Multimedia Đọc Báo in

Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn M'Drak: Thực hiện tốt công tác ủy thác cho vay vốn

09:01, 11/03/2014
Để hội viên, phụ nữ dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước thông qua các kênh tín dụng tại Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện, trong những năm qua các cấp hội phụ nữ thị trấn M’Drak (huyện M’Drak) đã nỗ lực làm tốt công tác quản lý, phát triển nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng CSXH huyện, giúp hội viên, phụ nữ vay vốn giải quyết việc làm, phát triển kinh tế, đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của địa phương.

Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thị trấn M’Drak hiện có trên 2.300 hội viên phụ nữ trong độ tuổi lao động, do vậy nhu cầu vay vốn để sản xuất là rất lớn. Để thực hiện tốt chương trình ủy thác cho vay, Hội đã chỉ đạo, đôn đốc các tổ tiết kiệm vay vốn tiến hành việc bình xét đúng đối tượng được vay, kiểm tra việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, đúng quy trình, hướng dẫn của Ngân hàng CSXH. Chỉ riêng năm 2013, Hội LHPN thị trấn đã phối hợp giải ngân hơn 300 triệu đồng nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH huyện cho 25 hộ vay, bao gồm các đối tượng: hộ nghèo, học sinh – sinh viên, giải quyết việc làm… nâng tổng dư nợ lên hơn 3 tỷ đồng với 217 hộ được vay. Trong đó, vốn vay học sinh – sinh viên có tổng dư nợ cao nhất là 1,443 tỷ đồng cho 80 hộ vay; tiếp đến là vốn tạo việc làm với dư nợ 932 triệu đồng cho 32 hộ vay. Ngoài ra, Hội LHPN thị trấn còn đứng ra tín chấp với Tỉnh hội tổng số tiền 400 triệu đồng từ nguồn vốn sản xuất chăn nuôi giúp cho 40 hộ gia đình vay...

Hội viên phụ nữ  thị trấn  tham quan  mô hình trồng ngô tại tổ  dân phố 3  thị trấn M’Drak.
Hội viên phụ nữ thị trấn tham quan mô hình trồng ngô tại tổ dân phố 3 thị trấn M’Drak.

Với việc đưa đồng vốn ưu đãi đến tận tay người thụ hưởng, Hội LHPN thị trấn M’Drak đã giúp nhiều hộ gia đình từ nghèo khó, thiếu vốn sản xuất vươn lên thoát nghèo và có thu nhập ổn định, có thêm điều kiện nuôi dạy con em ăn học, thành đạt. Tiêu biểu như gia đình chị Nguyễn Thị Nội: Trước đây, cuộc sống của gia đình chị Nội (hội viên Chi hội tổ dân phố 11) rất khó khăn, mọi chi tiêu trong gia đình chỉ trông vào thu nhập từ mấy sào ruộng. Đầu năm 2008, với sự giúp đỡ của Hội LHPN thị trấn, gia đình chị được vay 15 triệu đồng từ nguồn vốn của Ngân hàng CSXH huyện để phát triển kinh tế. Có vốn, lại được Hội tạo điều kiện tham gia lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi và tham quan các mô hình làm kinh tế giỏi, chị đầu tư mua 3 con bê để nuôi. Năm 2012, gia đình chị đã trả được cả gốc và lãi, có tích lũy ban đầu.

Cũng như gia đình chị Nội, cuối năm 2012, chị Đào Thị Nhã (hội viên chi hội tổ dân phố 4) được Hội LHPN thị trấn ủy thác cho vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện để đầu tư vào chăn nuôi. Đến nay, gia đình chị đã thoát được nghèo, có tích lũy ban đầu để nuôi các con ăn học.

Từ những kết quả đạt được năm 2013 tập thể Hội LHPN thị trấn M’Drak đã được Ngân hàng CSXH huyện tặng Giấy khen vì đã có thành tích hoàn thành xuất sắc công tác giải ngân và thu hồi gốc lãi trong 10 năm liền (2003-2013).

 Mỹ Sự


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.