Multimedia Đọc Báo in

Đừng quay lưng lại với sản phẩm gia cầm sạch

12:37, 15/03/2014
Gần đây, thông tin dịch cúm gia cầm diễn ra tại một số nơi trên địa bàn tỉnh khiến hàng trăm hộ chăn nuôi điêu đứng vì sản phẩm thịt, trứng liên tục bị rớt giá.
 
Số gà nuôi đến kỳ xuất chuồng vẫn không bán được bởi thương lái không mua vì người tiêu dùng (NTD) hạn chế ăn thịt gia cầm. Anh Nguyễn Trọng Hải - chủ trang trại chăn nuôi tại thị trấn Phước An (huyện Krông Pak) cho hay, từ khi có thông tin về dịch cúm gia cầm khiến anh mất ăn mất ngủ với đàn gà đến kỳ xuất chuồng nhưng vẫn ế ẩm. Đàn gà của anh lứa này trên 10.000 con, dù rất khỏe do đã được tiêm phòng đầy đủ nhưng vẫn không bán được. Mỗi ngày đàn gà đẻ 6.000 quả trứng nhưng cũng rất khó bán. Trung bình mỗi kg thịt gà thời điểm này bán ra giảm từ 6.000-9.000 đồng, trứng cũng giảm 5.000-6.000 đồng/ chục; thêm vào đó, chi phí đầu vào như giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, tiêm phòng… đều tăng cao, đã gây không ít khó khăn cho chủ trại, dù chấp nhận lỗ vài ngàn đồng/ kg thịt nhưng vẫn khó xuất chuồng. Trong chăn nuôi, anh phải rất coi trọng đến chất lượng thịt, tận dụng các nguồn thức ăn có sẵn để đa dạng bữa ăn cho đàn gia cầm, không lạm dụng chất kích thích, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định như tiêm phòng dịch đầy đủ, phun thuốc tiêu độc khử trùng, bảo đảm chuồng trại cao ráo sạch sẽ…, vậy mà oái ăm thay, khi NTD tỏ ra sợ dịch cúm thì dù gà có khỏe mạnh vẫn khó bán hoặc không thể bán được. Anh Hải chỉ là một trong số nhiều hộ chăn nuôi bị “gánh” nỗi oan với dịch cúm gia cầm. Cơ ngơi cả một thời gian dài gây dựng rất dễ tiêu tan chỉ  sau một đợt cúm đi qua.

Cúm gia cầm không phải là câu chuyện mới, cũng không phải lần đầu xảy ra trên địa bàn tỉnh ta, nhưng sau mỗi lần như thế thị trường gần như quay lưng lại với thịt gia cầm khiến người chăn nuôi bị thiệt hại nhiều nhất. Chúng ta cần “sòng phẳng” hơn với dịch cúm và người chăn nuôi chân chính, bởi một khi họ đã kiểm soát tốt được nguồn giống, tuân thủ các quy định về phòng  dịch, biết đề cao chất lượng và lấy uy tín lên làm đầu, thì thịt, trứng gia cầm họ bán ra vẫn an toàn. Hơn nữa, dịch cúm tuy nguy hiểm, nhưng theo các chuyên gia: Nếu gà, vịt, trứng đã được tiêm phòng đẩy đủ, qua kiểm dịch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng thì khả năng mang vi rút cúm hầu như là không có.

Dak Lak là tỉnh có lợi thế về nông nghiệp, không ít hộ đã tận dụng được các phế phẩm nông nghiệp để phát triển chăn nuôi, mang về nguồn thu nhập đáng kể cho gia  đình, nhưng nghề này cũng lắm rủi ro, nhất là từ khi xảy ra dịch đến thời điểm này, toàn tỉnh có trên 13.000 gia cầm các loại nhiễm cúm đã được tiêu hủy. Chính quyền địa phương cũng đã và  đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch, chủ động dập tắt các ổ dịch giúp người chăn nuôi vượt qua khó khăn. Song, về phía người tiêu dùng, thiết nghĩ, cũng không nên quay lưng lại với thịt gia cầm sạch…, bởi như vậy sẽ vô tình “đẩy” người chăn nuôi chân chính vào cảnh khốn đốn trong khi họ đang nỗ lực đưa ra thị trường những sản phẩm sạch, an toàn… Trên hết, các lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra kiểm soát; đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm giúp người tiêu dùng hiểu rõ được nguồn gốc sản phẩm gia cầm sạch, để họ không quay lưng lại với người chăn nuôi.

 Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.