Multimedia Đọc Báo in

Cơ hội thúc đẩy tiềm năng để phát triển và giảm nghèo

08:16, 28/04/2014
Khu vực Tam giác phát triển (TGPT) Campuchia-Lào-Việt Nam được đánh giá là giàu tiềm năng, thế mạnh, nhất là 5 tỉnh của Việt Nam (Kon Tum, Gia Lai, Dak Lak, Dak Nông và Bình Phước), nhưng do xuất phát điểm thấp nên các tỉnh trong Khu vực TGPT chưa tận dụng được thế mạnh của mình để phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo.
 
Diễn đàn đối tác phát triển khu vực TGPT Campuchia – Lào – Việt Nam vừa được tổ chức tại Dak Lak đã mở ra một triển vọng về sự phối hợp giữa các tỉnh trong khu vực để giải quyết có hiệu quả vấn đề giảm nghèo bền vững.

Chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh

Theo đánh giá chung trong Khu vực TGPT, 5 tỉnh của Việt Nam là một trong những vùng giàu tiềm năng về du lịch, đất đai và nông nghiệp, trong đó đất đai là một trong những nguồn tài nguyên có tiềm năng và lợi thế lớn so với các vùng khác của 3 nước. Theo đó, sản phẩm của 5 tỉnh chủ yếu là các mặt hàng nông sản như cao su, cà phê, tiêu, điều, mía, lâm sản… phục vụ cho công nghiệp hàng tiêu dùng. Ngoài ra, các tỉnh này cũng rất giàu tiềm năng và thế mạnh để phát triển du lịch với nhiều loại hình phong phú như du lịch cảnh quan, lịch sử, sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa và nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn khác.

Theo nhận định của các đại biểu tại Diễn đàn thì với những thế mạnh về cây công nghiệp chủ lực nêu trên, nếu vùng này được phát triển thành vùng nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn, đi đôi với công nghiệp chế biến dựa trên năng suất và chất lượng cao, và có năng lực cạnh tranh thì khu vực này sẽ trở thành một trung tâm vùng về sản xuất và xuất khẩu hàng hóa nông sản chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường nội địa, khu vực cũng như thế giới. Qua đó, sẽ thúc đẩy các ngành công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ phát triển, tạo ra nhiều việc làm để thu hút lao động, góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo một cách bền vững. Tuy nhiên, 5 tỉnh của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn để có thể phát huy những thế mạnh sẵn có, đó là việc tiếp cận các thị trường trong và ngoài khu vực còn hạn chế, mặc dù nguồn hàng nông sản phong phú, nhưng việc xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Kim ngạch xuất khẩu của 5 tỉnh năm 2013 đạt 2,3 tỷ USD, bằng 1,74% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, bình quân đầu người chỉ đạt 450 USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Dak Lak là 650 triệu USD, giảm 13,4% so với năm 2012. Xuất khẩu năm 2013 của tỉnh Dak Lak gặp rất nhiều khó khăn, do hầu hết các mặt hàng chủ lực đều giảm mạnh  về lượng và giá. Trong khi đó, công nghiệp chế biến còn thô sơ, việc gia tăng giá trị sản phẩm nông sản thông qua chế biến chưa được như mong muốn vì chưa có sự liên kết tốt với thị trường trong và ngoài nước. Ngoài ra, mạng lưới giao thông chưa được cải thiện, chi phí thu mua, phân phối còn cao đã làm hạn chế việc tham gia của các nhà đầu tư. Mặt khác, năng lực của các doanh nghiệp trong 5 tỉnh nhìn chung cũng còn yếu, số lượng ít và tăng chậm. Hiện 5 tỉnh có 16.135 doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động, tập trung nhiều ở Dak Lak, với 5.421 doanh nghiệp. Điều đáng nói là các doanh nghiệp chế biến nông sản mặc dù có thế mạnh phát triển, nhưng chưa tạo được thương hiệu sản phẩm, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, thiếu tính bền vững. Hoạt động du lịch chưa phát triển do thiếu vốn đầu tư cơ sở hạ tầng và dịch vụ đi kèm.

Các tỉnh trong Khu vực TGPT cần tập trung lợi thế về đất đai để hình thành các vùng sản xuất ngô lai theo hướng tập trung, chuyên canh.
Các tỉnh trong Khu vực TGPT cần tập trung lợi thế về đất đai để hình thành các vùng sản xuất ngô lai theo hướng tập trung, chuyên canh.

