Multimedia Đọc Báo in

Dự án cầu Vụ Bổn: Xóa nỗi ám ảnh một thời về cầu phao, cầu tạm

08:21, 07/05/2014
Sau nhiều năm triển khai xây dựng, Dự án cầu Vụ Bổn (huyện Krông Pak) sắp hoàn thành đưa vào sử dụng, xóa tan nỗi ám ảnh về cầu phao, cầu tạm và những vụ tai nạn thương tâm khi mùa mưa lũ đến của người dân địa phương.

Còn nhớ cách đây 2 năm, một người dân trên địa bàn xã Vụ Bổn (huyện Krông Pak) đã bị cuốn trôi khi đi qua cầu tạm, khiến người dân ở đây bức xúc hơn bao giờ hết đối với dự án xây dựng công trình này. Đó là chưa kể người đi đường, nhất là học sinh đi học bị té lên té xuống, trôi hết cặp sách xảy ra thường xuyên khi qua cầu tạm bắc qua sông do địa phương, người dân và các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn xã đóng góp xây dựng. Cầu được làm sơ sài bằng mấy tấm ván, thùng phi rộng chừng 1,5 mét, không bảo đảm an toàn cho người và phương tiện khi qua cầu. Trưởng thôn 15 Ngọ Văn Phúc – nơi có cây cầu tạm kể rằng, có nhiều trường hợp chuyển dạ, phải qua bên kia cầu đến trạm y tế hoặc Bệnh viện huyện để sinh, nhưng trong mùa nước nổi, cầu tạm không bảo đảm an toàn nên một số ca phải sinh con tại nhà ông và chính ông trở thành “bà đỡ” bất đắc dĩ. May mắn là trước đây khi ở trong quân ngũ hơn 10 năm, ông có nhiều kinh nghiệm về đỡ đẻ nên các ca đều mẹ tròn con vuông.

Dự án cầu Vụ Bổn được khởi công từ năm 2003, do Nông trường 718 (Tổng Công ty cà phê Việt Nam) làm chủ đầu tư, với kinh phí phê duyệt trên 9 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2006, Công ty này giải thể, Dự án bị bỏ ngỏ. Năm 2007, Tổng Công ty Cà phê Việt Nam giao lại công trình cho Nông trường Cà phê 719 thi công tiếp, nhưng nông trường này cũng thi công được vài mố cầu rồi bỏ đó vì thiếu vốn. Đến 2011, Dự án được giao cho Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư, tổng kinh phí khoảng 15 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh. Từ đó đến nay, hằng năm Dự án được ngân sách tỉnh bổ sung vốn để xây dựng các hạng mục và được chủ đầu tư triển khai đúng quy định. Cầu có chiều dài 165 mét, được làm bằng bê tông cốt thép dự ứng lực, mặt cầu rộng 7 mét, đường 2 đầu cầu dài 538 mét, được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi, vận tốc 40 km/giờ.

Mùa mưa năm nay, các em học sinh ở xã Vụ Bổn sẽ hết nỗi ám ảnh  về cầu tạm không bảo đảm an toàn.
Mùa mưa năm nay, các em học sinh ở xã Vụ Bổn sẽ hết nỗi ám ảnh về cầu tạm không bảo đảm an toàn.

Đến thời điểm này, công trình đang trên đường về đích, đã giải ngân gần 9 tỷ đồng, hiện nhà thầu đang tiến hành đổ tấm xi măng để lát mái ta-luy, san lấp mặt bằng chuẩn bị thi công đường 2 đầu cầu. Trước mắt, người đi bộ và phương tiện giao thông thô sơ như xe đạp, xe máy có thể lưu thông qua cầu. Em Trương Huy Đạt, học sinh lớp 8A1, Trường THCS Vụ Bổn hồ hởi: “Năm nay đi học sẽ không lo bị rơi cặp sách xuống sông, mùa mưa đến bố mẹ không phải đưa em đến trường như các năm trước nữa”. Cầu Vụ Bổn hoàn thành, sẽ phục việc đi lại, giao thương hàng hóa của người dân 3 xã trên địa bàn huyện Krông Pak là Krông Buk, Ea Kly, Vụ Bổn và xã Hòa Phong (huyện Krông Bông).

Ông Nguyễn Duy Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Vụ Bổn chia sẻ, dự án sắp hoàn thành sẽ là cầu nối giao thương cho người dân Vụ Bổn với các địa phương lân cận, góp phần phá thế cô lập giữa vùng cánh nam xã với khu vực trung tâm khi mùa mưa lũ đến, nỗi ám ảnh về cầu tạm, cầu phao sẽ không còn. Tuy nhiên, đến nay, công trình mới cho phép người đi bộ và phương tiện thô sơ qua cầu, xe tải chở hàng hóa, nông sản, phân bón phục vụ sản xuất của bà con chưa được qua, do đó chính quyền địa phương mong muốn tỉnh sớm bổ sung vốn để Dự án sớm hoàn thành, đáp ứng lòng mong mỏi của người dân. Còn phía chủ đầu tư cam kết, nếu được bố trí vốn (khoảng 6 tỷ đồng), sẽ đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành Dự án trong năm 2014.

 Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.