Thu hồi đất rừng bị lấn chiếm: Cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương
Theo số liệu thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 12.000 ha rừng bị lấn chiếm trái phép, trong đó năm 2013 là 140,53 ha. Tuy nhiên, việc thu hồi diện tích trên để trồng lại rừng đang đối mặt với nhiều khó khăn và gần như bế tắc.
Trước tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, đất quy hoạch cho các dự án nông – lâm nghiệp trái phép diễn ra khá phức tạp cả về tính chất vi phạm và mức độ thiệt hại ở một số địa phương: Buôn Đôn, Ea Súp, Ea H’leo, Krông Năng, Cư M’gar…, ngày 16-3-2012, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 03/CT - UBND nhằm chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý Nhà nước về rừng và phục hồi lại diện tích rừng bị phá. Tuy nhiên, đã gần 2 năm trôi qua, tình trạng trên vẫn chưa mấy chuyển biến. Ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi Cục Phát triển Lâm nghiệp tỉnh thẳng thắn: Chỉ thị số 03 của UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt và quy định trách nhiệm cụ thể cho từng cấp, ngành, nhưng sự phối hợp giữa chính quyền địa phương sở tại cùng các ngành liên quan chưa được thường xuyên nên kết quả đạt được không như mong muốn. Chỉ thị 03 cũng quy định rõ: giao UBND cấp huyện xác định đối tượng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; các loại cây trồng, lều lán hình thành trái phép từ năm 2008 đến nay trên đất lâm nghiệp phải kiên quyết phá bỏ, không đền bù; thành lập đoàn kiểm tra, xử lý phá rừng, đất rừng trên địa bàn, tập trung vào rừng, đất lâm nghiệp của các công ty TNHH MTV lâm nghiệp và các khu vực quy hoạch cho các dự án chuyển đổi sang trồng cao su, trồng rừng, dự án nông lâm nghiệp khác. Đối với diện tích rừng bị phá, lấn chiếm đã xử lý, phải tiến hành xây dựng kế hoạch phục hồi lại rừng hoặc các cây trồng khác theo đúng mục tiêu các dự án đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép; giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp đất đai giữa người dân với các chủ rừng, chủ đầu tư thực hiện các dự án; xây dựng phương án phối hợp giữa các cơ quan, lực lượng chức năng và chủ rừng trên địa bàn để ngăn chặn và xử lý kiên quyết, kịp thời mọi hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Đối với các chủ rừng là các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, vườn quốc gia, chủ đầu tư dự án… phải tiến hành kiểm tra, rà soát, lập biên bản thống kê tổng diện tích rừng, đất lâm nghiệp bị phá, lấn chiếm trái phép từ năm 2008 đến nay, trên cơ sở đó phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức lực lượng phá bỏ các loại cây trồng, lều, lán trại xây dựng trái phép để trồng lại rừng hoặc các loại cây trồng khác theo đúng mục đích sử dụng đất đã giao, cho thuê. Nếu các chủ rừng quản lý lỏng lẻo, để diện tích rừng và đất lâm nghiệp bị phá, lấn chiếm trái phép thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm… Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đã hơn 1 năm, tình trạng lấn chiếm đất rừng, đất lâm nghiệp trái phép ở các địa phương, nhất là đối với các công ty TNHH MTV lâm nghiệp gần như chưa xử lý được. Hơn 9.000 ha rừng trong số 198.000 ha rừng do các đơn vị này quản lý vẫn đang nằm trong tình trạng bị lấn chiếm trái phép, gần 1.000 ha đất lâm nghiệp đang tranh chấp đã gây khó khăn và ảnh hưởng đến công tác quản lý, bảo vệ rừng của các đơn vị chủ rừng.
Kiểm tra rừng trồng tại Ea Súp. |
Báo cáo về tình trạng trên, các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh cho hay, những năm gần đây, tình trạng người dân xâm lấn đất rừng trên địa bàn do đơn vị quản lý diễn ra khá phức tạp. Như ở huyện Krông Bông, tình trạng này “rộ” lên trong năm 2013, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông gặp khá nhiều trở ngại, khó khăn trong việc giải quyết đất bị lấn chiếm vì thiếu sự hỗ trợ tích cực từ phía chính quyền địa phương các cấp, Công ty phải thành lập 1 trạm chốt chặn tại Ea T’long để tăng cường bảo vệ rừng tự nhiên, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép và lấn chiếm đất rừng, nhưng đây cũng chỉ là biện pháp tình thế trước mắt. Tương tự, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Phước An cũng gần như bế tắc với hơn 800 ha rừng, đất lâm nghiệp bị người dân lấn chiếm trái phép. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, thực hiện Chỉ thị 03, lực lượng Kiểm lâm đã tham mưu
cho UBND các huyện và phối hợp các Công ty TNHH MTV lâm nghiệp thu hồi được trên 800 ha đất rừng lấn chiếm trái phép để trồng lại rừng, nhưng trong quá trình triển khai, các đơn vị đã gặp khá nhiều vướng mắc. Cụ thể, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Ma Lanh đã thu hồi 106 ha đất do phá rừng phòng hộ tại các tiểu khu 279, 294, 289 để trồng lại rừng nhưng luôn bị người dân cản trở, lén lút nhổ, phá bỏ cây trồng. Mặt khác, đơn vị không đủ kinh phí để trồng lại diện tích rừng thu hồi và không có kinh phí để chăm sóc, quản lý bảo vệ diện tích đã trồng nên hiệu quả đạt được không cao. Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm tiến hành giải tỏa, thu hồi 65 ha tại lô 2 và 3, khoảnh 13, tiểu khu 547A để trồng lại rừng, nhưng sau khi thiết kế trồng lại được 34 ha rừng cũng bị người dân cản trở, phá bỏ cây trồng. Tại huyện M’Drak, các ngành chức năng cũng thu hồi 4,75 ha tại xã Krông Á và xã Cư San (cưỡng chế, phá bỏ cây trồng trên diện tích 3,5 ha, diện tích còn lại là đất trống), tháo dỡ 12 lán trại trong rừng. Huyện Krông Bông đã thành lập đoàn công tác thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, nhưng đến thời điểm này mới thực hiện phá bỏ cây trồng và thu hồi 1,8 ha đất rừng bị lấn chiếm tại tiểu khu 194, xã Hòa Sơn…
Như vậy, việc thực hiện Chỉ thị 03 mới chỉ dừng lại ở việc thống kê diện tích và lên phương án thu hồi; nhiều nơi, người dân không chấp hành giải tỏa, yêu cầu đền bù, hoặc phá hoại cây rừng do chủ rừng thu hồi để trồng phục hồi rừng, khiến việc thu hồi lại diện tích này gặp rất nhiều khó khăn. Để xử lý dứt điểm tình trạng trên, thiết nghĩ cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của chính quyền địa phương các cấp.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc