Multimedia Đọc Báo in

Xanh lên từ sỏi đá

15:47, 28/04/2014

Những ai có dịp về với thôn Hiệp Thành, xã Quảng hiệp (Cư M’gar), nếu tinh ý sẽ không khỏi bất ngờ trước những bờ tường rào toàn… đá vây quanh những vườn rẫy xanh mướt mắt. Và sẽ càng bất ngờ hơn nếu biết rằng những tường rào ấy được dựng lên bởi chính bàn tay của người nông dân ngày ngày bới đá để cải tạo vùng đất đá sỏi này.

Sức người...

Theo những người cao niên sống ở Quảng Hiệp kể lại thì vùng đất thuộc thôn Hiệp Thành ngày nay vốn là rừng le cằn cỗi. Bên dưới cây le chỉ toàn đá và… đá. Mười mấy năm trước, khi nhắc đến khu vực này ai ai cũng lắc đầu ngán ngẩm cho rằng đây là “vùng đất chết”. Nhưng rồi, cũng có những người vì điều kiện khó khăn, không có đất sản xuất nên đành phải tìm đến nơi đây khai hoang lập nghiệp. Ông Phùng Văn Sính (SN 1959) quê ở Cao Bằng là một trong những trường hợp như vậy. Ông kể, gia đình ông trước vốn di cư vào sinh sống ở Bình Long (Bình Phước). Cuộc sống gắn với rẫy nương ở đấy cũng chỉ đắp đổi được qua ngày. Năm 1999, sau một trận lũ lớn, nước đã cuốn đi sạch những gì gia đình đã tạo dựng được. Trong một phút bốc đồng, ông quyết định một mình đi tìm vùng đất mới. Lang thang lên Dak Lak, vào Cư M’gar, rồi ông mua được 8 sào đất rừng của một người Mông bán lại ở thôn Hiệp Thành bây giờ…

Nhắc lại những ngày đầu mới đặt chân đến đây, ông Sính vẫn chưa hết bàng hoàng: “Nhát cuốc đầu tiên tôi bổ xuống đây là đụng phải đá, vồng lên tê buốt cả tay. Ngay khi ấy tôi đã có ý định bỏ cuộc. Nhưng rồi sau nhiều đêm trăn trở suy tư, tôi thấu hiểu được rằng: “Chỉ có người phụ đất chứ đất không phụ người, chỉ có bỏ công sức ra lao động mới mong làm chủ được cuộc sống của mình…”. Thế là ông Sính thay cuốc bằng xà beng, hằng ngày lọ mọ nạy, đào, xeo, đập, khuân… từng viên đá để lấy đất trồng hoa màu trước ánh mắt ái ngại của nhiều người. Đào được đá lên rồi, nhưng nhiều quá không biết để đâu, ông Sính nảy ra sáng kiến xếp đá lại thành hàng rào bao quanh rẫy. Cứ thế, ròng rã suốt 3 năm trời, ông Sính không thể nhớ hết mình đã thay bao nhiêu cây xà beng do bị mòn, gãy trong khi đào đá, cũng không thể đếm hết bao nhiều lần tay chân ông tứa máu do bị đá chèn… Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, dọn sạch đá đến đâu, ông Sính trồng hoa màu đến đó. Khi đã có “cái ăn”, ông Sính bắt đầu thay thế dần cây ngắn ngày bằng cây tiêu. Gần 3 năm sau, khi cảm thấy có thể “sống” được ở mảnh đất này, ông Sính về Bình Long đón vợ con lên đoàn tụ.

Nằm cách rẫy của ông Sính không xa, gia đình anh Đàm Đình Luận (SN 1978) cũng đã ổn định cuộc sống sau gần 15 năm đánh vật với “vùng đất chết” này. Anh Luận quê cũng ở Cao Bằng, vào Dak Lak lập nghiệp từ năm 1989. Sau gần 10 năm làm thuê cuốc mướn khắp các địa phương, anh Luận tích cóp được ít vốn để mua được 9 sào đất ở thôn Quảng Thành này. Vẫn biết đây là vùng đất cằn cỗi, đầy sỏi đá, nhưng với anh Luận thì “có đất và có chí là không sợ đói”. Cũng như ông Sính, sau khi mua được đất, anh Luận ngày đêm cần mẫn đào đất, khuân đá, dọn vườn để tỉa hạt, gieo mầm cho tương lai của gia đình. Cũng với phương châm vừa làm vừa học, lấy ngắn nuôi dài, tích cóp mua thêm đất đai sản xuất, đến nay gia đình anh đã có gần 3 ha đất vườn, rẫy và cả ruộng lúa…

Ông Phùng Văn Sính (bìa trái) đã “khuất phục” vùng đất đá sỏi ở Hiệp Thành trở tành một vườn tiêu xanh tốt.
Ông Phùng Văn Sính (bìa trái) đã “khuất phục” vùng đất đá sỏi ở Hiệp Thành trở thành một vườn tiêu xanh tốt.

