CPI ổn định - chưa hẳn đã đáng mừng
Mức tăng 0,47% được coi là khá thấp bởi tháng 2 được kỳ vọng giá cả sẽ tăng cao do trong tháng có các ngày nghỉ lễ, tạo đà tăng giá. Nếu không có việc tăng giá xăng dầu, giá bán lẻ gas, chắc chắn CPI sẽ còn tăng thấp hơn nữa. Theo báo cáo của Sở Công thương, trong rổ hàng hóa tháng này có 7/11 nhóm tăng, 2 nhóm giữ nguyên (gồm bưu chính viễn thông và giáo dục) và 2 nhóm giảm (là nhóm may mặc, mũ nón, giày dép và nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt, vật liệu xây dựng). Riêng 7 nhóm tăng đều có mức tăng dao động khoảng 1%, trong đó tăng mạnh nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (1,09%), gồm lương thực tăng 1,23%, thực phẩm tăng 1,09% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,87%. Nguyên nhân các nhóm hàng hóa này tăng giá là do các ngày Tết Nguyên đán nằm trong tháng 2. Tuy nhiên đây là mức tăng không đáng kể, phản ánh một thị trường kém sôi động. Theo đánh giá của Sở Công thương, diễn biến giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu trong tháng 2 trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định do nguồn cung dồi dào, cộng với sự tác động tích cực của chính sách bình ổn giá, sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng đã thường xuyên kiểm tra, kiểm soát thị trường.
Người dân đang ngày càng dè dặt trong việc chi tiêu. |
CPI tăng thấp, người tiêu dùng có lợi, khả năng xảy ra lạm phát sẽ rất nhỏ, kinh tế vĩ mô sẽ ổn định. Thế nhưng nếu CPI tự thân ổn định, trong khi tổng mức lưu chuyển hàng hóa vẫn tăng thì đó mới là tín hiệu đáng mừng. Nhưng thực tế thị trường trên địa bàn tỉnh lại đi ngược với xu hướng đó. Nguyên nhân quan trọng nhất là do giá cà phê cuối năm 2014 không tăng nên người dân hạn chế hơn trong việc chi tiêu, nhu cầu mua sắm giảm cũng góp phần giữ giá ổn định. Điều đó cho thấy tổng cầu đang giảm sút, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ vẫn còn nhiều khó khăn (thực tế là tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ trên thị trường tỉnh trong tháng chỉ đạt 3.823 tỷ đồng, giảm đến 17,55% so với tháng 1). Việc tổng mức luân chuyển hàng hóa trên địa bàn tỉnh nói riêng, thị trường cả nước nói chung đạt thấp đã ảnh hưởng sâu đến nền kinh tế. Bởi ai cũng biết, doanh nghiệp không thể tồn tại được nếu không có thị trường đủ mạnh. Vấn đề này đã được các nhà hoạch định kinh tế vĩ mô chỉ rõ. Trong báo cáo Kinh tế vĩ mô Việt Nam công bố ngày 4-3 vừa qua, Ngân hàng HSBC cũng đã dự báo nền sản xuất trong nước vẫn khó khăn với mức tăng trưởng chậm. Theo HSBC, chỉ số CPI toàn phần của Việt Nam đã giảm từ mức 5,5% xuống còn 4,6%, mức thấp trong 5 năm qua. HSBC cho rằng mức giảm sút này là do nhu cầu nội địa khá yếu ớt. HSBC dự báo, chỉ số lạm phát của Việt Nam năm 2014 sẽ giảm từ mức 7,3% xuống còn 6,5% đồng thời kỳ vọng lạm phát cơ bản (không tính giá thực phẩm và xăng dầu) sẽ giảm thêm khi nền kinh tế tiếp tục hoạt động dưới mức khuynh hướng.
Rõ ràng cung cầu không còn chênh lệch lớn mà giá cả giảm mạnh cho thấy người dân dè dặt trong chi tiêu. CPI giảm chưa phải là tín hiệu đáng mừng. Không nên chỉ căn cứ vào yếu tố này để lạc quan, cho rằng người dân hưởng lợi từ giá cả giảm. Thực chất, cầu yếu nên giá buộc phải hạ để bán được hàng.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc