Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng nông thôn mới - Không nên có "mẫu số chung" cho mọi địa phương

08:50, 31/03/2014
Xây dựng nông thôn mới có thể được hiểu như một định chế trong việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Nông nghiệp, nông dân và nông thôn”. Định chế đó xác định người dân với vai trò chủ thể, là một thành tố trong cơ chế Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ dưới sự quản lý điều hành của Nhà nước.

 Với ý nghĩa trên, việc thực hiện 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới không thể phát động theo kiểu phong trào, mà phải được tổ chức phối hợp  hành động một cách nhịp nhàng, tăng cường vai trò phản biện của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc hoạch định nội dung công việc, cũng như kiểm tra giám sát để kịp thời điều chỉnh phù hợp với năng lực thực tiễn của địa phương.

Theo ý kiến cá nhân, trong 19 tiêu chí đã ban hành tại Quyết định 491/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ  có 5 nhóm: quy hoạch, hạ tầng kinh tế - xã hội, kinh tế - tổ chức sản xuất, văn hóa - xã hội – môi trường và hệ thống chính trị. Mỗi nhóm tiêu chí đều thể hiện “phần cứng” là cái biểu hiện bên ngoài và “ phần mềm” là cái biểu hiện bên trong.

“Phần cứng” bao gồm: Quy hoạch, hạ tầng kinh tế - xã hội và hệ thống chính trị… “Phần mềm” bao gồm những tiêu chí như: thu  nhập bình quân đầu người, mức hưởng thụ về văn hóa - xã hội – môi trường… Những tiêu chí “ phần cứng” là  điều kiện tiên quyết để đạt được các tiêu chí “phần mềm”, ngược lại chính “ phần mềm” sẽ tương tác trở lại làm cho “phần cứng” ngày càng hoàn thiện hơn.

Suy cho cùng, việc tập trung đầu tư kinh phí xây dựng hạ tầng kinh tế tạo ra bộ mặt nông thôn là rất quan trọng, song mục tiêu cuối cùng là phải làm cho người nông dân có một cuộc sống khá giả và sung túc hơn, góp phần giảm khoảng cách giàu nghèo và sự chênh lệch giữa người  dân thành thị với nông thôn.

Xây dựng nông thôn mới không có “mẫu số chung” cho mọi địa phương , vì  vậy, bên cạnh việc xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện làm nòng cốt hướng dẫn người dân thực hiện, mỗi địa phương phải chủ động xây dựng cho mình một hướng đi riêng, có cách làm phù hợp với đặc thù của địa phương mình. Chẳng hạn, về hạ tầng giao thông, đối với những tuyến đường liên thôn đi ngang qua những cánh đồng nên kết hợp xây dựng  tuyến giao thông gắn với tuyến thủy lợi vừa đồng bộ, vừa giảm chi phí,  lại tạo nên cảnh quan môi trường sạch đẹp; hoặc đối với vùng trũng thấp thường bị ngập lụt nên xây dựng đường giao thông thành đê bao phân lũ, đây cũng là một biện pháp phòng chống giảm nhẹ thiên tai hữu hiệu.

Đối với phát triển kinh tế, phải tuân thủ theo quy luật của thị trường. Đành rằng mỗi gia đình là một đơn vị kinh tế tự chủ, thế nhưng nếu thiếu định hướng thì nông dân dễ bị “tâm lý lây lan” sản xuất ồ ạt dẫn đến  tình trạng cung vượt cầu hoặc ngược lại. Trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phải gắn với việc hình thành các vùng chuyên canh, tăng hệ số vòng quay của đất để tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích; sử dụng lao động nhàn rỗi vào việc khôi phục, phát triển các ngành nghề truyền thống gắn với đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

 Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách phù hợp, thuận lợi cho việc tạo nguồn kinh phí phục vụ đầu tư xây dựng nông thôn mới, các công trình xây dựng phải được khảo sát thiết kế cẩn thận, chu đáo, thuận tiện phát huy tác dụng; đấu thầu công khai  bảo đảm tốt về chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, nhất là giảm bớt quy trình và thủ tục rườm ra không cần thiết như chi phí thiết kế, thẩm định dự toán, các cơ quan chuyên môn chỉ giữ vai trò tư vấn giúp người dân giám sát những công trình đòi hỏi kỹ thuật cao.

Vai trò chủ thể của người dân sẽ được phát huy mạnh mẽ khi họ được tham gia bàn bạc, quyết định mọi vấn đề liên quan đến lợi ích của cộng đồng, đây là một việc làm không đơn giản, nếu không nỗ lực, không có quyết tâm cao, không có phương án, giải pháp phù hợp và không tạo được  sự đồng thuận trong nhân dân thì khi thực hiện khó thành công. Vì thế, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của xã cần  tập trung chỉ đạo sâu sát, linh hoạt, phù hợp thực tiễn địa phương, tích cực tuyên truyền giải thích làm sáng tỏ những vấn đề người dân còn băn khoăn, tạo mọi điều kiện tốt nhất để người dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội góp phần nâng cao mức hưởng thụ về vật chất và tinh thần, để sớm hoàn thành các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới đã đề ra.

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.