"Cửa thoát hiểm..."
Cần những "chiếc cửa thoát hiểm" để nông dân - chủ thể nền sản xuất nông nghiệp - bớt những rủi ro. |
Dạo này, báo, đài, tivi liên tục đưa thông tin về tình trạng ùn ứ xe chở dưa, chờ thông quan ở cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn); rồi chẳng đâu xa ngay tại Dak Lak này, nông dân trồng mía, trồng dưa ở nhiều nơi cũng khóc dở mếu dở khi sản phẩm làm ra cháy khô hoặc hư hỏng trên đồng ruộng do tiêu thụ khó khăn, trong lúc giá rẻ như bèo. Vậy là, chưa cần nghe các chuyên gia kinh tế bình luận, chúng tôi đã có ngay một “chuyên gia” trong nhà phân tích, giảng giải khá tường tận. Bố đưa ra lý lẽ, dẫn chứng rất nhiều, rất chặt chẽ, lô gíc nhưng tôi khoái nhất là kết luận của bố: “Chung quy lại là thiếu cái cửa thoát hiểm!”. Nghe đến đây tôi chợt nhớ đến nhiều lần bố thường nói với anh tôi rằng: muốn tính làm gì, chuyển đổi kiểu gì cũng phải cố gắng đặt ra những tình huống xấu nhất để có dự kiến các phương án xử lý. Không thể thấy người ta làm cái này đang hiệu quả mình cũng tức tốc đổ xô làm theo, vì cách làm “phong trào” rất nguy hiểm, dễ tạo hiệu ứng dư thừa. Khi ít người làm, “một mình một chợ” sẽ khác xa khi nhà nhà đều làm, sản phẩm nhiều hơn so với nhu cầu sẽ dẫn đến ùn ứ, không tiêu thụ được hoặc bị tư thương ép giá. Và theo bố, việc đặt ra những tình huống xấu nhất chính là cách tạo cho mình thế chủ động để “mở cửa thoát hiểm” khi gặp rủi ro.
Từ phân tích của bố, nghĩ xa hơn một chút, tôi chợt thương cho những người nông dân. Hình như trong số họ vẫn có những người “bơ vơ” trên đồng ruộng của mình, trong cơ chế thị trường này. Bằng chứng là câu chuyện ùn ứ dưa ở cửa khẩu Tân Thanh không phải xảy ra lần đầu, biết bao năm “kịch bản” này vẫn tái diễn. Và như vậy, cái “cửa thoát hiểm” như bố tôi đề cập sẽ chẳng phát huy hết tác dụng nếu chỉ một mình nông dân tự trang bị để tự thoát hiểm. Bởi theo nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, bất cứ nước nông nghiệp nào phát triển trên thế giới, người ta đều tạo ra bộ “3 chân kiềng”. Một là, giúp nông dân tích tụ ruộng đất để trở thành hộ sản xuất hàng hóa lớn, lâu dài. Hai là, phải có hợp tác xã dịch vụ kiểu mới do nông dân góp vốn lập ra, để lo đầu vào, đầu ra của sản xuất. Ba là, tổ chức tín dụng nông thôn do nông dân góp vốn lập ra để đáp ứng nhu cầu vốn của chính nông dân, lãi thu được lại chia cho nông dân. Như vậy, vai trò chủ thể của nông dân đã được đặt ở vị trí trung tâm; bàn tay điều tiết của nhà nước; vị trí của doanh nghiệp trong chuỗi liên kết các nhà đã được xác định. Có được 3 yếu tố “chân kiềng” này thì tái cơ cấu nông nghiệp xem ra đã có kịch bản và ngành nông nghiệp sẽ trang bị được “những chiếc cửa thoát hiểm” để không lúng túng trước những rủi ro.
Đàm Thuần
Ý kiến bạn đọc