Vì sao nông dân chưa mặn mà với gói tín dụng tái canh cà phê?
Gói tín dụng phục vụ tái canh cà phê (TCCP) do hệ thống Ngân hàng (NH) NN&PTNT thực hiện được triển khai khá rầm rộ bằng 1 hội nghị cấp tỉnh cùng với sự tuyên truyền, quảng bá tích cực của cả hệ thống. Tuy nhiên, sau hơn nửa năm triển khai, dư nợ cho vay vẫn không có sự tăng trưởng đáng kể nào, vì gói tín dụng này còn nhiều điểm chưa phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.
Gói tín dụng trên được cụ thể hóa từ Biên bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh Dak Lak và NH NN&PTNT Việt Nam (Agribank) về việc tài trợ vốn đầu tư TCCP được ký kết tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ 2, diễn ra hồi đầu tháng 4 – 2013 tại tỉnh Gia Lai. Cụ thể hóa biên bản ghi nhớ này, đầu tháng 6-2013, UBND tỉnh và Agribank đã phối hợp tổ chức hội nghị bàn về giải pháp TCCP trên địa bàn Dak Lak, và đã công bố kế hoạch đầu tư 3.000 tỷ đồng cho vay thực hiện tái canh, cải tạo giống 25.625ha cà phê trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013-2016. Gói tín dụng TCCP được Agribank đánh giá là có nhiều ưu đãi, như: thời hạn vay vốn được xây dựng phù hợp với nhu cầu và khả năng trả nợ của khách hàng nhưng tối đa không quá 7 năm, trong đó 3 năm đầu khách hàng chưa phải trả nợ gốc; lãi suất cho vay thấp hơn từ 2%-2,5%/năm so với lãi suất cho vay trung, dài hạn thông thường tại thời điểm… Tuy nhiên, trong thực tế triển khai đã phát sinh nhiều điểm chưa phù hợp với tập quán sản xuất của nông dân khiến họ không muốn vay vốn theo gói tín dụng này. Vấn đề đầu tiên là xác nhận diện tích đủ điều kiện TCCP. Do đây là nguồn vốn tín dụng ưu đãi, phục vụ riêng cho mục đích TCCP nên chỉ giải quyết cho vay đối với những diện tích nằm trong quy hoạch được phép TCCP; bảo đảm thời gian luân canh cây trồng khác nhằm mục đích cải tạo đất, tiêu diệt mầm bệnh trong thời gian ít nhất là 2 năm. Điều này cũng đồng nghĩa, để được xem xét cho vay vốn, khách hàng phải thực hiện xác nhận đất đủ điều kiện TCCP ở các cấp chính quyền địa phương, trong khi nông dân lại rất ngại phải đi lại để thực hiện các thủ tục xác nhận. Vấn đề kế tiếp là lãi suất. Trong điều kiện cạnh tranh gay gắt giữa các tổ chức tín dụng (TCTD) như hiện nay thì mức lãi suất TCCP chưa phải là lãi suất ưu đãi, những khách hàng tốt có thể được nhiều TCTD mời chào cho vay với mức lãi suất bằng hoặc thấp hơn.
Lâu nay, nông dân vẫn vay thương mại để tái canh cà phê. Trong ảnh: Vườn cà phê tái canh năm thứ tư của một hộ dân ở huyện Krông Pak. |
Một nội dung quan trọng nữa liên quan đến vấn đề sử dụng vốn của nông dân, là chỉ thích vay vốn ngắn hạn (thông thường là 1 năm), đến thời hạn trả nợ, họ tiến hành trả và vay lại ngay. Trong thời gian này, nếu nhu cầu vốn hoặc giá trị tài sản bảo đảm tiền vay tăng lên, họ hoàn toàn có cơ hội vay thêm số vốn cao hơn những năm trước để phục vụ cho hàng loạt nhu cầu, từ TCCP đến tiêu dùng. Trong khi đó, nếu vay vốn theo chương trình TCCP lại không có cơ hội này nên họ không muốn vay cũng là điều dễ hiểu. Một nông dân ở TP. Buôn Ma Thuột phân tích: Chẳng hạn một hộ nông dân trồng tái canh 1 ha cà phê, được NH cho vay 150 triệu đồng (70% tổng nhu cầu vốn) trong thời hạn 7 năm. Theo quy định cho vay hiện hành của Agribank, hộ này không được nhận hết cùng lúc150 triệu đồng mà chỉ được NH giải ngân hàng năm, theo mục đích, tiến độ công việc. Ví dụ năm đầu tiên sẽ được giải ngân 80 triệu đồng phục vụ trồng mới và chăm sóc, năm thứ hai 30 triệu đồng chăm sóc, năm thứ ba 40 triệu đồng chăm sóc. Việc giải ngân theo tiến độ cũng đồng nghĩa rằng mỗi lần giải ngân phải tiến hành kiểm tra, đánh giá lại tình hình, nhu cầu sử dụng vốn. Thực tế cho thấy, hầu hết nông dân đều rất ngại thực hiện các công đoạn này. Việc trả nợ cũng thế, từ năm thứ 4 (năm đầu tiên bắt đầu trả nợ) đến năm thứ 7 (năm cuối cùng của chu kỳ vay vốn), khách hàng bắt đầu thực hiện nghĩa vụ trả nợ với mức vài chục triệu đồng/năm. Dĩ nhiên, trong khoảng thời gian này, khách hàng chưa thực hiện xong nghĩa vụ trả nợ cũng đồng nghĩa là chưa được vay mới. Hầu hết nông dân đều không muốn như vậy, họ chỉ muốn năm nào trả nợ năm đó rồi vay lại tùy theo mục đích, nhu cầu của mình.
Gói tín dụng TCCP còn nhiều điểm chưa phù hợp với thực tế, tập quán sản xuất của nông dân nên họ vẫn vay vốn trồng, chăm sóc cà phê nhưng là phương thức vay thương mại bình thường, không vay theo gói TCCP. Điều này thể hiện rất rõ ở số liệu thống kê của Chi nhánh NHNN Dak Lak về kết quả cho vay nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Cụ thể, tính đến cuối năm 2013, tổng dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (trong đó có vay trồng cà phê) đạt 18.269 tỷ đồng, chiếm gần 45% tổng dư nợ cho vay, tăng 14% so với đầu năm. Như vậy, nhu cầu vay vốn TCCP của các hộ nông dân vẫn đang rất lớn, do vậy việc xem xét, điều chỉnh một số nội dung chưa hợp lý trong gói tín dụng này cho phù hợp với điều kiện thực tế cần sớm được thực hiện.
Ngày 6-1-2014, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 54/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch TCCP trên địa bàn tỉnh Dak Lak, giai đoạn 2013-2020. Theo đó, trừ số diện tích hơn 524 ha đã thực hiện tái canh trong năm 2013, trong giai đoạn 2014-2020 toàn tỉnh còn khoảng 28 ngàn ha cà phê cần tái canh, gần 14% so với tổng diện tích cà phê của tỉnh. Một số huyện có diện tích cà phê cần tái canh lớn là: Cư M’gar (hơn 4.900ha), Krông Pak (hơn 3.800ha), Krông Năng (hơn 2.800ha), TP. Buôn Ma Thuột (gần 2.700ha), thị xã Buôn Hồ (hơn 2.200ha), huyện Ea H’leo (gần 2.600ha)….
Lê Ngọc
Ý kiến bạn đọc