Multimedia Đọc Báo in

Xã Cư Drăm (huyện Krông Bông): Nhiều khó khăn trong phát triển nông thôn mới

19:35, 15/02/2014
Trong những năm qua, Nhà nước đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng xã Cư Drăm (huyện Krông Bông) thành trung tâm cụm xã (gồm 3 xã Cư Pui, Cư Drăm và Yang Mao). Nhờ vậy, bộ mặt nông thôn xã Cư Drăm ngày càng khởi sắc.
 
Đến nay, trên địa bàn xã đã có trường THPT, chợ, bến xe, trạm thu phát truyền hình, công trình nước sạch, trạm y tế xã được xây dựng khang trang và được bố trí 1 xe cấp cứu chuyên dụng… Các hoạt động dịch vụ, thương mại của xã phát triển mạnh nhất trong vùng.
Hiện trạng chợ trung tâm xã Cư Drăm.
Hiện trạng chợ trung tâm xã Cư Drăm.

Tuy nhiên, việc xây dựng nông thôn mới của xã Cư Drăm còn gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay, xã mới chỉ đạt 6/19 tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới, thấp nhất toàn huyện. Thực tế cho thấy, mặc dù được đầu tư nhiều song kinh tế - xã hội của xã Cư Drăm phát triển còn thiếu bền vững; việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; các hoạt động công nghiệp, dịch vụ quy mô nhỏ lẻ mang tính tự phát, vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn còn chắp vá, thiếu đồng bộ. Tổng diện tích tự nhiên của xã là 16.067 ha, song chỉ có  2.260,68 ha đất sản xuất nông nghiệp (chiếm 14% tổng diện tích); là một xã thuần nông nhưng diện tích canh tác bình quân đầu người chỉ đạt 0,28 ha, cây trồng chủ yếu là cây lương thực, thực phẩm, diện tích cây công nghiệp như cà phê, tiêu… có 420 ha, chiếm tỷ lệ 20,3% nhưng lại tập trung phần lớn ở những thôn người Kinh. Bên cạnh đó là tình trạng dân di cư tự do gia tăng cũng khiến việc quy hoạch, phát triển kinh tế-xã hội của xã Cư Drăm gặp nhiều khó khăn. Nếu năm 1999 toàn xã chỉ có 3.691 dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và đồng bào Kinh đi kinh tế mới, chỉ hơn 10 năm sau, dân số đã tăng hơn 2 lần với 7.806 dân, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 84%, trong đó có 56% là người Mông di cư ngoài kế hoạch, sống tách biệt thành làng ở nơi heo hút, cách xa trung tâm xã hàng chục cây số.

Do trình độ dân trí không đồng đều, lực lượng lao động phần lớn chưa qua đào tạo, lại bị ảnh hưởng phong tục tập quán lạc hậu, trong sản xuất chưa phá thế độc canh, tình trạng quảng canh còn phổ biến, ít chú trọng đầu tư  thâm canh nên  năng suất, sản lượng cây trồng vẫn không cao. Tốc độ tăng trưởng bình quân năm 2013 của xã là 7% nhưng thu nhập đầu người chỉ đạt 9,8 triệu đồng. Ngoài ra, hạ tầng cơ sở phục vụ sản xuất của xã còn khá khiêm tốn, toàn xã được đầu tư xây dựng 3 công trình thủy lợi nhưng mới chỉ có một công trình đưa vào sử dụng tưới tiêu cho 152 ha, 2 công trình vẫn còn dở dang. Về giao thông, mặc dù Tỉnh lộ 12 được xây dựng nối liền với Quốc lộ 26 tại điểm nút M’Drak đi Nha Trang nhưng do dân cư thưa thớt, mức lưu chuyển hàng hóa thấp nên chưa phát huy hết hiệu quả, nông dân làm ra sản phẩm vẫn phải qua tay thương lái thu gom đưa về huyện để đi tiêu thụ nơi khác. Một số thiết chế văn hóa được xây dựng sớm, qua nhiều năm sử dụng nay cũng đã xuống cấp.

Thiết nghĩ, để xây dựng nông thôn mới và con đường đi đến “tam nông” bớt khó khăn, xã Cư Drăm cần tập trung rà soát, bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch về sử dụng đất đai; sớm hoàn thiện đề án xây dựng nông thôn mới làm cơ  sở đầu tư phát triển trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải kém hiệu quả. Để xây dựng chợ nông thôn xứng tầm là chợ trung tâm cụm xã cũng như phát triển công nghiệp nông thôn theo quy hoạch gắn với vùng nguyên liệu và thị trường, địa phương cần có cơ chế thông thoáng kêu gọi xã hội hóa nhằm thu hút vốn đầu tư của các thành phần kinh tế trong và ngoài xã. Nhà nước tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản phục vụ sản xuất nông nghiệp, phòng, chống giảm nhẹ thiên tai. Đồng thời, địa phương  phối hợp với Trung tâm dạy nghề mở lớp đào tạo nghề tại chỗ cho nông dân và có kế hoạch sử dụng nguồn lao động hợp lý từng bước rút ngắn thời gian lao động nhàn rỗi ở nông thôn; thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với thực hiện tốt pháp lệnh dân chủ ở cơ sở để phát huy tính tích cực, tự giác, sáng tạo của nông dân trong xây dựng nông thôn mới…

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.