Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ mô hình trồng nấm ăn ở xã Ea Tiêu

20:49, 29/03/2014
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Trạm Khuyến nông huyện Cư Kuin đã triển khai mô hình trồng nấm sò và nấm mèo (mộc nhĩ) trong nhà cho 6 hộ gia đình người dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn xã Ea Tiêu với tổng kinh phí 80 triệu đồng trích từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới của UBND huyện.
 
Chị H’Juel Knul ở buôn Kram, xã Ea Tiêu – một người dân trồng nấm sò và nấm mèo theo mô hình cho biết: Gia đình chị làm trại trồng nấm với 800 bầu phôi nấm sò và 700 bầu phôi nấm mèo. Việc trồng nấm không mất nhiều thời gian, công lao động mà lại cho hiệu quả gấp 2 lần so với làm lúa. Tuy không đòi hỏi nhiều vốn đầu tư nhưng người trồng nấm phải nắm vững kiến thức về nhu cầu sinh thái của nấm để có thể linh hoạt điều chỉnh các điều kiện về nhiệt độ, ẩm độ… thích hợp cho sự sinh trưởng phát triển của nấm. Trong quá trình trồng nấm, mô hình của gia đình chị được cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông theo dõi, kiểm tra, hỗ trợ tích cực về kỹ thuật, cách chăm sóc để nấm sinh trưởng phát triển tốt, thành phẩm đạt cao. Thời gian thu hoạch được chia làm 3 đợt, mỗi đợt 7 ngày và cách nhau một tuần. Sau hơn 2 tháng triển khai, 800 bầu phôi nấm sò của gia đình chị đã cho thu hoạch 280 kg với giá 17.000 đồng/kg; còn 700 bầu nấm mèo cho thu hoạch 420 kg với giá bán 120.000 đồng/kg. Theo tính toán của chị, trừ chi phí, công lao động, gia đình thu lãi gần 6 triệu đồng. Chị vui vẻ chia sẻ: “Trồng nấm rất hữu ích, có hiệu quả thiết thực, vì có thể tận dụng được khoảng đất trống trong vườn để làm trại nấm; ít vốn đầu tư, công chăm sóc mà năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Tôi tin rằng đây sẽ là hướng phát triển kinh tế mới để góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương…”.
Chị H’Juel Knul ở buôn Kram, xã Ea Tiêu bên mô hình trồng nấm của gia đình.
Chị H’Juel Knul ở buôn Kram, xã Ea Tiêu bên mô hình trồng nấm của gia đình.

Tham gia mô hình trồng nấm sò và nấm mèo trong nhà còn có gia đình anh Y Phil ở buôn Ega, xã Ea Tiêu với 1.000 bầu nấm sò và 900 bầu nấm mèo. Cũng sau 2 tháng triển khai, 1.000 bầu nấm sò của gia đình anh cho thu hoạch 360 kg nấm và 900 bầu nấm mèo cho thu hoạch 500 kg nấm. Anh phấn khởi nói: “Đây là mô hình thu lại hiệu quả kinh tế nhanh, ít vốn đầu tư và công lao động. Chỉ sau 2 tháng gia đình tôi thu được hơn 6 triệu đồng, tôi đã có thêm kinh phí để tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất và duy trì mô hình trồng nấm này để phát triển kinh tế gia đình”.

Theo đánh giá của cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông, việc trồng nấm có thể tận dụng diện tích khoảng sân trống, góc vườn nhà nên dễ thực hiện, chi phí đầu tư ban đầu cho mỗi trại nấm tương đối thấp hơn so với những ngành nghề khác. Người trồng nấm có thể cho thu hoạch nấm theo ý  mình, chủ động được thời vụ, hạn chế được rủi ro. Bên cạnh đó trồng nấm cũng không phải chăm sóc vất vả như trồng những loại nông sản khác ngoài đất vườn, đất ruộng. Đến nay, sau hơn 3 tháng thực hiện mô hình, người trồng đã nắm bắt khá tốt quy trình kỹ thuật sản xuất nấm sò, nấm mèo trên vật liệu rơm rạ, mùn cưa. Nấm phát triển tốt, năng suất đạt cao, sau khi trừ chi phí đều thu lãi đáng kể, đây là mô hình mới trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Việc xây dựng các mô hình trồng nấm cũng được UBND huyện Cư Kuin quan tâm, đánh giá cao bởi ngoài giá trị kinh tế, nghề trồng nấm không chỉ là hướng phát triển kinh tế mà còn mang lại ý nghĩa xã hội to lớn, tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tăng nguồn thu nhập cho nông dân, tạo sản phẩm sạch cung cấp cho người tiêu dùng hiện nay.

Mỹ Hằng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.