Rau rớt giá - nhìn từ vùng trồng rau Ea Pôk
Thị trấn Ea Pôk (huyện Cư M’gar) được coi là một trong những vựa rau lớn của tỉnh, chỉ tính riêng Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Toàn Thịnh, với 42 hộ trồng rau trên diện tích 6 ha, trung bình mỗi ngày cung ứng ra thị trường gần 2 tấn rau an toàn. Thế nhưng, sau Tết, giá rau bán ra tại ruộng rẻ như cho khiến nhiều hộ trồng rau rơi vào cảnh dở khóc dở cười…
Được mùa, rớt giá
Còn nhớ, cách đây không lâu, người trồng rau ở Ea Pôk suốt ngày tất bật ngoài vườn, cố gắng chăm sóc rau để chuẩn bị cung ứng cho dịp Tết, bởi theo nhiều nhà vườn, năm nay thời tiết hơi lạnh, thỉnh thoảng có kèm nắng ấm, rất thuận lợi để cây sinh trưởng. Tưởng rằng vụ rau này sẽ giúp mang lại cái Tết tươm tất hơn cho người dân nơi đây, nhưng ngược lại, đây lại là một vụ “rau đắng” vì được mùa, mất giá thê thảm kéo dài cho đến tận hôm nay.
Về vựa rau ở thôn Tân Tiến thời điểm này, các luống rau đều tắp, xanh mơn mởn, đã đến ngày thu hoạch, nhưng vẫn mỏi mòn chờ… người đến mua. Giữa trưa, trời nắng chang chang, trên các ruộng rau, không ít lão nông ngậm ngùi ngồi nhổ đi các cây rau xanh mướt để lấy đất xuống giống lứa khác. Không như những vụ trước, vào thời điểm này, trên các vườn rau, từ sáng sớm đã tất bật người thu hoạch, ngồi nhổ từng cây, xếp bó ngay ngắn chờ xe thương lái đến chở đi tiêu thụ, nhưng giờ này, như lão nông Vũ Quang Vinh thì đang ngậm ngùi cầm cuốc đào đi những luống xà lách không ai mua, đã quá ngày, có không ít cây đã trổ hoa, cao ngang đầu gối. Ông Vinh buồn bã cho hay, cận Tết, xà lách còn bán được 4.000-5.000 đồng/kg, sau Tết, giá rau giảm sâu hơn, hiện bán ra tại ruộng chỉ còn 2.000 đồng/kg mà không có ai mua. 7 luống xà lách ông xuống giống trước Tết, mới bán chưa được một nửa, giờ đành cuốc hết đi để lấy đất trồng lứa khác... Theo kinh nghiệm của ông thì rau bán Tết thường giá không cao, chủ yếu bù vào số lượng nhiều, nên ông thong thả xuống giống chậm lại, canh thời gian sinh trưởng của các loại rau sao cho phù hợp với từng giai đoạn ngắn để bán dần, kéo dài đến sau Tết cho được giá, vì thông thường sau Tết giá rau bao giờ cũng cao ngất ngưởng nên vụ này, ông định dành hơn 2 sào đất để trồng rau xà lách, sú, ngò… (thường có sức tiêu thụ mạnh sau Tết), thế nhưng, với tình trạng rau rớt giá thê thảm như hiện nay thì việc đó dường như không còn cần thiết nữa.
Ông Vũ Quang Vinh đang cuốc bỏ luống xà lách quá ngày để lấy đất trồng lứa rau khác. |
Rau, củ rớt giá đã đành, giờ còn rơi vào tình cảnh ế ẩm khiến bà con nông dân càng trở nên khốn đốn hơn. Ngậm ngùi vì thất thu 3 sào sú, chị Đinh Thị Lý (thị trấn Ea Pôk) cho biết, hiện mỗi ký sú bán ra tại ruộng chỉ 2.000-3.000 đồng, so với thời điểm này năm ngoái, trung bình mỗi ký sú nhà vườn đã thất thu 3.000-5.000 đồng. Tương tự, cà chua trước Tết Nguyên đán Giáp Ngọ còn bán được 8.000-9.000 đồng/kg, hiện chỉ còn 6.000 đồng/kg, nhưng vẫn ít người mua, khiến nhiều nhà vườn chán nản, dù đang vào vụ thu hoạch mà không ai muốn tưới nước cho cây.
Không chỉ có xà lách, su hào, sú mà cải ngọt, cải xanh, hành, ngò … cũng đều rớt giá một nửa so với vụ năm ngoái. Hiện su hào nông dân chỉ bán 2.500 đồng/ kg, các loại cải xanh, cải ngọt, tàng ô 3.000 đồng/ kg, ngò 3.000 đồng/ kg, hành lá 4.000 đồng/ kg.
Chỉ còn biết hy vọng ở vụ sau
Theo tính toán của nhiều người trồng rau thì trung bình mỗi sào rau, sau khi trừ hết chi phí đầu vào còn thu về được khoảng 5-6 triệu đồng, nếu được giá. Song, so với mức giá như hiện nay thì người nông dân đã thất thu hơn một nửa, tức chỉ còn được khoảng hơn 2 triệu đồng/ sào. Chị Lê Thị Hồng Toan (thôn Tân Tiến) cho hay, trước Tết, rau dù rớt giá nhưng vẫn chấp nhận được, ra Tết đến nay, rau rẻ như bèo, đặc biệt là sú, ngò (những năm trước, có thời điểm ngò được giá, khoảng 20.000-30.000 đồng/ kg)…, nhưng bà con vẫn gắng gượng thu vì để lâu sẽ hỏng, bán gỡ gạc được chừng nào mừng chừng đó. Nguyên nhân khiến giá rau rớt mạnh, theo nhiều hộ trồng rau thì nhìn chung thời tiết năm nay có nhiều thuận lợi để cây phát triển tốt, hầu hết nhà vườn đều có tâm lý chuẩn bị rau bán vào dịp trước, trong và ra Tết nên nguồn cung khá dồi dào, khiến nguồn cung vượt xa cầu, đẩy giá rau lao dốc. Bên cạnh đó, thời gian gần đây, một số người tiêu dùng vì ngại mua rau ở chợ nên đã tự túc trồng, chủ động được nguồn rau cho gia đình nên đã giảm đi phần nào lượng người mua. Thực tế, thay vì giờ này mọi năm, người trồng rau ở Ea Pôk tất bật làm không kịp nghỉ tay ở ngoài vườn, thậm chí, còn phải chong đèn để cắt rau cho kịp thương lái đến lấy thì bây giờ hoàn toàn ngược lại, về làng rau mùa này, một không khí im ắng đến lạ, rải rác chỉ đếm được vài nhà vườn đang dọn cỏ, làm đất để trồng vụ rau tới.
Nghề làm rau tuy đòi hỏi nhiều thời gian nhưng chi phí đầu vào thấp, chủ yếu lấy công làm lời, với giá cả như hiện nay, người trồng rau không có lời nhiều, hoặc huề vốn chứ cũng chưa đến nỗi lỗ nặng. Do đó, dù rau không được giá như hiện nay, song, nhiều nhà vườn vẫn không có ý định bỏ ruộng. Dù mùa rau Tết này không trọn vẹn, nhưng hy vọng bà con sẽ được bù lại xứng đáng trong các vụ sau.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc