08:11, 20/04/2014
Khi nhiều người trồng mía trên địa bàn xã Ea Sô, huyện Ea Kar đang khóc dở mếu dở vì mía khô trên đồng hoặc có tiêu thụ được cũng chịu thiệt đơn thiệt kép thì ông Nguyễn Đức Hòa, thôn 2, xã Ea Sô lại khấp khởi vì vườn vải của gia đình năm nay hứa hẹn bội thu.
Nhìn những cây vải chi chít trái, chỉ khoảng một tháng nữa là thu hái, ông Hòa nhẩm tính: với hơn 300 cây vải, sản lượng cũng phải được 17-18 tấn. Tính giá trung bình 30 nghìn đồng/kg, trừ chi phí ông cũng bỏ túi ngót ngét khoảng 400 triệu đồng. Nói thì có vẻ “ngon ăn” vậy nhưng theo như ông Hòa tâm sự thì để “kết duyên” được với cây vải cũng không phải đơn giản. Năm 2003 khi ông mang cây vải từ Hải Dương vào mảnh đất Ea Sô này để trồng thử nghiệm, không ít người bảo ông “không bình thường” vì trước đó chưa có tiền lệ, chưa có ai trồng. Thêm nữa là đã có một vài nơi các nhà khoa học đã thử nghiệm song chưa thành công khi cây vải vẫn tốt, xanh um lá nhưng không ra hoa, đậu quả. Ấy vậy nhưng do cái tính ông “khoái” mày mò, nghiên cứu, ông bảo: “Chưa có ai trồng, chưa có ai làm được, mình làm được mới giá trị”. Ông bắt tay vào trồng, chăm sóc lúc đầu chỉ với 11 cây vải; đến năm 2004 ông tiếp tục trồng thêm 100 cây nữa. Với số vải này, để cho vải ra hoa, kết quả ông tự mình suy nghĩ và áp dụng thử nghiệm 4 cách làm trong thời kỳ vải đã phát triển để đơm hoa, đậu quả: cách 1, làm theo đúng quy trình trồng vải ở ngoài Bắc; cách 2, tưới dưới gốc; cách 3, tưới vào phần cành ra quả và cách 4 là tưới phun qua lá. Năm 2007, ông thu hoạch vụ vải đầu tiên với sản lượng 4 tấn. Cũng từ đây, ông đã xác định được bí quyết trồng, chăm sóc vải ở vùng đất mới này, ấy chính là kiểm tra độ xanh, độ giòn của lá rồi tiến hành khoanh vỏ các cành cây, tạo ức chế về dưỡng chất “ép” cho vải bung hoa, ra quả. Sau khi thử nghiệm 4 loại vải, cuối cùng ông đã xác định được hai loại có thể trụ được với đất vườn Ea Sô, đó là giống u hồng và tàu lai. Ông cũng đúc rút kinh nghiệm: u hồng thì tưới gốc, tài lai thì tưới lá. Tuy nhiên, điều ngạc nhiên khi đến thăm khu vườn 6 ha của ông, nhiều người không khỏi thắc mắc, tại sao ông lại trồng đủ loại cây khác như nhãn, cam, quýt… trong khi ông biết cách trồng vải thành công như vậy. Ông Hòa cười: “Trồng độc canh có mà nguy to nếu xảy ra rủi ro, cũng phải tính đường mà lui bằng cách trồng đa cây chứ!”.
|
Ông Hòa (người đội mũ) say sưa khi nói chuyện về cây vải. |
Thành công trên vườn vải của mình, ông Hòa cũng trở thành nhà tư vấn của bà con trong vùng, với số hộ trồng vải trên địa bàn xã Ea Sô hiện đã vào khoảng 70-80 hộ. Bên cạnh đó nhiều nông dân ở các tỉnh lân cận như Gia Lai, Dak Nông cũng tìm đến với ông để học hỏi kinh nghiệm. Cây vải khi đã “bén duyên” được với mảnh đất cao nguyên này sẽ có nhiều lợi thế, trong đó lợi thế nhất là về thời vụ. Do được thu hoạch trước mùa vải ngoài Bắc khoảng một tháng nên vải ở Tây Nguyên tiêu thụ khá thuận lợi, giá cả cũng khá tốt. Nắm được điểm ưu việt này, ông Hòa đang có dự định sẽ đứng ra thành lập một câu lạc bộ cây ăn trái lấy tên là Hòa Thuận. Bước đầu câu lạc bộ sẽ mời gọi những hộ gia đình trồng vải có số lượng khoảng 200 cây trở lên. Ngày ra mắt câu lạc bộ, ông sẽ mời các nhà khoa học, nông dân, tư thương bạn hàng các chợ đầu mối như Nha Trang, Sài Gòn.
Theo tính toán của lão nông này, câu lạc bộ sẽ là bước khởi đầu, thai nghén cho một hợp tác xã về vải nói riêng và về cây ăn trái nói chung. Những dự định đầy sáng tạo, táo bạo ấy của ông Hòa bắt nguồn từ suy nghĩ phải tạo ra một vùng nguyên liệu ổn định mới thay đổi được cách làm ăn manh mún. Thêm nữa, một mình làm dù kinh nghiệm có nhiều nhưng cũng không thể tự làm mọi thứ, có học hỏi, trao đổi và được tư vấn vẫn hơn.
Nghe chuyện của ông Hòa mới thấy làm nông nghiệp bây giờ không chỉ có cần cù, chăm chỉ, bỏ công, bỏ sức lao động, mà sự nhanh nhạy, sáng tạo, mạnh dạn tìm “lối đi” cho mình đã trở thành những yếu tố quan trọng để làm nên thành công. Chúng tôi càng thấm thía thông điệp ấy từ bộn bề lo toan, vất vả, từ những “thắng thua” trong từng mùa vụ của nông dân.
Đàm Thuần
Ý kiến bạn đọc