Multimedia Đọc Báo in

Triển vọng từ dự án trồng bông công nghiệp có tưới tại Ea Súp

08:36, 08/04/2014
Cuối năm 2012, Công ty TNHH Sản xuất- kinh doanh nguyên liệu dệt may Việt Nam (thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam) đã triển khai trồng bông công nghiệp ở huyện Ea Súp.
 
Dự án trồng bông tập trung có tưới được công ty triển khai trên diện tích 192,5 ha tại tiểu khu 206 thuộc xã Ya T’mốt (huyện Ea Súp) – vốn là diện tích rừng nghèo kiệt nằm trong vùng tưới thuộc Công trình thủy lợi Ea Súp Thượng đã được quy hoạch chuyển đổi sang đất sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là mô hình mẫu sản xuất bông công nghiệp tập trung có tưới đầu tiên tại Tây Nguyên.
 
Công ty TNHH Sản xuất - kinh doanh dệt may Việt Nam đã đầu tư hơn 40 tỷ đồng để khai hoang đất, lắp đặt hệ thống điện 320KVA, đào hồ chứa nước có khối lượng 10.000m 3 nước, xây dựng trạm bơm nước, lắp đặt đường ống tưới nhỏ giọt, làm đường giao thông nội vùng, kênh mương thoát nước, nhà làm việc cũng như  một số công trình xây dựng quy mô trên vùng Dự án. Vụ đông xuân 2014, Công ty đã xuống giống hơn 100 ha cây bông vải. Do được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật bằng công nghệ cao nên toàn bộ diện tích phát triển tốt, cây bông tỏ ra thích hợp với điều kiện đất đai, khí hậu ở Ea Súp. Đến thời điểm này, cây bông nụ hoa rộ, dự kiến năng suất đạt 3 tấn/ha, cao hơn chính vụ vào mùa mưa 1,5 tấn/ha. Dự kiến đến trung tuần tháng 4, công ty sẽ tiến hành thu hoạch đại trà vụ bông.
 
 Tiến sĩ Phạm  Thu Giang, Phó  Vụ trưởng Vụ KHCN Bộ Công thương - kiểm tra mô hình trồng bông công nghiệp có tưới  tại  huyện  Ea Súp.
Tiến sĩ Phạm Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN Bộ Công Thương - kiểm tra mô hình trồng bông công nghiệp có tưới tại huyện Ea Súp.

Tại cuộc kiểm tra đánh giá thực tế trên vùng dự án mới đây, đoàn công tác của Tiến sĩ Phạm Thu Giang, Vụ phó Vụ Khoa học công nghệ (Bộ Công thương) và lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tập đoàn Doanh nghiệp kéo sợi, Viện Nghiên cứu phát triển cây bông, Tổng Công ty Bông Việt Nam đã đánh giá cao kết quả đạt được từ mô hình này. Mô hình trang trại cơ giới hóa đã tạo ra lợi thế giảm chi phí lao động, nâng cao năng suất, hạ giá thành sản xuất, tăng thu nhập, tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, tạo sức cạnh tranh cho hàng xuất khẩu. Đây cũng là điều kiện, cơ bản để khôi phục lại vùng sản xuất bông tại tỉnh Dak Lak nói chung, đặc huyện Ea Súp nói riêng. Công ty TNHH Sản xuất - kinh doanh nguyên liệu dệt may Việt Nam hướng tới chuyển giao khoa học kỹ thuật và dịch vụ sản xuất bông trên địa bàn huyện.

Cùng với dự án trồng công nghiệp có tưới tại xã Ya T’mốt, công ty cũng đã liên kết đầu tư trồng bông với diện tích 200 ha tại Làng Thanh niên lập nghiệp xã Ya Lốp (huyện Ea Súp). Dự án này có lợi thế là tận dụng được nguồn nước tưới từ sông Ya Lốp và lực lượng lao động trẻ tại Làng Thanh niên lập nghiệp.

Trong những năm gần đây, do cây bông phụ thuộc vào thời tiết, năng suất bấp bênh, giá thị trường bông hạt không ổn định đã làm cây bông mất dần khả năng cạnh tranh với loại cây công nghiệp và cây lương thực ngắn ngày khác. Do vậy, diện tích bông ở huyện Ea Súp ngày càng giảm dần, nông dân ít quan tâm chú trọng đến việc mở rộng trồng bông mà chuyển đổi sang các loại cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Vì thế, hai dự án trồng bông công nghiệp có tưới do Công ty TNHH sản xuất - Kinh doanh nguyên liệu dệt may Việt Nam thực hiện ở  huyện Ea Súp mở ra triển vọng khôi phục cây bông vải trên vùng đất này. Mô hình sản xuất bông tập trung theo lối công nghiệp hóa, áp dụng công nghệ cao, tăng năng suất, sản lượng cây bông sẽ góp phần tạo việc làm cho người lao động, tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống của nhân dân trên địa bàn huyện, đặc biệt là các xã Ya T’mốt, Ia R’vê, Ya Lốp; góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới ở huyện Ea Súp.

Đình Yên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.