Hạn hán kéo dài: Cây và người đều khát
Liên tục trong những năm gần đây, tình trạng nắng hạn trong mùa khô diễn ra ngày càng gay gắt đã gây thiệt hại lớn đối với ngành nông nghiệp tỉnh nhà. Không những thế, người dân ở nhiều địa phương trong tỉnh đang phải chịu… khát do thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.
Thiệt hại hàng nghìn héc ta cây trồng
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh, những năm gần đây, tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh Dak Lak nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung có diễn biến khá phức tạp. Hằng năm, mùa mưa thường kết thúc sớm (trong đó có những vùng lượng mưa thấp hơn trung bình những năm trước và thấp hơn nhiều so với các khu vực khác), mùa khô thường kéo dài gây nên hạn hán làm thiệt hại nặng đối với sản xuất nông nghiệp. Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2012 toàn tỉnh có khoảng 17.600 ha cây trồng bị thiệt hại do nắng hạn; năm 2013, nắng hạn đã làm thiệt hại khoảng 22.423 ha cây trồng, trong đó có trên 1.450 ha bị mất trắng. Riêng trong năm 2014, tính đến hết tháng 3-2014, hầu hết các hồ chứa nước dạng vừa chỉ còn phổ biến khoảng từ 30 - 40% dung tích nước; các hồ nhỏ xấp xỉ hoặc dưới mực nước chết. Nhiều hồ chứa đã cạn khô như hồ Buôn Jơn, Buôn Tung, Dak Tây, Liêng Krak, Buôn Du Mah, Buôn T’lông (huyện Lak); hồ C6 và hồ Trũng Tre (huyện Krông Năng); hồ Ea K’nang, Ea Kruế, Ea B’na, Sơn Thọ, Suối Muỗi (huyện Krông Ana)… Đến thời điểm này, toàn tỉnh có tổng diện tích cây trồng bị hạn là hơn 5.450 ha (gồm hơn 4.000 ha lúa, 447 ha cà phê và 1.003 ha ngô, sắn và cây trồng khác), trong đó diện tích bị mất trắng là 1.667 ha (gồm 1.223 ha lúa, 437 ha ngô). Thiệt hại do khô hạn gây ra ước tính gần 93 tỷ đồng.
Những ngày gần đây, tại một số khu vực trong tỉnh đã xuất hiện mưa nhỏ đến mưa vừa, song, lượng mưa khá ít, chỉ đủ làm ướt đất bề mặt; hầu hết các mạch nước ngầm đang khai thác để phục vụ sản xuất nông nghiệp vẫn chưa xuất hiện dòng chảy mạnh, nhiều người dân đang phải gồng mình chống hạn… Tại huyện Ea Súp, tính đến hết tháng 3 - 2014 đã có 10 ha mía, 87 ha lúa bị khô hạn, trong đó có nhiều diện tích cây trồng khác đã bị mất trắng. Với phương châm “còn nước còn tát”, UBND huyện đã chỉ đạo các xã vận động nhân dân tích cực tham gia chống hạn, tận dụng mọi nguồn nước tưới cho cây trồng. Tại vùng trọng điểm cà phê Cư M’gar, nhiều người dân đã phải đào giếng ngay giữa hồ thủy lợi để lấy nước tưới cà phê. Ông Nguyễn Công Văn, Chủ tịch UBND xã Ea Tul, cho biết, mùa khô năm nay, toàn xã đã có 265 ha cà phê thiếu nước tưới nghiêm trọng. Để chống hạn, nhiều hộ dân phải đào hoặc khoan giếng ở những vùng trũng thấp hoặc lòng ao, hồ đã cạn trơ đáy để tìm nguồn nước tưới. Ở huyện Krông Bông, hầu hết các hồ đập đều cạn kiệt. Dòng sông Krông Bông bình thường chảy mạnh là thế, mà giờ đây, nhiều đoạn chỉ còn như dòng suối. Giải pháp chống hạn cấp bách của UBND huyện trong thời điểm này là cho mở cống xả đáy các hồ thủy lợi lớn còn nước để điều tiết nước về hạ lưu. Ngoài ra, UBND huyện còn có chủ trương hỗ trợ người dân đào ao lấy nước tưới cho cả các hộ lân cận; nhà có giếng khoan hỗ trợ nhà không có…
Bà con tại xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông phải đi xin từng thùng nước về để phục vụ sinh hoạt hằng ngày. |
Thiếu nước sinh hoạt trầm trọng
Do hạn hán kéo dài nhiều ngày, hệ thống nước sinh hoạt không còn đủ khả năng cung cấp cho người dân. Để có nguồn nước sinh hoạt hằng ngày, nhiều gia đình phải sử dụng nguồn nước sông, suối bị ô nhiễm. Thực tế trên đang xảy ra ở nhiều địa phương, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa trong mùa nắng hạn hiện nay. Đây không phải là chuyện mới xảy ra, bởi việc cung cấp nước sạch ở các vùng nông thôn dù đã được các cấp, ngành quan tâm đầu tư, song vẫn chưa mang lại kết quả bền vững khi xảy ra hạn hán. Tại huyện Krông Bông đang có gần 800 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, tập trung ở các xã Khuê Ngọc Điền (100 hộ), Cư Kty (200 hộ), Yang Reh (171 hộ), Dang Kang (86 hộ), Ea Trul (60 hộ), Hòa Lễ (20 hộ), Hòa Tân (80 hộ)… Nhiều giếng đào trên địa bàn bị cạn nước, giếng khoan có nước nhưng lại bị nhiễm phèn không sử dụng được, trong khi đó có không ít địa phương lại chưa có công trình cấp nước sinh hoạt tập trung. Chính vì vậy người dân gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn nước phục vụ sinh hoạt.
Tại huyện Lak, chúng tôi bắt gặp hình dáng liêu xiêu của cụ bà Trần Thị Huê (72 tuổi) ở xã Dak Liêng đi gánh nước về. Bà cho biết: Nhiều tháng nay, hầu hết các ao hồ trong xã đều cạn trơ đáy, giếng nước của nhiều gia đình cũng không còn nước để sinh hoạt. Những người trẻ trong xã đều phải ra đồng chống hạn cho cây trồng nên người già, trẻ nhỏ trong làng phải đi xin nước ở xã khác để có nước uống và sinh hoạt. Không riêng gì gia đình bà Huê, hàng trăm hộ dân tại xã Dak Liêng nhiều tháng qua đã phải dùng xe công nông, xe trâu, quang gánh đi hàng chục cây số để xin nước sinh hoạt về dùng. Theo thống kê sơ bộ thì đến hết tháng 3-2014, trên địa bàn huyện Lak đã có gần 500 hộ dân đang lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng.
Tại nhiều khu dân cư ở TP. Buôn Ma Thuột, huyện Buôn Đôn, Cư M’gar, Ea Súp, Ea Kar… những ngày qua, người dân cũng phải chắt chiu từng giọt nước trong sinh hoạt. Ngay cả dòng sông Sêrêpôk (đoạn qua huyện Buôn Đôn) thường ngày cuồn cuộn nước mà nay cũng có đoạn khô kiệt. Ông Y Thơng K’doh, buôn trưởng buôn Trí A, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn cho biết: buôn có 80 hộ dân, nhiều năm qua sống nhờ nước sông Sêrêpôk. Lúc sông Sêrêpôk khô, nước ô nhiễm, người trong buôn phải mua nước bình về uống, còn nước sinh hoạt thì phải xuống các vũng đọng dưới sông múc về dùng rất vất vả.
Quốc Thành
Ý kiến bạn đọc