Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong nông nghiệp gắn với doanh nghiệp

15:37, 18/05/2014
Trong những năm qua, nhiều đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ (KH-CN) trong lĩnh vực nông lâm nghiệp được triển khai với sự tham gia phối hợp tích cực của doanh nghiệp hoặc do chính doanh nghiệp đề xuất, chủ trì.
 
Với sự tham gia của doanh nghiệp, các sản phẩm mới được tạo ra hoặc được cải tiến, nâng cấp từ các đề tài, dự án sớm có mặt trên thị trường, mang lại giá trị gia tăng rõ rệt, nhất là có thể duy trì lâu dài sản phẩm trên thị trường với danh tiếng và uy tín sản phẩm được khẳng định.

Thị trường cà phê thế giới trong khoảng chục năm trở lại đây chú trọng đến các tiêu chí nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường. Sản xuất, thương mại cà phê có chỉ dẫn địa lý, cà phê bền vững có chứng nhận trở thành mối quan tâm lớn cũng như nằm trong chiến lược phát triển sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cà phê trên địa bàn tỉnh. Các doanh nghiệp đã chủ động tiếp cận với các chương trình chứng nhận; đầu tư hướng dẫn quy trình, tiêu chuẩn, tổ chức sản xuất cho nông dân vùng nguyên liệu; xây dựng hệ thống quản lý nội bộ, thuê đơn vị độc lập kiểm tra chứng nhận, mua, chế biến, xuất khẩu. Đây là những mô hình khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ, hình thành những chuỗi cung ứng hàng hóa với sự tham gia của nhiều tác nhân, trong đó các cơ quan quản lý và các đơn vị nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KH-CN, các dự án tài trợ trong và ngoài nước đóng vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ kinh phí ban đầu, tăng cường năng lực cho doanh nghiệp, tập huấn quy trình, tiêu chuẩn, tổ chức sản xuất cho nông dân. Có doanh nghiệp như Công ty TNHH MTV Dakman đã mạnh dạn, kiên trì hỗ trợ hình thành nên những hợp tác xã (HTX) sản xuất hoạt động có hiệu quả như HTX Ea Kiết, HTX Cư Dliê Mnông (huyện Cư M’gar). Tại các HTX này, dây chuyền công nghệ chế biến ướt hợp sinh thái đã được nghiên cứu thiết kế, lắp đặt, vận hành chế biến cà phê nhân chất lượng cao, giá trị gia tăng lên đến 12-15% so với cà phê thông thường. Từ một vài mô hình khởi đầu năm 2003, đến nay các doanh nghiệp cà phê trên địa bàn tỉnh, với sự hỗ trợ, phối hợp tích cực các cơ quan quản lý và các đơn vị nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KH-CN, các dự án tài trợ trong và ngoài nước đã hình thành vùng nguyên liệu chiếm 40% diện tích với gần 60% tổng sản lượng cà phê của tỉnh, mang lại giá trị gia tăng chung của cà phê nhân khoảng 3-5%, đặc biệt là góp phần đưa sản xuất cà phê theo hướng bền vững hơn, nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường. Các doanh nghiệp còn được ngành KH-CN địa phương hỗ trợ áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, tham gia Giải thưởng Chất lượng Việt Nam, quảng bá sản phẩm qua các lễ hội, hội chợ… Qua các chương trình này doanh nghiệp có thể đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng đối tác thương mại, vượt qua những rào cản kỹ thuật, xâm nhập phân khúc thị trường cà phê khác biệt, vững vàng đương đầu với những biến động thị trường, nâng cao vị thế và uy tín thương hiệu.

Bơ  nhãn hiệu Dakado có giá trị kinh tế cao.
Bơ nhãn hiệu Dakado có giá trị kinh tế cao.

