Multimedia Đọc Báo in

Nâng cấp cơ sở hạ tầng: Tạo thuận lợi cho việc vận chuyển người và hàng hóa khu vực biên giới

10:07, 06/05/2014

Báo cáo tại Diễn đàn phát triển khu vực Tam giác phát triển (TGPT) Campuchia-Lào-Việt Nam vừa diễn ra tại Dak Lak cho thấy: việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển người và hàng hóa khu vực biên giới, từ đó nối gần khoảng cách giữa các tỉnh trong khu vực TGPT với các thủ đô và trung tâm kinh tế lớn của 3 nước với nhau…

Các nước trong khu vực TGPT chú trọng cải tạo, nâng cấp hệ thống sân bay, cảng hàng không, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Trong ảnh: Hành khách tại sân bay Buôn Ma Thuột, Dak Lak.
Các nước trong khu vực TGPT chú trọng cải tạo, nâng cấp hệ thống sân bay, cảng hàng không, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Trong ảnh: Hành khách tại sân bay Buôn Ma Thuột, Dak Lak.

Ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông

Thực tế cho thấy, việc nâng cấp cơ sở hạ tầng đã góp phần làm giảm chi phí sản xuất, vận chuyển, từ đó tăng khả năng cạnh tranh các loại hàng hóa của từng vùng, miền. Trong đó giao thông là yếu tố cốt lõi, có tính chất quyết định trong việc gắn kết giữa các vùng, lãnh thổ của các nước trong khu vực TGPT. Theo báo cáo tại Diễn đàn, mạng lưới giao thông đường bộ trong khu vực TGPT đều được 3 nước quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp. Các tuyến quốc lộ phần lớn đã được thảm nhựa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại, giao lưu văn hóa giữa các địa phương trong khu vực với vùng miền và các trung tâm kinh tế lớn của 3 nước. Cụ thể, tại các tỉnh thuộc khu vực TGPT của Campuchia có 1.659 km đường nội vùng và đường biên nối với các vùng trong khu vực TGPT, gồm đường 7 dài 467 km, đường 78 dài 194 km, đường 78A dài 150 km, đường 76 dài 306 km, đường 376 dài 95 km… Tại các tỉnh trong khu vực TGPT của Lào như đường 1H xuất phát từ tỉnh SeKong tới tỉnh Saravan, được Chính phủ Nhật Bản tài trợ 4 triệu USD, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2010; đường 16B, với tổng chiều dài 121 km từ Saravan đến vùng biên giới Việt Nam đã được đầu tư một phần. Tại Việt Nam, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước trong khu vực TGPT, hầu hết các tuyến đường đã và đang được nâng cấp, trong đó phải kể đến đường Đông Trường Sơn được khởi công xây dựng từ năm 2005, có ý nghĩa chiến lược về kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng cho các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên. Khi tuyến đường hoàn thành sẽ nối thông với Quốc lộ 24 qua địa bàn tỉnh Kon Tum, Quốc lộ 19, Quốc lộ 25 qua địa bàn tỉnh Gia Lai, Quốc lộ 26 qua địa bàn Dak Lak… Tuy nhiên, theo đánh giá của các đại biểu tại Diễn đàn, hầu hết các tuyến đường quy mô còn nhỏ, nhiều đoạn bị xuống cấp trầm trọng, thời gian tới phải tiếp tục đầu tư, mở rộng thì mới đáp ứng nhu cầu phát triển của khu vực.

Quốc lộ 29 -  đoạn qua địa bàn tỉnh  Dak Lak bị  hư hỏng  đang được  kêu gọi đầu tư sửa chữa.
Quốc lộ 29 - đoạn qua địa bàn tỉnh Dak Lak bị hư hỏng đang được kêu gọi đầu tư sửa chữa.

Cùng với đó, giao thông bằng đường không cũng được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ để cải tạo sân bay Rattanak Kiri (Campuchia), kinh phí khoảng 7 triệu USD, có khả năng tiếp nhận máy bay ATR 72 và tương đương. Tại Lào, sân bay Pakse cũng đã được nâng cấp thành sân bay quốc tế bằng nguồn vốn ADB. Tại Việt Nam, các cảng hàng không trên địa bàn Tây Nguyên trong khu vực TGPT đã được mở rộng và kéo dài đường cất hạ cánh, đơn cử như Cảng hàng không Buôn Ma Thuột đã được nâng cấp, cho phép máy bay A320, A321, Boeing 737 hạ, cất cánh; công suất vận tải 50.000 hành khách/năm, Cảng hàng không Pleiku đạt tiêu chuẩn 4C, công suất 50.000 hành khách/năm.

Chính sách thông thoáng, đẩy mạnh thu hút đầu tư

Bên cạnh ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, việc triển khai mô hình một cửa – một điểm dừng cũng được các nước trong khu vực TGPT chú trọng, được đánh giá là cơ sở quan trọng góp phần tăng cường kết nối khu vực và thúc đẩy hoạt động kinh tế phát triển. Trong đó, phải kể đến mô hình một cửa – một điểm dừng được Việt Nam ký kết với 3 nước Lào, Campuchia và Trung Quốc. Mô hình được triển khai tại cặp cửa khẩu Lao Bảo (Việt Nam) – Densavan (Lào) đã góp phần rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, đặc biệt phương tiện và người không phải qua kiểm tra 2 lần, giảm chi phí cho doanh nghiệp, từ đó tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Mặt khác, các nước trong khu vực TGPT cũng quan tâm tạo cơ chế chính sách thông thoáng để thúc đẩy thương mại phát triển, thu hút đầu tư, góp phần tinh giản các thủ tục vận chuyển người và hàng hóa qua khu vực biên giới bằng việc thông qua ký kết thỏa thuận song phương như Campuchia và Lào ký Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu phổ thông vào tháng 5-2004, Hiệp định về di chuyển qua biên giới vào tháng 3-2008; Việt Nam và Campuchia ký Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu phổ thông, Hiệp định quá cảnh hàng hóa vào tháng 11-2008.

Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, ở các nước trong khu vực TGPT vẫn còn một số hạn chế như: một số cửa khẩu không giải quyết thủ tục hàng hóa vào thứ 7 và chủ nhật; chưa có thông tin nóng hỗ trợ hiệu quả hơn cho công tác phòng chống buôn lậu; mô hình một cửa – một điểm dừng hoạt động chưa thực sự hiệu quả, thiếu sự thống nhất giữa các bên do pháp luật giữa các nước có sự khác nhau trong quy định về hải quan, xuất nhập cảnh, …

Tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương trong khu vực cần phát huy nội lực, tận dụng lợi thế cạnh tranh, tranh thủ mọi nguồn lực xã hội và có các chính sách phù hợp nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư để đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển người và hàng hóa qua khu vực biên giới.

Theo báo cáo tại Diễn đàn, sẽ có 12 dự án trong lĩnh vực giao thông được kêu gọi đầu tư tại khu vực TGPT, với tổng kinh phí dự kiến trên 5.500 tỷ đồng gồm: Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường giao thông đoạn từ ngã ba Chiu Riu đến cửa khẩu Quốc tế Hoa Lư; Trạm kiểm soát liên hợp Hoàng Diệu; Quốc lộ 19 nối liền cảng biển Quy Nhơn đến Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh; đường giao thông đến Cửa khẩu Dak Kôi; Cửa khẩu Dak Kôi đi Campuchia; đường giao thông từ Cư Né, huyện Krông Buk đến thị trấn Ea Súp; Quốc lộ 29, đoạn qua tỉnh Dak Lak…

 Hoàng Tuyết -  Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.