Tiêu thụ sản phẩm gia cầm sạch: Nhìn từ xã Hòa Phú
Mặc dù nằm trong vùng an toàn với dịch cúm nhưng nhiều hộ chăn nuôi ở xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột) vẫn rơi vào cảnh lao đao vì đàn gia cầm đã đến kỳ xuất chuồng nhưng không tiêu thụ được.
Bế tắc đầu ra!
Trong khi dịch cúm xuất hiện ở một số nơi thì tại các trang trại chăn nuôi và các chợ dân sinh, giá sản phẩm gia cầm sụt giảm mạnh. Người tiêu dùng hạn chế sử dụng, tiểu thương trở nên ế hàng và người chăn nuôi thì chịu sức ép từ các thương lái.
Thời điểm này năm ngoái, những người chăn nuôi giống gà chọi Phú Yên như lão nông Nguyễn Văn Thành (thôn 5, Hòa Phú) tỏ ra rất hào hứng khi thương lái đến tận nhà tìm mua trứng (để ấp), với giá trung bình 58.000-60.000 đồng/ chục. Trứng gà đẻ ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, thậm chí có nhiều người còn đặt cọc trước để… “giành” trứng. Tuy nhiên, lúc này, giá trứng gà bán ra tại chuồng đang giảm mạnh, chỉ còn 48.000-50.000 đồng/ chục. Đã vậy, đầu ra của mặt hàng này thời gian gần đây cũng gặp không ít khó khăn, thông tin dịch cúm bùng phát khiến sức mua giảm, sản phẩm bị thương lái ép giá, thậm chí, chờ mãi vẫn không có người đến mua. Theo tính toán của ông Thành, đàn gà gần 1000 con của ông trung bình mỗi ngày cho ra trên 200 quả trứng, do giá rớt thê thảm như hiện nay, một tháng ông thất thu gần 2 triệu đồng so với trước. Ông Thành thở than: “Đó là chưa kể thương lái còn kén chọn, lấy lý do phân loại trứng to, trứng nhỏ để hạ giá xuống sâu hơn chứ không mua đều như trước kia. Chi phí thức ăn, tiêm phòng bệnh cho đàn gà tăng cao, chăn nuôi đã khó khăn bây giờ còn bị “tắc” đầu ra, thiệt khổ trăm đường!”.
Nằm trong vùng an toàn với dịch nhưng đàn gà của anh Hiếu vẫn khó bắn vì thông tin dịch cúm. |
Cùng cảnh ngộ, đàn gà của anh Phạm Trọng Hiếu (thôn 9) có trên 2.000 con đã đến kỳ xuất chuồng, nhưng vẫn nằm chờ thương lái đến mua. Anh buồn bã cho hay, mấy hôm rồi anh gọi điện cho 5,7 thương lái báo giá, nhưng người ta chưa xem gà đã đòi hạ giá rồi. Gà xuất đi không được, để lại cũng không xong, bởi mỗi ngày, riêng chi phí thức ăn cho gà đã tốn gần cả triệu đồng nên để thêm ngày nào là lỗ ngày đó.
Đừng quay lưng với sản phẩm gia cầm sạch
Xã Hòa Phú hiện có 31.470 con gà và gần 5.000 con vịt, được nuôi tập trung ở 13 trang trại và hộ gia đình ở thôn 5 và thôn 9. Theo chị Nguyễn Thị Thanh Thủy - cán bộ thú y xã, nhờ làm tốt công tác phòng bệnh như tổ chức rà soát lại toàn bộ đàn gà, vịt nuôi trên địa bàn, yêu cầu các hộ tiêm phòng đầy đủ vắc-xin, nếu phát hiện hộ nào chưa tiêm, địa phương yêu cầu ký cam kết thực hiện tiêm phòng… nên xã đã kiểm soát được dịch bệnh, đàn gia cầm được bảo vệ tốt, dịch cúm đã không xảy ra. Đến nay, số lượng đàn gia cầm của xã vẫn giữ ổn định, tuy nhiên do gần đây, giá gà, trứng liên tục giảm, đầu ra không thuận lợi nên người chăn nuôi gặp không ít khó khăn.
Lo lắng vì đàn gà nghìn con vẫn chưa tìm được đầu ra, anh Hiếu cho hay: “Năm ngoái tôi nuôi gà lương phượng, thấy được giá nên năm nay tiếp tục đầu tư sang nuôi gà thả vườn với quy mô chuồng trại lớn hơn. Ai ngờ, dịch cúm xảy ra, giá rớt thê thảm, gà đẹp trong chuồng cũng chỉ được thương lái ra giá chưa đến 60.000 đồng/kg - giảm 10.000đồng/kg so với trước khi có dịch. Đã vậy, dù gà của tôi không bị nhiễm dịch vẫn không bán được, người ta lấy lý do đang có dịch cúm xảy ra để ép giá”. Tuy nằm trong vùng an toàn với dịch cúm, nhưng nhiều trang trại gà ở xã Hòa Phú đang có nguy cơ thất thu nặng. Theo tính toán của anh Hiếu, trung bình một con gà từ khi mua về đến lúc xuất chuồng (hơn 3 tháng), tổng cộng chi phí cho thức ăn, tiêm ngừa, tiền giống hết 76.000 đồng. Với giá như hiện nay, cứ 1000 con gà xuất chuồng, anh bị lỗ 11 triệu đồng.
Được biết, trong thời gian qua các ngành chức năng của tỉnh cũng đã kịp thời triển khai các biện pháp để phòng chống dịch, tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các cơ sở sản xuất giống và các trang trại chăn nuôi gia cầm quy mô lớn; khuyến cáo và hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn dịch bệnh; đồng thời đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, lưu thông buôn bán, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm trên địa bàn tỉnh. Theo Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh, dịch cúm gia cầm đã tác động tiêu cực đến sức tiêu thụ mặt hàng này của địa phương. Chi cục đang tiến hành đợt tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình hình vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh. Theo đó, tập trung kiểm tra và kiên quyết không để xảy ra tình trạng gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch hoặc nhiễm dịch “tuồn” từ tỉnh ngoài vào. Đặc biệt, siết chặt kiểm tra việc buôn bán gia cầm tại các chợ, nhà hàng, quán ăn. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân không vận chuyển, kinh doanh gia cầm và phụ phẩm không rõ nguồn gốc; khuyến cáo người tiêu dùng yên tâm sử dụng những sản phẩm an toàn, có nguồn gốc rõ ràng và đã qua kiểm dịch của cơ quan chức năng.
Thịt, trứng gia cầm là một trong những thực phẩm không thể thiếu trong các bữa ăn hằng ngày. Khi đã có chứng nhận gia cầm sạch, người tiêu dùng nên mạnh dạn sử dụng, không nên “né” các sản phẩm gia cầm sạch, bởi điều đó vô tình đẩy người chăn nuôi vào thế khó, có thể hạn chế hoặc ngừng chăn nuôi, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nguồn cung sau dịch, từ đó, đẩy giá lên cao, và người tiêu dùng lại tiếp tục bị thiệt hại. Về phía tư thương thiết nghĩ rất cần sự chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi vào lúc này, không vì lợi nhuận mà cố tình ép giá xuống thấp, gây thiệt hại cho người chăn nuôi.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc