Multimedia Đọc Báo in

Quảng Hiệp phát triển nghề nuôi cá nước ngọt trên chân ruộng cằn cỗi

08:04, 08/05/2014

Nhiều diện tích đất ruộng cằn cỗi được nông dân xã Quảng Hiệp (huyện Cư M’gar) chuyển sang đào ao nuôi cá, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần gia tăng thu nhập đáng kể cho gia đình.

Ưu điểm của mô hình này là thời gian chăm sóc ngắn, chi phí ít, lại tận dụng được các loại thức ăn có sẵn trên chân ruộng như cỏ dại, lá mì (sắn) cho cá, nên thay vì trồng cây lúa trên mảnh đất cằn cỗi, cây lên èo uột, những năm gần đây, nhiều nông dân xã Quảng Hiệp đã đầu tư đào ao nuôi cá nước ngọt; tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình từ vài chục triệu đồng/ năm, cá biệt có hộ lãi trên 150 triệu đồng/ năm nhờ nuôi cá.
 
Với suy nghĩ kiếm một mô hình làm ăn để tăng thu nhập ngoài việc trồng cà phê, năm 2001, ông Đào Công Khanh (thôn Hiệp Hòa) đã quyết tâm đào ao nuôi cá ngay trên thửa đất trước đây trồng lúa nhưng do đất trũng ngập nước nên năng suất không cao. Ban đầu, ông chỉ dám nuôi thử nghiệm trên diện tích 500m 2, với các loại cá rô phi, trắm cỏ, mè... Lúc đầu, do thiếu kỹ thuật chăm sóc nên cá phát triển chậm, năng suất thấp, sản phẩm thu được chỉ đủ dùng cho gia đình. Khi tham gia các lớp tập huấn do xã tổ chức, ông được hướng dẫn thêm về cách nuôi cá đúng kỹ thuật, phòng trừ bệnh, vệ sinh ao, tăng dần khẩu phần ăn hợp  lý giữa mật độ cá trên một diện tích mặt nước nhất định nên cá lớn nhanh thấy rõ. Sau 5 tháng, trung bình mỗi con cá trắm trong ao đã nặng gần 2 kg. Hiệu quả  bước đầu mang lại đã giúp ông Khanh mạnh dạn mở rộng thêm 3 hồ nữa, với diện tích 2.000 m 2, mỗi năm xuất được 2 lứa, trên 7 tạ cá, trừ chi phí còn lãi  được gần 40 triệu đồng. 
Nghề nuôi cá mang lại thu nhập đáng kể cho gia đình ông Trần Minh Nghĩa.
Nghề nuôi cá mang lại thu nhập đáng kể cho gia đình ông Trần Minh Nghĩa.

Gia đình ông Trần Minh Nghĩa (thôn Hiệp Hòa) có 7.000m2 đất ruộng trồng lúa 1 vụ, tuy rất vất vả nhưng năng suất thấp, sau khi tìm hiểu, tham quan các mô hình làm ăn ông đã mạnh dạn chuyển sang đào ao nuôi cá rô phi, mè, trắm cỏ... Ông chia sẻ: nuôi cá rất dễ chăm sóc, đầu tư ít, đỡ tốn công, trong khi lại tận dụng được nhiều nguồn thức ăn có sẵn từ phế phẩm nông nghiệp như sắn, bắp, khoai lang, thậm chí cỏ dại và quan trọng hơn là đầu ra rất ổn định. Từ 7 sào mặt nước trên, mỗi năm ông thu về trên 3,5 tấn cá, tính ra lãi khoảng 150 triệu đồng.

Theo ông Nghĩa: mô hình nuôi cá thích hợp với điều kiện kinh tế gia đình, chi phí thấp, thời gian chăm sóc ngắn mà hiệu quả kinh tế cao. Thành công bước đầu đã động viên nhiều hộ dân xã Quảng Hiệp mở rộng ao nuôi và xem đây là hình thức phát triển kinh tế mang lại thu nhập đáng kể, nhất là với địa phương có nhiều chân ruộng cằn cỗi, đất sỏi như Quảng Hiệp. Hiện Quảng Hiệp đã có hàng chục hộ dân đầu tư vào nghề nuôi cá, với diện tích mặt nước trên 35 ha. Ông Ngô Minh Đức, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: nhiều hộ đã khấm khá hơn nhờ linh hoạt chuyển đổi từ việc trồng lúa cho năng suất thấp sang nuôi cá nước ngọt hiệu quả hơn. Hiện mô hình đang được nhân rộng tại địa phương; thời gian tới, xã tiếp tục mời cơ quan chuyên môn về hướng dẫn bà con chăn nuôi đúng kỹ thuật, nhất là có sự tính toán chính xác trong khẩu phần ăn và cách vệ sinh ao hồ để cá lớn nhanh, cho năng suất cao.

 Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) Khoác “áo mới” cho đô thị Buôn Ma Thuột
Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Đắk Lắk, TP. Buôn Ma Thuột đang từng ngày đổi thay, phát triển trở thành đô thị hiện đại, văn minh, giàu bản sắc, giữ vai trò là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên. Đặc biệt, nhằm hướng đến chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), thành phố đã lựa chọn hàng loạt công trình đưa vào đợt thi đua đặc biệt để thực hiện. Qua đó, góp phần làm cho đô thị Buôn Ma Thuột ngày càng khởi sắc hơn.