Multimedia Đọc Báo in

Người cựu chiến binh triệu phú năng động

20:53, 29/03/2014
Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Ngọc (thường gọi là Ba Bát) sinh năm 1955, quê ở huyện Tuy Phước, tỉnh Quảng Nam. Năm 1978 ông nhập ngũ tham gia làm nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia, năm 1980 hoàn thành nghĩa vụ trở về quê hương sinh sống. Đến năm 1988 ông lập gia đình rồi vào vùng kinh tế mới thôn 1b, xã Ea M’nang (huyện Cư M’gar) khai hoang lập nghiệp.

Khi ấy vùng đất ông khai hoang chỉ là đất đen, sỏi đá lại ẩm ướt nên chỉ trồng được lúa nước. Với hơn 1ha đất khai hoang gia đình ông thu hoạch mỗi năm được gần chục tấn lúa. Vui mừng vì được mùa vì so với ở quê sẽ chẳng bao giờ có được như vậy, nhưng ông vẫn luôn trăn trở suy nghĩ vì giá thành rẻ nên giá trị kinh tế không cao. Ông bàn với vợ chuyển sang trồng hoa huệ, nhưng để trồng được hoa trên ruộng lúa nước thì phải đắp thêm đất để ruộng lúa lên cao. Vậy là vợ chồng ông tiến hành đào ao quanh diện tích ruộng lúa để lấy đất đắp ruộng, đồng thời đào nhiều mương thoát nước ngang, dọc qua vườn rồi bỏ cống xuống lấp lại tạo thành mương thoát ngầm dưới mặt đất. Dần dần ruộng lúa của vợ chồng ông được cải tạo thành một “ốc đảo” giữa mênh mông cánh đồng lúa để trồng hoa huệ. Với nghề trồng hoa cho thu nhập quanh năm, đầu tư ít nhưng lợi nhuận cao, cuộc sống gia đình ông dần dần ổn định.

Hồ cá bao quanh vườn xoài.
Hồ cá bao quanh vườn xoài.

Đầu năm 1998 trong một chuyến đi thăm bà con ở Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), ông mua quả xoài to về làm quà. Ăn thấy thơm ngon nên vợ chồng ông ươm hạt trồng bên bờ giếng nước sau nhà để lấy bóng che mát. Hạt xoài nảy mầm rồi lớn rất nhanh. Ba năm sau cây xoài ra hoa vụ đầu cho thu hoạch 25 quả, xoài to và thơm ngon. Năm tiếp theo cây xoài sai quả hơn, vợ trồng ông bán xoài được hơn 700.000 đồng. Thấy cây xoài cho thu nhập cao lại không phải đầu tư chăm sóc, vợ chồng ông bắt đầu nghĩ đến việc chọn quả chín lấy hạt ươm giống để trồng trên toàn bộ diện tích vườn hoa huệ. Sau 2 năm nhân giống từ hạt của cây xoài đầu tiên, ông đã trồng được hơn 200 cây trên diện tích “ốc đảo” 4.000m2. Dần dần xoài lớn, tán cây phủ kín, vợ chồng ông bỏ nghề trồng hoa, chuyển qua chú trọng vườn xoài, mua thêm đàn gà về thả dưới tán xoài. Hiện nay, vườn xoài của gia đình ông cho thu nhập từ 12-15 tấn/năm, giá từ 17.000-25.000 đồng/kg, trừ chi phí lãi từ 150-200 triệu đồng/năm. Với 5 hồ cá, diện tích hơn 1.000mtrải dài quanh “ốc đảo” để thoát nước và đàn gà kiến thả vườn duy trì từ 100-200 con đã cộng thêm vào thu nhập cho gia đình ông mỗi năm trên 50 triệu đồng.

Năm 2010, Phòng Nông nghiệp huyện Cư M’gar phối hợp với Viện Nghiên cứu cây trồng Ea Kmat đến kiểm nghiệm giống xoài của gia đình ông, kết quả cho thấy đây là loại xoài cát Hòa Lộc cho năng suất và chất lượng cao. Nhiều người ở khắp các địa phương biết tiếng “xoài Ba Bát” đã đến nhờ ông ươm hạt xoài lấy giống; từ giống xoài của ông đã có nhiều vườn được trồng với diện tích lớn, cây phát triển nhanh, có vườn đã bắt đầu cho cho hoạch. Ông Ngọc chia sẻ: “Trước đây thương lái ở nhiều tỉnh xa đã đến khảo sát đặt hàng, nhưng số lượng của vườn nhà chưa đủ đáp ứng. Dự tính thời gian tới gia đình sẽ cải tạo toàn bộ diện tích ruộng lúa còn lại, đồng thời liên kết với những hộ trong thôn mở rộng diện tích trồng xoài để cho thương lái ở xa đến nhập…”.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, vợ chồng ông Nguyễn Xuân Ngọc còn nhiệt tình tham gia công tác xã hội; bà Nguyễn Thị Sơn (vợ ông) là chi hội trưởng chi hội Phụ nữ của thôn 1b. Nhiệt tình, năng động hai vợ chồng ông đã có nhiều đóng góp, giúp đỡ các hộ khó khăn vươn lên làm kinh tế. Nhờ thu nhập cao từ “ốc đảo” của mình nên vợ chồng ông chăm lo cho 3 đứa con ăn học chu đáo. Nhiều năm liền ông được Huyện Hội Cựu chiến binh, UBND huyện tặng danh hiệu Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi.

 Trung Hải


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.