Multimedia Đọc Báo in

Làm giàu trên vùng đất khó

14:46, 06/04/2014
Năm 1987, khi rời quê hương Phú Phúc, huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam) vào định cư tại vùng kinh tế mới ở thôn Nhân Giang, xã Yang Mao (huyện Krông Bông), vợ chồng anh Trần Văn Kim và chị Trần Thị Lưu bán tài sản ở quê làm vốn được vài triệu đồng.

Tại nơi ở mới, do ít đất sản xuất nên vợ chồng anh Kim đã mở quán bán hàng tạp hóa để cải thiện cuộc sống. Với suy nghĩ: buôn bán nhỏ chỉ giải quyết được những khó khăn trước mắt; phải cố gắng tích lũy mua nhiều đất sản xuất, trồng các loại cây phù hợp mới đem lại kinh tế ổn định, lâu dài…, anh bàn với vợ dùng số vốn dành dụm được mua đất để sản xuất. Năm 1999, hai vợ chồng anh bán mảnh đất đang ở và nghỉ buôn bán để mua gần 3 ha đất hoang rồi cải tạo để trồng 1.700 cây cà phê, 5 sào lúa nước, đào 2 ao nuôi cá; ngoài ra còn chăn nuôi bò, heo, gà, trồng rau và mượn thêm đất để trồng ngô. Từ đó gia đình anh đã thoát nghèo, cuộc sống ổn định với thu nhập hơn 50 triệu đồng/năm.

Anh Trần Văn Kim bên vườn cao su  7 năm tuổi.
Anh Trần Văn Kim bên vườn cao su 7 năm tuổi.

Chưa dừng lại ở đó, năm 2007 anh Kim đi tham quan mô hình trồng cao su ở các tỉnh phía Nam và học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc. Sau khi đã có được những kiến thức cơ bản, anh quay về tìm mua và khảo sát chất đất. Năm 2008, lại một lần nữa anh bán đi cơ ngơi nhà cửa, ruộng vườn đã gây dựng gần 10 năm và bỏ ra hơn 200 triệu đồng mua hơn 5 ha đất ở buôn Khóa, xã Cư Pui (huyện Krông Bông). Sau đó vợ chồng anh lại miệt mài cải tạo và mạnh dạn trồng 1.600 cây cao su. Năm 2011, anh tiếp tục đầu tư trồng 2.200 cây cà phê, đồng thời trồng xen trong vườn cao su các loại cây ngắn ngày như: sắn, đậu, ngô… Do nguồn nước suối không đủ tưới vào mùa khô nên anh đã đầu tư hơn 20 triệu đồng để đào 2 hồ chứa nước rộng hơn 1.000m2 để cung cấp đủ nước tưới cho khu vườn ngay cả những mùa khô hạn. Giờ đây đến thăm trang trại của vợ chồng anh Kim, các loại cây đã bắt đầu cho thu hoạch. Anh cho biết: “Mỗi vụ sắn, gia đình tôi thu khoảng 80 tấn củ tươi trị giá hơn 100 triệu đồng. Vụ cà phê vừa qua mới thu bói nhưng cũng được hơn 30 triệu đồng. Đặc biệt, vườn cao su cạo mủ lần đầu nhưng đã thu được gần 10 triệu đồng. Sắp tới, gia đình tiếp tục đầu tư trồng hơn 200 trụ tiêu; trồng cỏ voi xung quanh vườn để chăn nuôi khoảng 10 con bò…”.  

Không chỉ tập trung phát triển kinh tế gia đình, anh Kim còn vận động và hướng dẫn một số hộ dân xung quanh đầu tư trồng cao su và cà phê, lập trang trại để phát triển kinh tế. Hiện nay cùng với gia đình anh Kim, những hộ xung quanh cũng đã trồng được hơn 5 ha cao su và hàng chục héc-ta cà phê đang phát triển tốt. Một số hộ khác cũng đang được anh tư vấn, hướng dẫn để đầu tư trồng cao su, cà phê và một số cây trồng khác nhằm biến vùng đất nhiều cây le, cỏ tranh nơi đây thành những trang trại trồng cây công nghiệp kết hợp chăn nuôi đem lại nguồn thu nhập ổn định, giúp họ thoát nghèo vươn lên làm giàu.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.