Multimedia Đọc Báo in

Rừng trồng và bài toán hiệu quả kinh tế

08:26, 08/04/2014

Là tỉnh có tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế lâm nghiệp và nghề rừng, nhưng những năm gần đây, phần lớn người dân không còn mặn mà với phong trào trồng rừng kinh tế, còn hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty lâm nghiệp thì luôn trong tình trạng “giật gấu vá vai”, bởi hiệu quả kinh tế từ rừng mang lại không như kỳ vọng…

Nguồn thu từ vườn ươm giống cây lâm nghiệp giúp Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar “lấy ngắn nuôi dài”.
Nguồn thu từ vườn ươm giống cây lâm nghiệp giúp Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar “lấy ngắn nuôi dài”.

Bí cả vốn đầu tư lẫn đầu ra cho sản phẩm

M’Drak là một trong những địa phương có quỹ đất rừng khá lớn và nguồn lao động tại chỗ dồi dào. Sau hơn 10 năm đẩy mạnh phong trào trồng rừng, toàn huyện đã trồng được hơn 9.000ha rừng tập trung các loại: bạch đàn cao sản, muồng đen, keo lai..., góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc và giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân địa phương. Tuy nhiên, những năm gần đây, kinh tế rừng trở nên bấp bênh khi thị trường thì thiếu ổn định, khó khăn về đầu ra, còn chi phí đầu tư lại tăng lên. Thêm vào đó, hầu hết lượng gỗ khai thác từ rừng trồng chủ yếu xuất bán ngoài tỉnh, gánh thêm phần chi phí vận chuyển nên thu nhập của chủ rừng cũng giảm đi. Không chỉ gặp khó khăn về thị trường, người trồng rừng còn bế tắc về vốn đầu tư. Ngay như Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp M’Dak được đánh giá là một trong những đơn vị “ăn nên làm ra” sau chuyển đổi, thực hiện khá tốt việc trồng rừng hằng năm với tổng diện tích đến nay trên 3.000 ha, chiếm khoảng 40% tổng diện tích rừng trồng toàn huyện, nhưng cũng phải vừa loay hoay tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm vừa xoay xở tiền tái đầu tư trồng mới sau khai thác. Bình quân mỗi héc-ta rừng trồng loại tốt, khai thác được 60-80 ster đôi, sẽ thu được từ 24 đến 32 triệu đồng. Nếu là rừng xấu, sản lượng gỗ chỉ đạt 40 ster đôi, thì chỉ thu được 16 triệu đồng/ha. Với chu kỳ 5-7 năm, sau khi trừ chi phí 22-25 triệu đồng/ha, hiệu quả kinh tế của rừng trồng mang lại thấp hơn nhiều so với các loại cây trồng khác. Hiệu quả kinh tế thấp, bấp bênh về đầu ra, chi phí đầu vào tăng cao trong khi tiềm lực tài chính của các công ty lâm nghiệp hiện nay đều gặp khó khăn, lại không được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi nên đành phải “dè dặt” trong việc ghi chỉ tiêu trồng mới rừng hằng năm. Cũng vì hiệu quả kinh tế thấp mà người dân không còn mặn mà với trồng rừng liên kết. Như ở Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông, giai đoạn từ 2002-2007, Công ty đã thu hút khoảng 900 hộ trên địa bàn 5 xã tham gia trồng rừng, với tổng diện tích trên 1.100 ha, trong đó gần 600 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, nhưng từ  năm 2009 đến nay không còn hộ dân tham gia liên kết trồng rừng.

Rừng trồng liên kết giữa người dân xã Cư Yang (Ea Kar) với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar.
Rừng trồng liên kết giữa người dân xã Cư Yang (Ea Kar) với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar.

Để thu hút cộng đồng, doanh nghiệp trồng rừng

Thực hiện chủ trương liên kết trồng rừng, đến nay Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar đã liên kết với khoảng 200 hộ dân ở 2 xã Cư Yang và Cư Prông trồng được 1.000 ha rừng tập trung, nhưng do khó khăn về vốn nên việc đầu tư cho phát triển rừng cũng trở nên hạn hẹp. Thay vì đầu tư cho một chu kỳ nếu đạt chuẩn phải khoảng 18 - 20 triệu đồng/ha, nhưng do thiếu vốn nên đơn vị chỉ đầu tư trong vòng 8-9 triệu đồng/ha. Vì vậy, rừng đến kỳ khai thác, trữ lượng gỗ không đạt, hiệu quả mang lại thấp, bình quân chỉ thu được 15 triệu đồng/ha. Những năm gần đây, giá bán gỗ rừng trồng cũng không ổn định, nên đơn vị cũng luôn trong tình trạng “giật gấu vá vai”. Khó khăn được tháo gỡ phần nào khi từ năm 2012, đơn vị được nguồn hỗ trợ trồng rừng từ Dự án Flitch, với suất đầu tư 400 USD/ha/chu kỳ; năm 2013 được hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng 1,3 tỷ đồng nên cũng có nguồn để đầu tư cho trồng và quản lý bảo vệ rừng. Tuy nhiên, để “cầm cự” được trong những năm qua, đơn vị đã nhờ vào nguồn thu từ vườn ươm giống cây lâm nghiệp (rộng 2,5 ha), không chỉ giúp đơn vị chủ động giống cây trồng rừng cho mình mà còn cung ứng cho thị trường trong tỉnh. Bên cạnh đó, mô hình nuôi bò liên kết với trong dân cũng mang lại hiệu quả, giúp đơn vị có thêm nguồn thu nhập, lấy ngắn nuôi dài. Ông Nguyễn Hồng Mạnh, Giám đốc Công ty chia sẻ, trong những năm qua, việc trồng rừng liên kết của công ty không mang lại hiệu quả kinh tế như kỳ vọng. Một chu kỳ đầu tư từ 5-7 năm, sau khi thu hoạch, trừ chi phí, lợi nhuận thu được không đáng kể, nhiều khi còn lỗ. Cái lợi lớn nhất của trồng rừng là giúp chống biến đổi khí hậu, phủ xanh đất trống, đồi trọc, cải tạo môi trường. Nếu chỉ tính đến hiệu quả kinh tế và không có sự hậu thuẫn từ các chương trình, dự án thì khó có doanh nghiệp nào dám đầu tư cho trồng rừng. Do vậy, để thu hút doanh nghiệp và người dân tham gia trồng rừng, tỉnh cần có chính sách đất đai hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tế địa phương; có cơ chế ưu đãi về tín dụng hỗ trợ  doanh nghiệp trồng rừng. Toàn tỉnh hiện đã trồng được hơn 84.000ha rừng, nếu không tính đến việc đầu tư phát triển nhà máy chế biến lâm sản thì rừng trồng lại tiếp tục rơi vào tình trạng giá cả phập phòng, doanh nghiệp lại “đau đầu” với bài toán lỗ - lãi. Chính vì vậy, ngành lâm nghiệp nên có quy hoạch, định hướng, khuyến khích phát triển mạng lưới chế biến lâm sản gắn với vùng nguyên liệu, có như vậy mới tạo sự ổn định về thị trường, bảo đảm đầu ra cho các đơn vị trồng rừng.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.