Multimedia Đọc Báo in

Giải pháp cho du lịch huyện Lak: Phát triển du lịch cộng đồng và đa dạng hóa sản phẩm

15:48, 08/05/2014

Những năm qua, Lak là điểm đến khá phổ biến của du khách quốc tế và trong nước mỗi lần đến Dak Lak; tuy nhiên, việc phát triển du lịch ở đây vẫn còn những bất cập và chưa tương xứng với tiềm năng.

Ở một ngày là đi

Có thể nói, huyện Lak là địa phương được thiên nhiên ưu đãi với nhiều tiềm năng để phát triển cả du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch văn hóa. Cụ thể, hồ Lak - điểm du lịch Quốc gia đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch, với diện tích hơn 166 ha gồm 4 phân khu: buôn M’Liêng (hơn 71 ha), buôn Jun (hơn 9 ha), trung tâm thị trấn Liên Sơn (26 ha), du lịch sinh thái và nuôi thả thú rừng (60 ha). Đến hồ Lak, du khách sẽ được thưởng ngoạn khung cảnh thiên nhiên thơ mộng với hồ nước rộng mênh mông, cạnh đó là buôn Jun với những ngôi nhà dài truyền thống nép mình dưới bóng cây xanh, được ngồi trên bành voi hay trên những chiếc thuyền độc mộc để du ngoạn phong cảnh. Bên kia hồ Lak là buôn cổ M’Liêng, nơi vẫn còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc của người M’nông, Êđê bản địa. Chưa kể, địa phương còn sở hữu nhiều điểm đến thú vị khác như: Thác Bìm Bịp (xã Yang Tao), rừng đặc dụng Nam Ka, Vườn Quốc gia Cư Yang Sin, khu căn cứ cách mạng thác Ba Tầng (xã Krông Nô)...

Huyện Lak phấn đấu để hồ Lak trở thành điểm nhấn trong hoạt động du lịch.
Huyện Lak phấn đấu để hồ Lak trở thành điểm nhấn trong hoạt động du lịch.

Tiềm năng là vậy, nhưng thời gian qua, việc phát triển du lịch của địa phương vẫn còn những hạn chế, khiến Lak chưa thể trở thành điểm đến hấp dẫn du khách. Nguyên nhân rõ nhất là do các điểm du lịch phát triển manh mún, đơn điệu, sản phẩm du lịch nghèo nàn, ô nhiễm môi trường sinh thái tại các điểm tham quan ngày càng nghiêm trọng. Đặc biệt, việc kinh doanh du lịch còn thiếu tính chuyên nghiệp, đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ chưa được đào tạo bài bản, du khách cảm thấy hụt hẫng khi chứng kiến hình ảnh hồ Lak cạn nước, bị ô nhiễm, những chú voi già nua, gầy còm và tình trạng nhếch nhác tại các điểm tham quan. Già Y P’lú Êung (buôn Lê, thị trấn Liên Sơn), người đã sống gần cả đời người bên hồ Lak tâm sự: “Trước đây, hồ Lak lúc nào cũng trong xanh, hai bên là những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn, chèo thuyền đi sâu vào rừng rất dễ gặp cả đàn cá sấu khiến ai đến đây cũng thích thú. Bây giờ, hồ bị bồi lấp, ô nhiễm nhiều nơi, cá sấu cũng không còn thấy nữa”. Ông Đàng Năng Long, người làm du lịch nhiều năm ở đây thì chia sẻ: những hạn chế lớn nhất của du lịch Lak là hồ Lak không còn quyến rũ như trước đây, đàn voi ngày càng già; tour du lịch thì đơn điệu, trong một ngày, du khách chỉ biết cưỡi voi ngắm cảnh, du ngoạn hồ Lak, đến buôn cổ M’Liêng, ăn chả cá thát lát và … hết, nên họ không muốn ở lại dài ngày và cũng ít người muốn quay lại.

Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn phát triển văn hóa các buôn làng

Huyện Lak phấn đấu thực hiện mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng vào năm 2020, và đến năm 2025, định hướng đến 2030, trở thành một trong những địa điểm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng của tỉnh cũng như quốc gia với những sản phẩm độc đáo như tham quan buôn làng, đi thuyền độc mộc, cưỡi voi dạo hồ và du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát triển văn hóa các buôn làng dân tộc Êđê, M’nông. Để đạt được những mục tiêu trên, lãnh đạo tỉnh, huyện, các ngành chức năng và các doanh nghiệp làm du lịch trên địa bàn tỉnh đã ngồi lại với nhau tại Hội nghị Chiến lược phát triển du lịch giai đoạn 2014 – 2020 vào trung tuần tháng tư vừa qua nhằm hiến kế cho huyện Lak khai thác hiệu quả các tiềm năng du lịch của địa phương.

Theo ông Hoàng Đức Độ, cán bộ Công ty Cổ phần du lịch Dak Lak thì để phát triển mạnh hình thức du lịch cộng đồng, đem lại lợi ích cho địa phương và cả người dân sở tại, trước hết là cần nêu cao vai trò của buôn làng trong hoạt động du lịch. Theo đó, người dân tại các điểm du lịch cần chú trọng giữ gìn vệ sinh môi trường để tạo ấn tượng tốt với du khách; đồng thời, tập hợp các nghệ nhân để lập các điểm trình diễn nghề thủ công trong căn nhà dài truyền thống như dệt vải, đan lát, làm đồ gốm, nấu rượu cần… nhằm phục vụ khách tham quan.

Ở một khía cạnh khác, nhiều đại biểu cho rằng, địa phương cần chú trọng bảo vệ, tôn tạo các danh thắng, di tích, đặc biệt là hồ Lak, bởi du khách sẽ có ấn tượng không tốt khi hồ Lak bị khô cạn, ô nhiễm, rác thải tràn ngập và cảnh quan xung quanh bị phá vỡ.

Mặt khác cần ngăn chặn ngay tình trạng đánh bắt cá bằng xung điện trên hồ Lak, có kế hoạch nạo vét, cải tạo và trồng cây xanh ven hồ để bảo vệ hệ sinh thái và cảnh quan khu vực này nhằm biến hồ Lak trở thành điểm nhấn giữ chân du khách.

Một giải pháp quan trọng khác được đưa ra là liên kết, hợp tác phát triển du lịch 3 tỉnh Gia Lai, Lâm Đồng và Dak Lak thông qua điểm tham quan hồ Lak. Với tuyến du lịch này, sẽ phát triển cả du lịch sinh thái và du lịch văn hoá, vừa khai thác lợi thế cảnh quan của núi rừng Tây Nguyên, những công trình kiến trúc độc đáo thời Pháp ở Đà Lạt và huyện Lak, vừa khai thác các giá trị về không gian văn hóa đặc trưng của người M’nông  (Dak Lak), Ba Na, Jrai (Gia Lai) và Cơ Ho, Mạ (Lâm Đồng).

Vấn đề cốt lõi trong phát triển du lịch huyện Lak là cần “giữ chân” du khách ở lại địa phương lâu hơn và “mua” được nhiều sản phẩm du lịch hơn, qua đó nhằm tăng nguồn thu cho địa phương và người dân. Theo đó, hoạt động du lịch cần đa dạng hóa sản phẩm phục vụ, tăng cường mở rộng các tour, điểm tham quan chất lượng bằng hình thức homestay dài ngày và tạo dấu ấn bằng những thế mạnh độc đáo của địa phương. Bên cạnh đó, các cơ sở lưu trú, đơn vị kinh doanh du lịch cần tăng cường tính chuyên nghiệp trong phục vụ, hướng dẫn du khách tham quan, mua sắm, nghỉ ngơi…

Tại hội nghị trên, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Trọng Hải nhấn mạnh, để khai thác hiệu quả, biến tiềm năng du lịch thành thế mạnh kinh tế, huyện Lak cần sớm xây dựng đề án về phát triển du lịch trên cơ sở bảo vệ các danh thắng, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, văn hóa; cải tạo hồ Lak thành điểm nhấn của huyện và tỉnh; lồng ghép du lịch với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác; tạo ra nhiều sản phẩm mới; tổ chức những sự kiện sinh hoạt văn hóa của đồng bào bản địa định kỳ thường niên, để thu hút du khách đến với địa phương; đồng thời, đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các buôn đồng bào Êđê, M’nông để hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.