàng nhập ngoại. Riêng về các cơ sở sản xuất phân bón trong tỉnh hiện chỉ có khoảng 10 cơ sở với quy mô vừa và nhỏ, còn lại phần lớn phân bón được sản xuất từ các nơi khác đưa đến tỉnh ta tiêu thụ. Chính vì vậy, cũng có không ít các sản phẩm phân bón kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái trà trộn trên thị trường, gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng và khó khăn trong vấn đề quản lý của các ngành chức năng. Hằng năm, ngành nông nghiệp tỉnh đã tiến hành nhiều cuộc thanh kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh mặt hàng phân bón, đồng thời cũng đã phát hiện không ít sai phạm. Riêng năm 2013 vừa qua, Thanh tra Sở NN-PTNT đã tiến hành kiểm tra tại 63 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, lấy 148 mẫu phân để đưa đi xét nghiệm, phát hiện 40 mẫu phân không đảm bảo chất lượng, trong đó có những sản phẩm đã từng sai phạm nhiều năm trước nay vẫn tái sai phạm.

Cán bộ ngành chức năng kiểm tra chất lượng phân bón tại một điểm kinh doanh.
Cán bộ ngành chức năng kiểm tra chất lượng phân bón tại một điểm kinh doanh.

Do nhiều nguyên nhân khách quan như đội ngũ chuyên môn trong ngành còn mỏng, cơ sở vật chất trang thiết bị sử dụng trong quá trình kiểm tra, đánh giá còn thiếu… nên hầu hết các mẫu phân bón khi kiểm tra đều chỉ là thu thập rồi gửi vào Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng III tại TP. Hồ Chí Minh để kiểm nghiệm chất lượng. Thời gian gửi mẫu đi đến khi có kết quả thường phải mất trên 1 tháng, vì vậy, trong khi chờ kết quả kiểm nghiệm chất lượng thì những mặt hàng chưa bảo đảm vẫn tiếp tục được tiêu thụ, thậm chí nhiều cơ sở biết mình có sai phạm đã tìm mọi cách để bán hết số hàng đó trước khi có kết quả kiểm nghiệm và bị cơ quan chức năng xử lý. Ông Hoàng Thái Dương, Chánh Thanh tra Sở NN-PTNT đánh giá: Hằng năm, nhu cầu sử dụng phân bón cho cây trồng trên địa bàn tỉnh rất lớn, khoảng 1 triệu tấn các loại, chưa kể các dòng sản phẩm phân bón vi sinh, hữu cơ sinh học dạng nước khác. Trong khi đó, các sơ sở, đại lý kinh doanh mua bán phân bón lại có mặt ở khắp nơi, kể cả ở những vùng sâu, vùng xa… từ thực tế đó dẫn đến việc quản lý, kiểm tra, rà soát của các ngành, đơn vị chức năng là vô cùng khó khăn, phức tạp và không được thường xuyên. Ông Dương cho biết thêm, hiện nay, chất lượng phân bón trên thị trường tỉnh ta vẫn chưa được bảo đảm, tình trạng hàng kém chất lượng, hàng giả chưa được khống chế tốt nhất. Nguyên nhân là do cơ chế xử lý hiện chưa thực sự mạnh đủ để răn đe, chấm dứt. Trong khi đó, mặt hàng phân bón các loại chủ yếu đều do nhà sản xuất ngoài tỉnh đưa vào và phát triển thông qua mạng lưới các nhà phân phối, đại lý rộng lớn, nên việc xử lý chủ yếu là về phạt hành chính và nhắc nhở. Chính vì vậy, có nhiều cơ sở kinh doanh phân bón bị phát hiện sai phạm đã sẵn sàng nộp phạt để rồi sau mỗi đợt kiểm tra lại tiếp tục đưa ra thị trường những sản phẩm phân bón không bảo đảm chất lượng.

Nông dân lạc giữa “ma trận” phân bón

Khách quan mà nói, hằng năm những thông tin của ngành chức năng về việc kiểm tra, phát hiện và xử lý những sản phẩm phân bón đạt hoặc không đạt về tiêu chuẩn chất lượng trên thị trường trong tỉnh lâu nay gần như không được công bố rộng rãi. Từ hình thức quản lý và xử lý chưa chặt chẽ, chưa dứt điểm đã tạo nên những lỗ hổng lớn để các mặt hàng phân bón giả, kém chất lượng tiếp tục trà trộn, tái sai phạm và ngày càng lan rộng. Trong khi đó, người tiêu dùng, cụ thể là những người nông dân lại không hề hay biết gì về những sản phẩm nào nên tránh, những sản phẩm nào nên mua. Để rồi sau khi bỏ ra một số tiền không nhỏ mua phân về bón cho cây trồng nếu có hiệu quả là điều đáng mừng, còn khi xảy ra hậu quả như cây trồng kém phát triển, thậm chí cành lá bị khô héo, chết cây thì người nông dân mới biết là mua phải phân bón giả. Cây trồng là “nguồn sống” của người nông dân nhưng khi bị thiệt hại thì họ chỉ biết… kêu trời! Đã có biết bao sự vụ đau buồn từng xảy ra do phân bón kém chất lượng. Mới đây, một số hộ dân ở xã Ea Knuêk, huyện Krông Pak phản ánh về việc sử dụng phân bón NPK 16-8-13 TS do Công ty sản xuất thương mại và dịch vụ Việt Nhật (trụ sở tại thị trấn Ea T’ling, huyện Cư Jút, tỉnh Dak Nông sản xuất) để bón cho cà phê, tiêu thì cây trồng đều có chung một hiện tượng là vàng lá, khô cành; tiêu thì bị rụng đốt gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng cho nhiều hộ dân tại địa phương. Hay như trường hợp của gia đình chị Trần Thị Lệ Thủy ở xã Ea Tam, huyện Krông Năng, do được một đại lý phân bón trên địa bàn giới thiệu có loại phân bón mới là Kali 61% (trên bao bì ghi xuất xứ Israel, được nhập khẩu và phân phối bởi một công ty tại TP. Hồ Chí Minh) cho năng suất cây trồng cao mà giá thành lại rẻ hơn các loại phân bón có cùng chất lượng khác nên đã mua 5 tạ về dùng thử. Sau khi bón cho 2 sào lúa của gia đình, chị phát hiện lúa bị héo úa và thối rễ. Tuy nhiên thời điểm đó gia đình chị chỉ nghĩ đơn thuần là do lúa bị bệnh lạ nên mua vôi bột, thuốc sâu bệnh về xử lý nhưng vẫn không hết. Sau này khi nhiều diện tích cây trồng của một số hộ dân khác trong xã cũng bị trường hợp trên thì mới biết là do bón cùng một loại phân nêu trên.

Bên cạnh đó, đối với các đại lý kinh doanh phân bón cũng khó có thể giúp nông dân phân biệt được hàng thật, hàng giả. Bà Huệ, một chủ đại lý phân bón tại xã Ea Toh, huyện Krông Năng cho biết, nếu nhìn mẫu mã, bao bì bên ngoài các mặt hàng vật tư nông nghiệp rất khó biết được chất lượng sản phẩm như thế nào. Chỉ khi có những sản phẩm không thấy ghi thông tin về nguồn gốc xuất xứ thì chủ đại lý mới trả lại cho người đưa hàng đến. Tuy nhiên, bà Huệ cũng không phủ nhận chuyện vẫn có nhiều lô hàng khi nhập về lẫn một số loại đã hết hạn sử dụng, chất lượng sản phẩm không đúng với nội dung ghi trên bao bì… dẫn đến việc người sử dụng phải gánh chịu hậu quả.

Quốc Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.