Multimedia Đọc Báo in

Phân cấp quản lý để nâng cao hiệu quả khai thác các công trình thủy lợi

16:02, 28/03/2014

Những năm qua, công tác phát triển thủy lợi đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhất là nhiều công trình quy mô lớn được đầu tư xây dựng phục vụ nhu cầu nước tưới cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, việc quản lý, khai thác các công trình này vẫn còn những bất cập…

Nguyên nhân hạn chế

Theo số liệu của Sở NN-PTNT, đến cuối năm 2013, trên địa bàn tỉnh có 705 công trình thủy lợi (CTTL), trong đó, 571 công trình hồ chứa, 85 đập dâng và 49 trạm bơm. Theo phân cấp hiện nay, Công ty TNHH MTV quản lý và khai thác công trình thủy lợi Dak Lak quản lý 14 công trình, các công ty cà phê 54, trạm thủy nông các huyện 54, UBND xã và các hợp tác xã dùng nước 490 công trình, còn lại do tư nhân quản lý. Về chất lượng, các công trình do trạm thủy nông cấp huyện, UBND xã và HTX quản lý, khai thác không được quan tâm đúng mức, nên nhiều công trình bị xuống cấp, hư hỏng, tiềm ẩn nguy cơ vỡ đập ảnh hưởng đến khu vực hạ du. Về công tác quản lý các công trình cũng chứa đựng nhiều bất cập. Trong đó, Công ty TNHH MTV quản lý công trình thủy lợi có đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân có trình độ, chuyên môn quản lý, vận hành công trình quy mô vừa và lớn, bảo đảm an toàn hồ đập và khai thác hiệu quả; trạm thủy nông các huyện là đơn vị sự nghiệp, quản lý các công trình nhỏ nên cơ bản đáp ứng yêu cầu năng lực quản lý khai thác theo quy định…, còn lại, các công trình UBND cấp xã và HTX quản lý, do cán bộ thiếu, chuyên môn yếu và chế độ phụ cấp kiêm nhiệm thấp nên không được kiểm tra theo dõi thường xuyên, giờ đã bị xuống cấp nghiêm trọng, dễ xảy ra sự cố. Trên địa bàn huyện Lak có 39 CTTL gồm 7 trạm bơm, 18 đập dâng và 15 hồ chứa có thể phục vụ tưới tiêu cho gần 5.600 ha cây trồng. Các công trình này phần lớn được đầu tư xây dựng bằng nguồn ngân sách Nhà nước, 3 công trình được xây dựng bằng vốn các HTX và phần lớn được giao cho các tổ hợp tác dùng nước thuộc các xã, thị trấn và các HTX nông nghiệp quản lý, vận hành, trong đó, nhiều công trình hiện đã hư hỏng, xuống cấp, không thể tưới nước đúng năng lực thiết kế. Theo đánh giá của Phòng NN – PTNT huyện Lak thì các hạng mục hay bị hư hỏng nhất là van đóng mở, phần đầu mối công trình và hệ thống kênh mương dẫn nước. Nguyên nhân do trình độ chuyên môn của cán bộ cơ sở còn hạn chế; công tác kiểm tra, bảo dưỡng và tu sửa các công trình bị hỏng chưa được tiến hành thường xuyên; bên cạnh đó là ý thức của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số trong việc sử dụng, bảo vệ các công trình thủy lợi chưa cao.

Thiếu chủ quản lý có năng lực chuyên môn, nhiều công trình hồ đập bị hư hỏng, sụt lún. (Trong ảnh: Đập thủy lợi Ea Mrông, xã Ea Drông, thị xã Buôn Hồ bị sụt lún vào tháng 10-2013).
Thiếu chủ quản lý có năng lực chuyên môn, nhiều công trình hồ đập bị hư hỏng, sụt lún. (Trong ảnh: Đập thủy lợi Ea Mrông, xã Ea Drông, thị xã Buôn Hồ bị sụt lún vào tháng 10-2013).

Đề án phân cấp quản lý để khai thác hiệu quả CTTL

Những bất cập nói trên khiến hiệu quả trong khai thác CTTL chưa đạt hiệu quả cao nhất, chưa kể còn gây nhiều ảnh hưởng, thiệt hại cho vùng hạ du mà vụ việc xả lũ hồ chứa Ea Drăng một cách đột ngột đã gây ngập lụt nặng tại thị trấn Ea Drăng (huyện Ea H’leo) hồi giữa tháng 9-2013 là một minh chứng: Thời điểm đó, hồ này có dung tích hơn 1 triệu m3 nhưng chỉ do 2 người không có chuyên môn quản lý, vận hành. Theo lý giải của địa phương, phải xả lũ đột ngột là để cứu đập, vì nếu vỡ đập thì hậu quả sẽ khôn lường. Thêm nữa, trong quá trình xả, hệ thống đóng mở gặp sự cố không xả được nên phải thao tác bằng tay…

Để bảo đảm an toàn công trình hồ đập thủy lợi, Sở NN-PTNT đang hoàn chỉnh Đề án “Phân cấp quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Dak Lak”, với mục tiêu là phân công trách nhiệm, quyền hạn rõ ràng giữa các cấp, đơn vị  quản lý, khai thác và bảo vệ công trình, mỗi công trình đều có một chủ thực sự quản lý, không để xảy ra chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm giữa các đơn vị được giao quản lý trực tiếp, đồng thời, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quản lý vận hành và thống nhất điều hành khai thác các công trình đạt hiệu quả cao. Tại cuộc họp góp ý cho đề án này do UBND tỉnh tổ chức vào ngày 13-3 vừa qua, các nhà chuyên môn và quản lý Nhà nước lĩnh vực thủy lợi thống nhất chọn phương án: giao toàn bộ các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh (trừ các công trình do các công ty cà phê quản lý và công trình do tổ hợp tác dùng nước, các hộ tư nhân dầu tư và đang quản lý) cho Công ty TNHH MTV quản lý và khai thác. Cụ thể là trực tiếp quản lý, khai thác đối với các công trình đầu mối, các trục kênh chính, kênh nhánh và các công trình điều tiết nước từ công trình đầu mối đến cửa xả ra cống đầu kênh nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các huyện, xã trong phạm vi sử dụng nước; còn từ cống đầu kênh đến mặt ruộng thì người hưởng lợi tự thành lập tổ hợp tác dùng nước để quản lý, khai thác… Theo đó, công ty sẽ quản lý trực tiếp 612 công trình, phục vụ nước tưới cho gần 27.000 ha lúa và hơn 35.500 ha cà phê. Sau khi bàn giao cho công ty, các công trình thủy lợi này sẽ có chủ quản lý thật sự, với đội ngũ cán bộ có năng lực chuyên môn theo quy định của Bộ NN-PTNT, và công tác quản lý, vận hành các công trình sẽ được tập trung đưa về một đầu mối, việc duy tu, bảo dưỡng bảo đảm an toàn hồ đập cũng được quan tâm thường xuyên nhằm hạn chế các sự cố cũng như vận hành khai thác hiệu quả các công trình.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.