Multimedia Đọc Báo in

Điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Krông Pak

09:24, 19/05/2014
Sau hơn 3 năm xây dựng nông thôn mới, xã Hòa Đông (huyện Krông Pak) đã có bước phát triển vượt bậc, đạt thêm 8 tiêu chí, nâng số tiêu chí đạt chuẩn lên 15/19 tiêu chí, trở thành xã dẫn đầu toàn huyện về số tiêu chí đạt chuẩn.
 
Thực hiện phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, xã Hòa Đông (huyện Krông Pak) xác định đây là cơ hội để địa phương phát triển về mọi mặt, song cũng phải đối diện với không ít thách thức, đòi hỏi sự đóng góp, chung tay của người dân. Vì vậy Đảng ủy xã đã đề ra Nghị quyết chuyên đề với lộ trình thực hiện đạt từng tiêu chí cụ thể.

Khi mới bước vào xây dựng nông thôn mới, xã Hòa Đông gặp rất nhiều khó khăn như: địa bàn rộng, dân cư ở không tập trung; hệ thống cơ sở hạ tầng, trường học và giao thông tuy đã được đầu tư nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân; xã chưa có trường mầm non nên các cháu phải đi học nhờ tại nhà dân hay hội trường thôn, buôn, cá biệt có một số hộ phải gửi con, em về quê học tập. Đường giao thông nông thôn vào mùa mưa thì lầy lội, mùa khô lại gió bụi nên đi lại rất khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao với trên 12,8%...

Trường mầm non Hòa Đông được các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư xây dựng đạt chuẩn quốc gia.
Trường mầm non Hòa Đông được các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư xây dựng đạt chuẩn quốc gia.

Căn cứ vào 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và tình hình thực tế ở địa phương, Đảng ủy và chính quyền xã Hòa Đông đã xác định việc thực hiện các tiêu chuẩn của xã nông thôn mới không thể dàn trải mỗi tiêu chí một ít, mà cần cụ thể hóa những chỉ tiêu chưa đạt để tập trung toàn lực vận động, triển khai thực hiện, tập trung thực hiện các công trình phúc lợi phục vụ đời sống và sản xuất của nhân dân. Trong những năm đầu thực hiện xây dựng nông thôn mới, trong điều kiện kinh tế đất nước khó khăn, nguồn vốn đầu tư của ngân sách nhà nước hạn hẹp, xã Hòa Đông đã xác định triển khai xây dựng nông thôn mới ở những tiêu chí ít kinh phí, dễ thực hiện, tiêu chí nào chủ yếu do nhân dân thực hiện thì làm trước, tiêu chí nào cần nhiều kinh phí và khó thực hiện thì làm sau. Phải làm sao cho người dân "mắt thấy, tai nghe, tận tay sờ" để hiểu thế nào là "xây dựng nông thôn mới" thì mọi người mới làm theo, vì vậy những vấn đề mang tính cộng đồng sâu sắc đều được công khai lấy ý kiến người dân. Qua thực tế cho thấy đó là giải pháp đúng đắn mà xã đã chọn để thực hiện xây dựng nông thôn mới tại địa phương, phù hợp với tâm tư nguyện vọng và được nhân dân đồng tình ủng hộ.

 Để thực hiện theo đúng lộ trình xây dựng nông thôn mới, năm 2012, Đảng ủy, UBND xã Hòa Đông đã tổ chức lễ phát động thi đua xây dựng nông thôn mới, ký kết giao ước thi đua giữa các chi bộ, ban tự quản các thôn, buôn, xác định các tiêu chí phấn đấu đạt chuẩn theo lộ trình từng năm. Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của xã đã phân công cụ thể từng thành viên đảm nhận trách nhiệm đôn đốc, hướng dẫn từng tiêu chí cụ thể để kịp thời thực hiện, kiểm tra, đánh giá.

 Trong công tác huy động nhân dân đóng góp xây dựng nông thôn mới xã tuyệt đối không dùng biện pháp áp đặt mà đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động. Dùng cộng đồng vận động cộng đồng, dùng thanh niên vận động thanh niên, dùng phụ nữ vận động phụ nữ, phát huy tối đa giá trị của bản sắc văn hóa làng xã để kích thích cộng đồng tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới. Trong thi công các công trình thực hiện tiết kiệm tối đa nhưng phải bảo đảm được chất lượng; nếu có vấn đề gì khó khăn về kinh phí thì đưa ra dân để bàn bạc và quyết định.

Đối với tiêu chí giao thông, xã Hòa Đông là một trong những địa phương tiên phong trong xây dựng giao thông nông thôn của huyện Krông Pak. Hiện nay Hòa Đông đang là xã dẫn đầu trong 15 xã của huyện về huy động sức dân tham gia xây dựng giao thông nông thôn. Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", người dân đã tự nguyện đóng góp bằng nhiều hình thức như hiến đất làm đường, phá bỏ hàng rào, cổng ngõ, thậm chí có một số hộ tự nguyện phá bỏ một phần nhà ở kiên cố để mở rộng đường, quyên góp tiền để đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, các công trình phúc lợi khác… Bên cạnh đó người dân đã đóng góp hàng nghìn ngày công lao động và đất đai tại những nơi các công trình được xây dựng nên. Tính từ lúc bắt đầu triển khai xây dựng nông thôn mới đến nay, nhân dân xã Hòa Đông đã đóng góp hơn 104 tỷ đồng cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước và các doanh nghiệp đóng trên địa bàn xã thực hiện được 47,46km đường giao thông, 32,4km đường điện phục vụ sản xuất và điện chiếu sáng, xây dựng 24 phòng học các cấp và phòng chức năng, xây dựng mới 1 trường mầm non đạt Chuẩn quốc gia… 

Sau hơn 3 năm xây dựng nông thôn mới, xã Hòa Đông đã có bước phát triển vượt bậc, đạt thêm 8 tiêu chí, nâng số tiêu chí đạt chuẩn lên 15/19 tiêu chí, trở thành xã dẫn đầu toàn huyện về số tiêu chí đạt chuẩn, trong đó có một số tiêu chí quan trọng đã đạt như: thủy lợi, trường học, nhà ở dân cư, thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, y tế, hệ thống chính trị vững mạnh, an ninh trật tự xã hội được giữ vững… So với năm 2011, hiện nay thu nhập bình quân của người dân đã tăng lên gấp đôi, đạt 32 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 12,81% xuống còn 4,45%; trên 87% hộ gia đình trong xã đạt danh hiệu gia đình văn hóa… Từ những kết quả đạt được, xã Hòa Đông đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có nỗ lực cao trong việc thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.

 Ngô Thị Phụng 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.