Trong vài năm gần đây, sản phẩm bột ca cao, bơ ca cao, chocolate của Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn đứng chân trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện trên thị trường nội địa với chất lượng ngày càng được nâng cao. Chế biến các sản phẩm từ hạt ca cao khô nguyên liệu và đưa sản phẩm ra được thị trường cạnh tranh với các thương hiệu nổi tiếng thế giới là một quá trình đầy thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam, càng thách thức hơn đối với doanh nghiệp nhỏ ở tỉnh miền núi, xét trên khía cạnh công nghệ cũng như tiếp cận thị trường. Ngành KH-CN địa phương đã đồng hành cùng doanh nghiệp thông qua một dự án quy mô khá lớn để hoàn thiện dây chuyền sản xuất, chế biến ca cao từ quả tươi thành bơ ca cao, bột ca cao và chocolate. Trong số tổng kinh phí gần 7 tỷ đồng, ngân sách KH&CN tỉnh hỗ trợ 1,16 tỷ cho các nội dung thí nghiệm, sản xuất thử, thiết kế lắp đặt thiết bị, đào tạo chuyển giao công nghệ, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng... Sự chủ trì dự án của doanh nghiệp đã nâng cao tính chủ động, sáng tạo trong huy động nguồn lực trong và ngoài doanh nghiệp, nhất là từ các chuyên gia công nghệ, bảo đảm cho việc nâng cao chất lượng sản phẩm.

Kể từ năm 2008, quả bơ nhãn hiệu Dakado đã có mặt trên thị trường ở nhiều cửa hàng, siêu thị tại các thành phố lớn trong nước với giá bán cao gấp 2-3 lần bơ không có thương hiệu, bơ trái vụ còn có giá bán cao hơn nhiều. Đây là thành quả ấn tượng từ một dự án KH-CN phát triển chuỗi giá trị hàng hóa do Trung tâm Ứng dụng KH-CN chủ trì, có sự tham gia của tất cả các tác nhân trong chuỗi, trong đó vai trò nòng cốt là doanh nghiệp kinh doanh trái cây Thu Nhơn, với sự hỗ trợ kinh phí và chuyên gia của chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhờ sự kích hoạt và vận hành khá tốt của một dự án KH&CN, đến nay cây bơ trên địa bàn tỉnh Dak Lak đã có vị trí xứng đáng, giá trị kinh tế cao, diện tích trồng bơ trái vụ chất lượng cao trong vài năm đã lên đến khoảng 2.000 ha, nâng tổng diện tích bơ lên khoảng 4.500 ha, sản lượng hàng năm lên tới 80-90 nghìn tấn, là một ngành sản xuất quan trọng trong nền nông nghiệp của tỉnh.

Để không ngừng khai thác lợi thế địa phương, một số doanh nghiệp trong nông nghiệp đã sớm biết dựa vào KH-CN để phát triển cây trồng, vật nuôi mới, trong đó phải kể đến Công ty Cổ phần Yang Hanh với nhãn hiệu “Cá hồi, cá tầm Yang Hanh” đã được đăng ký bảo hộ. Là đơn vị chủ trì đề tài nghiên cứu hai loài cá nước lạnh còn rất mới ở Việt Nam từ năm 2010 đến nay tại huyện Krông Bông, doanh nghiệp đã kiên trì bám trụ, khắc phục khó khăn với sự tham gia tận tâm của một số nhà khoa học và kỹ thuật viên chuyên nghiệp. Kết quả đáng mừng là sản phẩm cá hồi đã được đưa ra tiêu thụ trên thị trường nội tỉnh, có thể cạnh tranh được với cá hồi nhập nội, mở ra hướng đi mới cho ngành nuôi trồng thủy sản tỉnh nhà. Còn có thể kể đến sự tham gia hoặc chủ trì của doanh nghiệp trong các đề tài, dự án KH-CN phát triển các sản phẩm có giá trị khác như ong mật, heo rừng lai, nấm ăn, cá chạch bùn… Ngoài ra, một số doanh nghiệp cơ khí địa phương còn không ngừng sáng tạo ra một số máy móc thiết bị phục vụ nông nghiệp, được ngành KH&CN địa phương hỗ trợ một phần kinh phí, góp phần làm cho các sản phẩm này ngày càng được cải tiến và đứng vững trên thị trường, như béc tưới Đặng Tám, máy bơm chìm Đăng Phong…

Thực tiễn sinh động trên cho thấy vai trò rất quan trọng của doanh nghiệp trong nghiên cứu, ứng dụng KH-CN, giúp rút ngắn quá trình từ nghiên cứu, ứng dụng đến phát triển thành sản phẩm trên thị trường. Ngành KH-CN không chỉ có thể hỗ trợ doanh nghiệp về ứng dụng, phát triển công nghệ mà còn có thể hỗ trợ về xây dựng và phát triển thương hiệu, áp dụng những hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến. Chương trình KH-CN hỗ trợ nông nghiệp, phát triển nông thôn và hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng trong thời gian tới chắc chắn sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp, góp phần tạo ra sức sống mới cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

TS. Trịnh Đức Minh

(Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ)


Ý kiến bạn đọc