Multimedia Đọc Báo in

Lâm sản phụ ngoài gỗ: Vẫn chưa được quản lý, khai thác hiệu quả

15:32, 26/03/2014

Là tỉnh có diện tích rừng khá lớn, lâm sản ngoài gỗ (LSNG) của Dak Lak vì vậy được đánh giá là đa dạng, phong phú, góp phần vào việc cải thiện sinh kế cho người dân. Tuy nhiên, việc khai thác nguồn tài nguyên này vẫn chưa hiệu quả và chưa mang tính chiến lược lâu dài.

Các sản phẩm phụ từ rừng như lồ ô, tre nứa, song mây là một trong những lâm sản ngoài gỗ góp phần tích cực vào việc giải quyết việc làm và tạo thêm thu nhập cho người dân, nhất là những hộ gia đình nhận rừng giao khoán; nhờ đó mà họ có thể lấy ngắn nuôi dài, góp phần bảo vệ rừng hiệu quả. Những năm qua, lâm sản phụ đóng vai trò khá quan trọng trong sinh kế cho người dân nghèo, nhất là ở nông thôn. Nhiều hộ gắn bó với “nghề” đi rừng lấy lồ ô về đan lát thủ công ở huyện Krông Bông cho biết cuộc sống của họ được cải thiện rất nhiều khi họ tìm đến với nguồn lợi này. Cứ mỗi ngày lên rừng họ có thể mang về 2 vác lồ ô (khoảng 100 cây), dùng cho việc đan sọt đựng trái cây hoặc bán làm nguyên liệu cho các cơ sở đan lát…, thu nhập gấp 2-3 lần làm ruộng. Chính vì vậy, không ít người dân ở huyện này đã gắn bó với nghề đi rừng lấy lồ ô và đan lát thủ công. Còn các hộ dân nhận rừng giao khoán tại huyện Ea Kar và M’Drak thì khẳng định đây là nguồn lợi gần như duy nhất trong vòng 10 năm đầu của việc nhận rừng giao khoán quản lý, bảo vệ.

Phần lớn rừng mà các hộ được nhận giao khoán chủ yếu là rừng nghèo hoặc trung bình nên trữ lượng gỗ không đáng kể; mặt khác việc khai thác gỗ phải theo chu kỳ sinh trưởng và phải theo kế hoạch khai thác được chính quyền địa phương. Với thời gian nhận quản lý bảo vệ rừng là 30 năm, nhưng từ khi nhận rừng đến khi có thể hưởng lợi cũng mất 7-10 năm, tùy vào trạng thái của rừng lúc nhận. Vì vậy, trong khoảng thời gian đó, lâm sản ngoài gỗ là lợi ích kinh tế duy nhất mà chủ rừng có thể tận dụng để tăng thêm thu nhập, như là một nguồn chi phí để tổ chức quản lý bảo vệ. Tuy nguồn thu nhập từ lồ ô, tre nứa, song mây không đáng kể, nhưng nó là nguồn lợi để cải thiện đời sống cho những người sống gần rừng, gắn bó với nghề rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo.

LSNG góp phần giúp người dân ở huyện Krông Bông có thêm việc làm cải thiện đời sống,  xóa đói giảm nghèo.
LSNG góp phần giúp người dân ở huyện Krông Bông có thêm việc làm cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo.

Tuy nhiên, một thực trạng không chỉ riêng ở tỉnh ta mà gần như phổ biến trong cả nước là nguồn lợi từ  LSNG này vẫn chưa được khai thác một cách bền vững và mang tính lâu dài. Do khai thác ồ ạt, chỉ dựa vào nguồn tự nhiên sẵn có nên một mặt nguồn tài nguyên này càng ngày càng cạn kiệt, ảnh hưởng đến sinh cảnh của rừng; mặt khác, các nghề truyền thống gắn liền với nguồn tài nguyên thiên nhiên này hiện cũng đang phát triển thiếu bền vững. Ngoài lồ ô, tre nứa, song mây phục vụ cho nghề đan lát truyền thống, dược liệu cũng là nguồn lâm sản phong phú, nếu có chiến lược khai thác phù hợp sẽ mang lại giá trị kinh tế nhất định. Hiện nay công tác phát triển lâm sản ngoài gỗ đang gặp khó khăn do rừng đã bị tàn phá nhiều, công tác gây nuôi chưa phát triển rộng rãi, nhận thức của người dân chưa chuyển biến mạnh… Làm thế nào để giải quyết hài hòa lợi ích giữa việc khai thác LSNG phục vụ cho cộng đồng dân cư với việc bảo vệ sự đa dạng sinh học?

Thiết nghĩ, để đạt được sự hài hòa cho hai mục tiêu trên, cần có nhiều chương trình tuyên truyền quảng bá về LSNG, góp phần nâng cao nhận thức và hiểu biết cho người dân trong khai thác, sử dụng cũng như bảo tồn. Song song đó là tổ chức những mô hình nuôi trồng những loài có khả năng thích ứng với điều kiện chăn nuôi trong gia đình, các loại cây, con vừa mang lại giá trị kinh tế vừa góp phần bảo tồn nguồn gen như heo rừng, nhím, kỳ đà, cá sấu… trồng nhiều loại cây thuốc như kim tiền thảo, tre lấy măng, mây, tre trúc các loại. Ngoài ra, hiện nay nguồn dược liệu quý tập trung ở các khu rừng đặc dụng các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên chủ yếu là phục vụ cho mục đích nghiên cứu khoa học. Sẽ là lãng phí nếu các nguồn dược liệu này không có một chiến lược khai thác hợp lý để phục vụ cuộc sống con người.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc