Cà phê - Góc nhìn về du lịch
Từ những năm 2005-2006, khi cà phê Buôn Ma Thuột được cấp đăng bạ chỉ dẫn địa lý thì việc khai thác các giá trị kinh tế - văn hóa cùng hệ cũng được giới kinh doanh chú trọng dưới nhiều góc độ khác nhau. Với ngành du lịch, ý tưởng biến những vùng chuyên canh, chế biến cà phê thành điểm đến tham quan, phục vụ du khách càng được quan tâm. Tuy nhiên, đến nay việc biến ý tưởng thành hiện thực vẫn còn gặp nhiều trở ngại…
Thiếu sự chia sẻ
Khi đến những vườn cà phê, cơ sở chế biến ở một vài điểm ngoại thành Buôn Ma Thuột đã từng có trong các tour lữ hành của nhiều công ty du lịch như Đam San, Cao Nguyên Xanh, Ngày Mới… ở Dak Lak gần 6-7 năm trước, nhiều du khách thích thú và ấn tượng. Vợ chồng anh Phan Công Thanh ở TP. Hồ Chí Minh lên Buôn Ma Thuột theo tour của Công ty Du lịch Sài Gòn, khi được về thăm vùng chuyên canh cà phê ở Phước An - huyện Krông Pak đã tâm đắc: Thật thú vị khi được tận mắt thấy được vườn tược ngút ngàn cà phê - một sản vật làm nên danh tiếng cho vùng đất này. Tuy nhiên anh cũng tỏ ra băn khoăn: Tại sao Buôn Ma Thuột không tạo dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ hơn để khai thác tối đa sản phẩm du lịch độc đáo này? Đơn giản như những dịch vụ chế biến cà phê tại chỗ, phục vụ nhu cầu giải khát cho du khách; hoặc một sinh hoạt mang tính chất cộng đồng nào đó trong các công đoạn sản xuất, chế biến của ngành hàng có giá trị này. Nếu làm được như thế thì những vùng nguyên liệu cà phê rộng lớn và dồi dào ở đây sẽ là điểm đến hấp dẫn của du khách và chắc chắn sẽ không thua kém gì Hội An (Quảng Nam) – nơi mà những người làm du lịch (doanh nghiệp cùng người dân) đã liên kết lại với nhau như một cộng đồng thân thiết, gắn bó để tạo ra sản phẩm, hình ảnh du lịch đặc thù. Nếu làm được như vậy, một khi du khách đến Buôn Ma Thuột cũng có thể chung sống với người nông dân bản xứ cùng chăm sóc, chế biến cà phê theo sở thích của mình. Với cách làm này, người dân địa phương không những được hưởng lợi từ công việc sản xuất nông nghiệp mang lại, mà còn được các công ty du lịch chia sẻ một phần lợi nhuận trong quá trình kinh doanh.
Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột được tổ chức theo định kỳ là một cơ hội quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột đến với du khách gần xa. Ảnh: Giang Nam |
Tuy nhiên, cái khó trong vấn đề này là cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ do nguồn lực đầu tư của người làm cà phê không bảo đảm. Ông Nguyễn Minh Hùng (xã Ea Knuếch - huyện Krông Pak) thừa nhận: Ban đầu lượng du khách có nhu cầu này không nhiều, chủ yếu là khách quốc tế đến từ các nước ASEAN, được các hãng lữ hành ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nha Trang và một số thành phố lớn khác trong cả nước đưa đến. Ban đầu, gia đình ông Hùng và một số nông hộ khác đứng ra trực tiếp phục vụ sự trải nghiệm cho du khách, nhưng chỉ được một vài lượt đành dừng lại khi không thể đáp ứng trọn vẹn và lâu dài được vì nhiều lý do: năng lực tài chính yếu, kỹ năng tổ chức, hướng dẫn du lịch không được trang bị một cách bài bản. Những nơi khác cũng gặp khó khăn, ví như khách tham quan đến thăm vườn cà phê xong, họ mong muốn được “mục sở thị” cách rang xay, pha chế tại một cơ sở nào đó nhưng chủ nhân không đồng ý vì lý do “bảo mật bí quyết” khiến tour du lịch ấy không trọn vẹn. Hoặc là vì không có năng lực, điều kiện thực hiện… cộng với tâm lý e ngại của người làm cà phê cũng dẫn đến hạn chế cho loại hình du lịch này.
Cần sự hợp tác
Ông Lê Hoàng Cơ - Giám đốc Công ty Du lịch-Thương mại Đam San cũng như đại diện nhiều doanh nghiệp khác cho rằng: đã đến lúc các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến sản phẩm du lịch cà phê nên ngồi lại với nhau để tìm sự đồng thuận và thống nhất trong quá trình tổ chức, thực hiện. Theo đó, chính quyền địa phương, các ban ngành liên quan, đặc biệt là UBND tỉnh nên có đánh giá đầy đủ, khoa học về bức tranh du lịch, từ đó có chủ trương, quyết sách phù hợp nhằm chỉ đạo các tổ chức, đơn vị và cá nhân liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cà phê trên địa bàn cùng nhau xây dựng và hoàn thiện sản phẩm du lịch này. Điều đó càng có ý nghĩa to lớn khi cà phê Buôn Ma Thuột được tất cả những cá nhân, tổ chức tham gia sản xuất, kinh doanh ra sức xúc tiến, quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột ngày càng nổi tiếng hơn trên thị trường trong nước và thế giới. Ở khía cạnh khác, nên hình thành dần lộ trình khai thác yếu tố văn hóa chứa đựng trong chuỗi giá trị của cà phê Buôn Ma Thuột, từng bước dẫn dắt du khách (đồng thời là người tiêu dùng, bạn hàng buôn bán) tìm đến khám phá, nghiên cứu các giá trị liên quan đến cà phê nhằm nâng cao chuỗi lợi nhuận từ loại cây trồng này mang lại; góp phần giới thiệu và khái quát một cách đầy đủ, sinh động về mặt văn hóa - lịch sử của cà phê trên nhiều bình diện, giúp du khách trải nghiệm đến tận cùng với cà phê trên vùng đất bazan này.
Phương Đình
Ý kiến bạn đọc