Tăng cường cơ chế phối hợp

Thực tế cho thấy, cuộc chiến chống lại đói nghèo ở Việt Nam còn nhiều cam go, nhất là các tỉnh Tây Nguyên và điều quan trọng để xóa đói giảm nghèo một cách bền vững là cần phát huy được những tiềm năng thế mạnh của địa phương theo hướng “cung cấp cần câu” và tạo ra những “hồ nhiều cá” cho người nghèo.

Bàn về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh cho rằng, tăng cường hợp tác giữa 3 nước sẽ là “liều thuốc bổ” để thúc đẩy nhanh việc thực hiện các chương trình, dự án ưu tiên, với các biện pháp cụ thể đã được lãnh đạo 3 nước đề ra tại Hội nghị cấp cao lần thứ 7 tại Vientiane tháng 3-2013. Đó là, chia sẻ thông tin rộng rãi hơn về cơ hội và tiềm năng phát triển của khu vực; huy động nguồn vốn ODA để hỗ trợ phát triển; thúc đẩy đầu tư trong và ngoài nước vào khu vực này. Diễn đàn lần này mở ra cơ hội đầu tư cho các tỉnh trong khu vực TGPT, do vậy, cần xem xét các khuôn khổ thể chế và chính sách nên được cải thiện như thế nào để tạo thuận lợi đầu tư từ nguồn vốn ODA và đầu tư tư nhân trong các quốc gia Campuchia-Lào-Việt Nam.

Trao đổi kinh nghiệm từ các sáng kiến khu vực khác nhau, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam Tomoyuki Kimura nêu rõ, để phát triển tiểu vùng một cách toàn diện và bền vững đòi hỏi phải có tầm nhìn chung, phải đánh giá thận trọng và phác hoạ được những vướng mắc, bất cập hiện nay cũng như các lĩnh vực có thể tạo ra đột phá để lập kế hoạch phát triển trên thực tiễn. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị lộ trình thực hiện và khuôn khổ đầu tư thống nhất với tầm nhìn chiến lược; tạo ra sức mạnh cộng hưởng của các chương trình và biết sử dụng nguồn lực hữu hạn hiệu quả hơn cũng như đa dạng hóa nguồn đầu tư…Giám đốc Quốc gia ADB cũng lưu ý, một “sản phẩm phụ” đáng khích lệ của việc lập kế hoạch và tổ chức Diễn đàn chính là sự thể hiện rõ ràng năng lực và sự cam kết của 5 tỉnh Việt Nam nằm trong khu vực TGPT trong quá trình thúc đẩy phát triển.

Diễn đàn cũng đã đưa ra một số định hướng chính để khai thác tiềm năng và thế mạnh giải quyết vấn đề đói nghèo, đó là ưu tiên phát triển nông lâm nghiệp để cung cấp đầu vào cho công nghiệp chế biến; khai thác tiềm năng và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên nước cho công nghiệp ở các địa phương trong Khu vực TGPT; nâng cao hiệu quả khai thác tiềm năng và thế mạnh thông qua trao đổi kinh nghhiệm và kiến thức về kỹ thuật canh tác và chăn nuôi; tiếp tục đẩy mạnh phát triển các khu kinh tế cửa khẩu đã được thành lập theo hướng xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, phát triển thương mại, dịch vụ và thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp trong khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y, đường 19 và Hoa Lư; chú trọng xuất khẩu để bảo đảm đầu ra và ổn định sản xuất…

Trên cơ sở những định hướng mà Diễn đàn đưa ra, Bộ Trưởng Bộ Công an, Đại tướng Trần Đại Quang cũng đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy hợp tác trong khu vực TGPT Campuchia-Lào-Việt Nam để giải quyết tốt vấn đề giảm nghèo, trước hết phải xem việc tăng cường quan hệ hợp tác giữa các tỉnh vùng Tây Nguyên với các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Campuchia là vấn đề có ý nghĩa chiến lược lâu dài, đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển đối ngoại vùng biên giới Việt Nam-Lào và Việt Nam-Campuchia; tăng cường đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống đường giao thông ở các tỉnh Tây Nguyên; xây dựng hạ tầng ở các cửa khẩu chính, tạo điều kiện cho việc kêu gọi đầu tư phát triển kinh tế, thương mại, du lịch trong khu vực...

 Thuận Nguyễn

 


Ý kiến bạn đọc