Multimedia Đọc Báo in

Dự án thí điểm xây dựng cầu giao thông nông thôn: Nối gần những miền xa

09:35, 05/04/2014

Trong khuôn khổ Dự án thí điểm xây dựng cầu nông thôn, toàn tỉnh đã có 10 cầu giao thông nông thôn được xây dựng, góp phần tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương…

Công trình mang dấu ấn thanh niên

Dự án thí điểm xây dựng 100 cầu nông thôn tại các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng kinh phí 46,8 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Theo đó, những vùng được ưu tiên xây dựng cầu là các điểm suối, kênh, mương giao thông nối giữa các thôn, buôn hoặc từ thôn, buôn đến trung tâm xã, thị trấn, trường học, trạm y tế, khu sản xuất tập trung có nguy cơ mất an toàn, cản trở giao thông trong mùa mưa lũ. Riêng tại Dak Lak được đầu tư gần 3,7 tỷ đồng xây dựng 10 cầu ở các địa phương thuộc diện khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của tỉnh gồm: Cầu thôn 16A, 16B (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn), cầu thôn 6A, 6B (xã Ea Ô, huyện Ea Kar), cầu suối Đục (buôn Tơ Lơ – xã Ea Na - Krông Ana), cầu buôn Jút (xã Dak Liêng, huyện Lak), cầu thôn Đồng Tâm (xã Buôn Triết, huyện Lak), cầu buôn Bàng và cầu ông Hồng (xã Buôn Tría, huyện Lak) cầu buôn Pơr (xã Ea Tul, huyện Cư M’gar).

Cầu thanh niên thôn 16A (xã Ea Bar) được đầu tư xây dựng kiên cố  từ Dự án thí điểm xây dựng cầu nông thôn.
Cầu thanh niên thôn 16A (xã Ea Bar) được đầu tư xây dựng kiên cố từ Dự án thí điểm xây dựng cầu nông thôn.

Qua quá trình khảo sát xây dựng cầu ở địa phương, hầu hết các công trình cầu tạm thường có kết cấu bằng gỗ, không có lan can bảo vệ và được xây dựng trên các khe suối nhỏ, nhằm phục vụ cho việc đi lại của bà con các thôn, buôn. Ngoài ra, vào mùa mưa lũ mặt cầu thường bị ngập, có cầu còn bị cuốn trôi. Do đó, đầu tư xây dựng các công trình này là một việc làm thiết thực, nhất là các cầu liên thôn được xây dựng tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số dù chỉ mang tính tạm thời nhưng lại có tầm quan trọng trong sinh hoạt, sản xuất của người dân địa phương. Bên cạnh đó, Dự án còn nhằm phát huy vai trò xung kích tình nguyện của tuổi trẻ và các tổ chức đoàn trong việc tham gia xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo ở các vùng miền. Chính vì thế, sau khi được giao trọng trách làm chủ đầu tư 10 cây cầu trên địa bàn, Tỉnh Đoàn đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các chi đoàn cơ sở nơi có các công trình đi qua để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Anh Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng ban Thanh niên nông thôn, công nhân và đô thị (Tỉnh Đoàn) cho biết: để công trình được triển khai đúng tiến độ, ngay từ đầu Tỉnh Đoàn đã giao trách nhiệm cụ thể đối với tổ chức đoàn ở các địa phương về việc san lấp mặt bằng để nhà thầu tiến hành thi công, tham gia ngày công và huy động người dân làm đường 2 đầu cầu. Nhờ đó, sau 9 tháng kể từ ngày khởi công (tháng 7-2013) đến thời điểm hiện tại, các cầu đã cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân các thôn, buôn.

 Dự kiến trong tháng 4-2014, Tỉnh Đoàn sẽ tiến hành bàn giao công trình cho các địa phương, qua đó phát động đoàn thanh niên cơ sở san lấp mặt bằng, vệ sinh môi trường, trồng cây xanh hai đầu cầu và chăm sóc, bảo vệ công trình cầu thanh niên.