Nằm sát bên cạnh Hiệp Thành là thôn Hiệp Đoàn, có gia đình anh Lê Đăng Chiền, cũng là một trong những điển hình về việc cải tạo đất đá, vượt khó làm giàu. Anh Chiền rời quê hương Hưng Yên vào Tây Nguyên lập nghiệp từ năm 2000 với hai bàn tay trắng. Để có cái ăn, ban đầu vợ chồng anh phải đi làm thuê ở khắp nơi. Tằn tiện, tiết kiệm trong chi tiêu, rồi anh cũng mua được một ít đất đầy… đá ở Hiệp Đoàn. Vợ chồng bỏ công sức ra bới đá tìm đất trồng các loại hoa màu với mục đích lấy ngắn nuôi dài. Sau một thời gian tích lũy, mỗi năm gia đình anh mua thêm một ít đất và đến nay, tổng diện tích canh tác các loại cây trồng của gia đình anh lên đến trên 5 ha… Anh Chiền cho biết: Để có được vườn cây xanh tốt như hiện nay, vợ chồng anh đã bỏ công sức lao động không kể mưa nắng, ngày đêm đào bới, xếp đá thành tường rào… Theo ước tính thì bờ rào bằng đá này có chiều dài khoảng trên 300m, chiều rộng 1,5m và chiều cao có chỗ đến 2m. Nếu nhân lên thì cũng phải đến gần cả ngàn mét khối đá!

Đất không phụ người!

Tận mắt chứng kiến những vườn tiêu xanh mơn mởn, những rẫy cà phê bạt ngàn xanh mướt mắt ở Quang Hiệp hôm nay, mới nghiệm ra đúc kết của ông Phùng Văn Sính là “chân lý”: “Chỉ có người phụ đất chứ đất không phụ người…”. Thành quả sau bao nhiêu năm lao động miệt mài của gia đình ông Sính là 8 sào tiêu tốt tươi vươn mình lên từ đá sỏi, mỗi năm cho thu hoạch hơn 4 tấn (giá thời điểm hiện tại khoảng 500 triệu đồng). Cũng từ vườn tiêu này, ông Sính đã mua được 2 ha đất chia cho hai người con trai. Giờ đây, những người con của ông Sính lại tiếp tục kế thừa những thành quả lao động của bố mẹ, ngày đêm cần mẫn đào đá lấy đất để gieo hạt, trồng cây…

Còn với gia đình anh Chiền, sau nhiều năm vật lộn với đá sỏi, đến nay đã có một cơ ngơi “đồ sộ” khiến không ít người mơ ước… Đó là vườn cà phê diện tích 1,5 ha xanh tốt đang trong giai đoạn kinh doanh sung sức. Bên cạnh là 3 ha đất trồng điều xen ca cao và 0,5 ha hồ tiêu đang cho thu hoạch. Ngoài ra gia đình anh còn 400 m2 diện tích ao nuôi cá, thu nhập thừa để chi tiêu cho sinh hoạt trong gia đình hằng ngày. Với cơ ngơi hiện có, mỗi năm gia đình anh Chiền đã giải quyết việc làm cho 3-5 người nghèo trong thôn với mức thu nhập không dưới 3 triệu đồng/tháng. Không chỉ biết vượt khó làm giàu, anh Chiền còn là một trong những hội viên nông dân tích cực trong việc hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ kiến thức khoa học kỹ thuật cũng như cây giống cho bà con trong thôn sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều năm liền gia đình anh Chiền đạt danh hiệu gia đình nông dân văn hóa tiêu biểu của xã Quảng Hiệp…

Cũng như ông Sính, anh Chiền, giờ đây, gia đình anh Đàm Đình Luận đang “thu quả ngọt” sau nhiều năm ròng rã “đổ mồ hôi sôi nước mắt” trên vùng đá sỏi Hiệp Thành này. Chỉ với 3 ha vườn rẫy tổng hợp của mình, mỗi năm gia đình anh thu hoạch được gần 2 tấn tiêu, 3 tấn lúa và trên 10 tấn bắp. Anh Luận tâm sự: “Lúc đầu khi đặt chân đến đây mình cũng chỉ cố gắng làm để đủ ăn, đủ mặc chứ không hề nghĩ đến chuyện làm giàu. Giờ đây, khi thành quả lao động đã hiện hữu trước mắt, nhớ lại những ngày tháng cơ cực trước đây mới thấy giá trị của cuộc sống và ý nghĩa của hai từ “lao động”...

Việt Cường


Ý kiến bạn đọc