Multimedia Đọc Báo in

Vượt khó, lập nghiệp ngay trên mảnh đất quê hương

10:11, 09/03/2014
Trong khi nhiều thanh niên nông thôn rời làng quê đến những thành phố lớn tìm việc làm tại các khu công nghiệp, nhà máy với mong muốn không phải một nắng hai sương, chân lấm tay bùn thì ở xã Krông Buk (huyện Krông Pak) vẫn có những bạn trẻ vượt khó, kiên trì bám trụ ruộng đồng với ước vọng làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.
 
Vào quê hương mới Dak Lak lập nghiệp từ năm 1998, gia đình anh Nguyễn Văn Đại ở thôn 16, xã Krông Buk (huyện Krông Pak) gặp không ít khó khăn. Đất sản xuất ít, nhà đông anh em nên dù chăm chỉ làm ăn song cuộc sống gia đình vẫn thiếu thốn mọi bề. Tốt nghiệp Đại học ngành Công nghệ thực phẩm, anh Đại làm công nhân tại TP.Hồ Chí Minh được 2 năm song do đồng lương bấp bênh nên anh quyết định về lại quê hương lập nghiệp. Một lần xem trên truyền hình địa phương giới thiệu về mô hình nuôi bò vỗ béo ở huyện Ea Kar, anh Đại đã tìm đến tận nơi để học hỏi kinh nghiệm. Nhận thấy mô hình này phù hợp với gia đình, lại có thêm lợi thế là có thể tận dụng được các phụ phẩm nông nghiệp ở địa phương, đầu năm 2012 anh đã bàn với gia đình đầu tư xây dựng trại nuôi bò vỗ béo với kinh phí gần 500 triệu đồng, nuôi 20 con bò. Sau 5-6 tháng chăm sóc vỗ béo, phòng bệnh theo đúng định kỳ, anh xuất bò bán, thu lãi gần 200 triệu đồng. Để có giống bò lai giống tốt cho năng suất cao, anh Đại lên TP. Buôn Ma Thuột tìm mua giống bò siêu thịt của Pháp, sang tận Phú Yên đặt mua 2 con bò giống siêu thịt được nhập từ Úc về để tự nhân giống cho trại và cung cấp cho thị trường. Anh đang kỳ vọng với việc triển khai mô hình sản xuất con giống chất lượng cao cung cấp cho thị trường sẽ mang lại cho gia đình nhiều lợi nhuận hơn nữa.
Mô hình nuôi bò vỗ béo của gia đình anh Nguyễn Văn Đại.
Mô hình nuôi bò vỗ béo của gia đình anh Nguyễn Văn Đại.

Trồng rau xanh không phải là mô hình mới ở tỉnh ta nhưng tại một số vùng đất trên địa bàn, chuyển đổi từ trồng một số cây hoa màu khác sang trồng rau xanh lại mang đến hiệu quả cao hơn nhiều. Gia đình anh Nguyễn Văn Phu và chị Nguyễn Thị Hạnh ở thôn 17, xã Krông Buk (huyện Krông Pak) là một ví dụ. Gia đình anh chị có 8 sào đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có 4 sào trồng rau, 4 sào trồng ngô. Trước đây, 4 sào đất trồng ngô mỗi năm 2 vụ chỉ mang lại thu nhập gần 8 triệu đồng/năm. Sau khi tìm hiểu một số mô hình trồng rau xanh cho hiệu quả cao trên địa bàn huyện, vợ chồng chị Hạnh quyết định chuyển đổi từ trồng ngô sang trồng rau. Mỗi năm trồng 3 vụ rau với nhiều loại rau xen canh như đậu co ve, bắp sú, súp lơ, cải, xà lách... đã mang về cho gia đình anh chị lợi nhuận cao hơn nhiều: 40 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí. Bên cạnh đó, anh chị còn tận dụng đất trống trồng thêm cỏ nuôi bò, lấy phân bò ủ bón lại cho vườn rau. Sự nhạy bén trong việc chuyển đổi cây trồng đã giúp cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ này dần ổn định và ngày một khấm khá hơn.

Là một thủ lĩnh thanh niên của xã Krông Buk (huyện Krông Pak), anh Bùi Quang Hợp luôn trăn trở tìm hướng đi phát triển kinh tế gia đình ngay trên mảnh đất quê hương. Với lợi thế của một cán bộ Đoàn, anh đã đi nhiều nơi, tham quan nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả cao. Sau khi cân nhắc, suy nghĩ, anh Hợp quyết tâm phát triển mô hình chăn nuôi gà thịt. Thời gian đầu nuôi gà, kinh nghiệm chưa có nên anh gặp không ít khó khăn, đàn gà chậm lớn và hay mắc dịch bệnh. Không nản lòng, anh tìm hiểu trên sách báo và đến những trang trại trong vùng học hỏi kinh nghiệm. Nhờ chủ động phòng chống dịch bệnh, đàn gà luôn khỏe mạnh và đem lại nguồn thu nhập ổn định. Đến nay, trang trại của anh thường xuyên nuôi 1.000 con gà/lứa, sau khi trừ chi phí anh thu lãi từ 30 - 35 triệu đồng/lứa, thời gian từ khi nuôi đến khi xuất bán khoảng 3 tháng. Mỗi năm anh nuôi trung bình 3 vụ. Nhờ được chăm sóc chu đáo cùng với chất lượng giống tốt nên đàn gà của gia đình anh luôn bán được giá, cho thu nhập mỗi năm gần 100 triệu đồng. Anh Hợp còn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ đoàn viên trong xã cùng phát triển kinh tế; động viên đoàn viên tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao KHKT và tham gia các hoạt động hướng nghiệp do đoàn thanh niên tổ chức.

Tuấn Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.