Nối nhịp bờ vui

Thôn 16A và 16B xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn) có hơn 200 hộ dân sinh sống. Những năm trước, cuộc sống của người dân trong thôn gặp rất nhiều khó khăn bởi muốn giao thương với bên ngoài họ phải đi qua chiếc cầu tạm được làm bằng một miếng sắt mỏng bắc qua con suối. Biết rằng nguy hiểm cận kề nhưng mọi người không thể vì thế mà không đi lại qua chiếc cầu tạm, đặc biệt các em học sinh 2 thôn đến trường. Từ khi cầu mới hoàn thành, nhân dân rất phấn khởi bởi niềm mong ước bấy lâu đã thành hiện thực. Ông Nguyễn Văn Long (thôn 16A) nói: “Trước đây khi còn cầu tạm, mỗi khi người dân đi qua là cây cầu lại rung lên, chòng chành gây cảm giác như sắp sập. Vì thế, chúng tôi rất lo sợ bởi không chỉ tôi mà nhiều người khác đã nhiều lần bị rớt xuống suối, rất may là chỉ bị sây sướt, không nguy hiểm đến tính mạng. Riêng mùa mưa, tôi và vợ phải thường xuyên thay nhau cõng con qua cầu để đến trường vì nước ngập hết hai đầu cầu. Bây giờ, chúng tôi rất vui và yên tâm đi lại”. Có được cây cầu kiên cố, không chỉ người dân 2 thôn 16A và 16B mà hàng trăm hộ dân khác trong xã Ea Bar cũng vui mừng vì hầu hết diện tích lúa nước (hơn 200 ha) của địa phương đều nằm ở cánh đồng cạnh thôn 16A và 16B. Những năm trước, vào mùa thu hoạch, người dân phải vận chuyển lúa bằng con đường băng qua thôn khác với chiều dài gần 10 km bởi cây cầu này quá nhỏ và yếu. Chị Dương Thị Kim Ngọc, một người dân trong xã chia sẻ, gia đình trồng 2 sào lúa phía bên kia suối, dù nhà chỉ cách một cây cầu nhưng mỗi lần thu hoạch rất tốn công sức, chi phí vận chuyển. Giờ có cầu mới vừa rộng, vừa kiên cố nên việc vận chuyển thuận lợi hơn nhiều.

 Cầu thanh niên thôn 16A và cầu 16B có chiều dài gần 7m rộng 3,5m, tải trọng 1,4 tấn với kinh phí xây dựng gần 400 triệu đồng mỗi cầu. Bí thư Đoàn xã Ea Bar - Y Khe H’mok cho biết: “Việc xây cầu tại 2 thôn 16A và 16B đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất, an toàn cho các em học sinh đến trường, giảm thiểu những rủi ro, tai nạn như lúc trước. Sắp tới, chúng tôi sẽ huy động các đoàn viên, thanh niên phối hợp cùng bà con nhân dân san lấp mặt bằng, phát quang bụi rậm và trồng thêm cây xanh ở hai đầu cầu”. Cùng hòa chung niềm vui đó, không chỉ có người dân xã Ea Bar mà hàng nghìn hộ dân ở các địa phương khác cũng rất phấn khởi khi được hưởng lợi từ Dự án này. Có cầu mới, người dân các thôn, buôn đặc biệt khó khăn đã yên tâm sản xuất, đường đến trường của trẻ con cũng bớt gập ghềnh, nguy hiểm. 

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án xây dựng cầu nông thôn các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên giai đoạn 2014 - 2020. Theo đó, sẽ triển khai 32 dự án gồm 450 cầu nông thôn trên phạm vi 32 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các công trình này có tổng mức đầu tư trên 324,8 tỷ đồng, bằng nguồn ngân sách Trung ương. Trong đó, Dak Lak được xây dựng 15 cầu tại các huyện: Krông Ana, Buôn Đôn, Cư M’gar, Krông Bông, Ea Kar, Ea H’leo, Cư Kuin và TP.Buôn Ma Thuột.

Hoàng Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.