Triển vọng về một vùng "vàng trắng" trên miền đất Ea H'leo
Trong gần chục dự án thuê đất rừng để trồng cao su tại huyện Ea H’leo, dự án của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Dak Lak được xem là thành công hơn cả. Yếu tố quyết định sự thành công này chính là công nghệ tưới nước nhỏ giọt cho cây cao su trên tầng đất rừng khộp được chuyển giao từ Ixrael…
Những ngôi nhà ở cho công nhân được Công ty Cổ phần Hoàng Anh Dak Lak xây tặng. |
Tưới nước cho cây cà phê, cây hồ tiêu… là chuyện thường tình lâu nay, nhưng cao su mà cũng tưới nước, quả là chuyện xưa nay chưa từng thấy ở Việt Nam. Ông Đỗ Thái Cơ - Giám đốc Công ty Cổ phần Hoàng Anh Dak Lak nói vậy và chia sẻ thêm: cũng chính vì thế, khi biết tin này thì ngay cả một số người trong ngành cao su cũng tỏ ra nghi ngờ cho là phản khoa học (!) Tuy nhiên, với nền nông nghiệp nước ta thì mới, chứ ở một số quốc gia có nền công nghệ tiên tiến thì chuyện tưới nước cho cây cao su chẳng lạ gì, ngay cả rừng trồng người ta còn tưới nữa là… Điển hình như Ixrael, cây cao su cũng như rừng trồng nguyên liệu, họ đã áp dụng tưới nước từ vài thập niên qua. Và công nghệ này trước khi chuyển giao cho Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Ixraen cũng đã chuyển giao cho Indonesia, Malaisia và một số quốc gia khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Trở lại với câu chuyện cây cao su được tưới nước trên địa bàn Ea H’leo, ai đến đây cũng đều nhận thấy so với những vườn cao su được trồng gần đó của một số doanh nghiệp khác thì vườn cao su của Hoàng Anh Dak Lak có sự phát triển vượt trội. Cùng trồng trong một thời điểm (vào những năm 2010, 2011 và 2012), nhưng cây cao su được tưới nước có mức độ sinh trưởng cao hơn 2-3 lần. Qua thực tế cho thấy vườn cao su của Công ty CP Hoàng Anh Dak Lak được trồng vào giữa năm 2010, đến nay đã khép tán, gốc cây cao 1m từ mặt đất trở lên đã cho đường kính từ 40-45 cm. Anh Lương Ngọc Duy - phụ trách Nông trường cao su ở Ea H’leo (thuộc Công ty CP Hoàng Anh Dak Lak) chắc chắn một điều: đến năm 2015, một số lô cao su được trồng từ giữa tháng 6-2010 đã có thể khai thác được. Như vậy, theo anh Duy - mặc dù cây cao su ở đây được trồng trong điều kiện thổ nhưỡng không thuận lợi bằng nơi khác (đất đỏ bazan), nhưng nhờ được tưới nước nên chu kỳ sinh trưởng từ khi trồng đến lúc khai thác vẫn bảo đảm thời gian trong vòng 6-7 năm. Hơn thế, nhờ được tưới nước nên vườn cây thường xanh quanh năm và cho tần suất khai thác cao hơn bình thường, khoảng 11-12 lần cạo mủ/năm. Rõ ràng công nghệ là yếu tố quyết định đến năng suất và chất lượng của vườn cây cao su ở đây. Với công nghệ này, ông Cơ khẳng định: Nguồn “vàng trắng” trên bình nguyên Ea H’leo sẽ được đánh thức và chắc chắn mang lại hiệu quả kinh tế to lớn không thua kém bất kỳ nơi nào.
Vườn cao su được trồng năm 2011. |
Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng nghèo kiệt sang trồng cây cao su ở Dak Lak là chủ trương lớn và đúng đắn của chính quyền địa phương. Chủ trương ấy đang dần chứng tỏ được sự thành công của nó qua thực tế triển khai và thực hiện các phương án kinh doanh của các nhà đầu tư, đặc biệt là những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính để tìm kiếm và áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất.
Công ty Cổ phần Hoàng Anh Dak Lak là một điển hình, bởi cho đến nay dự án trồng cao su trên nền đất rừng nghèo kiệt của công ty đã nắm chắc thành công nhờ áp dụng công nghệ trên. Diện tích đất của công ty thuê để trồng cao su ở Ea H’leo là 5.000 ha, đến nay đã trồng được gần ½, còn lại sẽ tiếp tục hoàn thành mục tiêu cho đến hết năm 2015. Theo đó, việc áp dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt cho cây cao su cũng sẽ được nâng cao và hoàn thiện hơn. Hiện công ty đang triển khai thí điểm tưới nước 2 bét cho mỗi gốc cao su bằng đường ống ngầm dưới đất. Theo kỹ sư Lương Ngọc Duy, khi được tưới 2 bét, cây cao su sẽ sinh trưởng nhanh hơn vì lượng nước tưới được tăng gấp đôi, khoảng 96 lít/ cây/ngày đêm (so với tưới 1 bét thì chỉ đạt 48 lít/ngày đêm). Và khi cây cao su đã lớn, 5 - 6 năm tuổi thì nhu cầu thấm nước càng nhiều, vì vậy công ty đã nâng lượng nước trong 4 bể chứa lên hơn 100.000m3/bể để luân phiên tưới quanh năm cho hơn 2.450 ha. Anh Duy cho biết: sự tiện lợi của công nghệ này là kết hợp tưới nước với bón phân cho cây một lần bằng cách hòa tan các hàm lượng vô cơ cần thiết vào trong các bể chứa trước khi mở van đưa nước theo đường ống đến từng gốc cao su. Nhờ vậy đã giảm được đáng kể chi phí cũng như ngày công chăm sóc. Bình thường, chỉ cần khoảng 100 công nhân là có thể chăm sóc tốt diện tích cao su hiện có của công ty.
Với dự án trồng cao su này, từ vùng đất vốn nghèo kiệt và heo hút ngày nào giờ đây đã phủ một màu xanh trù phú. Xen lẫn trong màu xanh ấy là 51 ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt do công ty xây tặng công nhân. Ông Cơ cho hay, vài năm tới sẽ có thêm hai khu dân cư nữa được quy hoạch, xây dựng ở đây để thu hút, tạo điều kiện cho người lao động tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh với công ty. Theo đó, trường học và chợ cũng sẽ được mở ra… Đến khi ấy, đây sẽ là vùng đất hứa thu hút đông đảo lực lượng lao động tại địa phương đến làm việc, chung tay làm giàu trên mảnh đất này.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc