Multimedia Đọc Báo in

Rau an toàn: "Danh" đã chính, bao giờ "ngôn" mới thuận!?

09:34, 30/05/2014

Chia sẻ nỗi lo an toàn thực phẩm với người tiêu dùng, nhiều hợp tác xã (HTX) sản xuất, cung ứng rau an toàn đã ra đời. Tuy nhiên, sự đồng cảm giữa đôi bên có lẽ chưa thực sự được kết nối khi nhiều nhà vườn làm rau bảo đảm quy trình an toàn thực phẩm nhưng vẫn phải tự tìm đầu ra, thậm chí chịu thua thiệt, “xếp chung hàng” với rau bán trôi nổi ngoài chợ…

                         Việc sản xuất và tiêu thụ rau an toàn còn gặp nhiều khó khăn, cần những cơ chế chính sách hỗ trợ.
Việc sản xuất và tiêu thụ rau an toàn còn gặp nhiều khó khăn, cần những cơ chế chính sách hỗ trợ.

HTX Thuận An ở thôn 2, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột được thành lập tháng 8-2011 với tổng số 33 xã viên. Để tránh “bội thực” về nguồn cung, các xã viên trong HTX đã có sự phân định tương đối trong quá trình sản xuất. Đó là việc mỗi gia đình sẽ chuyên canh một số loại rau quả. Vậy nên trong HTX mới có những biệt danh như “Dần rau má” (tức chuyên trồng rau má), “Quân quả” (tức chuyên trồng các loại quả)… Mặc dù các sản phẩm của HTX đã được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhưng theo các xã viên cho biết thì việc tiêu thụ với đúng danh hiệu ấy vẫn rất khó khăn. Gia đình ông Đoàn Văn Quân chuyên trồng các loại quả như: bí, bầu, mướp đắng…, vào thời kỳ thu hoạch, mỗi ngày xuất bán đến hàng tạ quả nhưng giá bán vẫn như rau thường. Còn Giám đốc HTX Trần Văn Dần với hơn 4 sào đất chủ yếu trồng rau má, để có thêm lợi nhuận, vợ chồng ông phải tự mình đi bỏ mối thay vì tư thương trực tiếp vào lấy hàng tại vườn. Cụ thể, nếu bỏ công tự đi bán thì được giá 12 nghìn đồng/kg nhưng bán buôn tại chỗ chỉ được 9.000 đồng/kg.

Tự tìm đáp án cho bài toán này, dù còn rất khó khăn về vốn nhưng HTX Thuận An đã mạnh dạn đầu tư xây dựng một nhà sơ chế rau theo đúng tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nhà sơ chế có tổng kinh phí 800 triệu đồng, trong đó hơn 500 triệu đồng phải vay ngân hàng với tư cách cá nhân dùng bìa đỏ đi thế chấp chứ không phải vay theo kênh của hợp tác xã. Nghe Giám đốc Trần Văn Dần giới thiệu thì quy trình sau khi rau thu hái sẽ được sơ chế khá hoàn chỉnh: Rau được đưa vào rá, người thực hiện phải rửa tay trước khi đưa rau vào khu vực rửa rau bán tự động; sau đó rau qua bể diệt khuẩn, qua khu vực máy tạo ozone, máy ly tâm rồi mới vắt ráo nước rau để đóng gói. Dự kiến tháng 7 năm nay HTX sẽ đưa nhà sơ chế này vào hoạt động. Công suất của nhà sơ chế là 30 tấn/ngày, nhưng theo ông Dần, trước mắt HTX sẽ tập trung đi sâu vào chất lượng. Khi bắt tay vào xây dựng nhà sơ chế này, HTX cũng đã đi giới thiệu với một số bếp ăn tập thể và nhiều đơn vị cho biết, đến thời điểm đưa vào sử dụng sẽ đến mục sở thị để có sự kết nối. Có tư duy và một cách thức làm ăn khá bài bản, HTX Thuận An cũng đã hoàn tất các thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu với Cục Sở hữu trí tuệ và logo của HTX chuyên sản xuất rau Thuận An là T.A. Tuy nhiên, theo phân tích cũng như nhận thức của những xã viên ở đây thì việc làm rau an toàn không phải có nhà sơ chế là đủ mà phải là cả một chuỗi sản xuất từ khâu chuẩn bị đất, bón phân đến sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Mô hình sản xuất rau an toàn tại HTX Toàn Thịnh.
Mô hình sản xuất rau an toàn tại HTX Toàn Thịnh.

Là một HTX đã khá có tên tuổi chuyên sản xuất rau nhưng HTX Toàn Thịnh ở thị trấn Ea Pôk (huyện Cư M’gar) có những thời điểm cũng gặp khá nhiều khó khăn về đầu ra của sản phẩm. Còn nhớ vị giám đốc của HTX này đã thừa nhận dù làm theo tiêu chuẩn an toàn nhưng chỉ một lượng không đáng kể so với sản phẩm mà HTX làm ra được đưa vào tiêu thụ tại các siêu thị. Còn lại xã viên HTX chủ yếu vẫn “tự bơi” với sản phẩm của mình ngoài chợ. HTX cố gắng làm ra những sản phẩm an toàn với mong muốn người tiêu dùng hiểu và bỏ ra đúng chi phí để mua rau an toàn. Nhưng rõ ràng sự gặp nhau giữa bên cung-bên cầu xung quanh sản phẩm rau an toàn vẫn có những rào cản khi người tiêu dùng bị lạc vào “ma trận” hàng hóa cũng như đôi lần bị đánh lừa; còn người sản xuất thì không đủ lý, đủ sức để minh chứng cho rau mình làm ra là bảo đảm. Thậm chí, giám đốc của HTX này còn nửa đùa nửa thật rằng: Không lẽ mỗi lần đi bán rau lại đem theo giấy chứng nhận công nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đã được cấp. Theo đó, Toàn Thịnh cũng như nhiều HTX sản xuất rau an toàn khác mong muốn sẽ có chính sách đầu tư bảo đảm hỗ trợ cả về vốn và mặt pháp lý để họ có thể xây dựng được những cửa hàng, điểm bán, cung ứng rau an toàn.

Toàn tỉnh hiện có khoảng gần 10 HTX sản xuất rau an toàn. Ngoài khó khăn về tiêu thụ với đúng nghĩa là rau an toàn, cũng như nhiều lĩnh vực khác, mô hình HTX dường như vẫn chưa được đối xử công bằng như một loại hình doanh nghiệp, công ty. Bằng chứng là rất ít HTX tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng. Tất nhiên bản thân HTX cũng cần những nỗ lực hơn nữa trong kiện toàn cung cách làm ăn để lấy được “thiện cảm”. Nhưng “có thực mới vực được đạo”, nhiều giám đốc HTX hy vọng sẽ rộng đường hơn khi tiếp cận với các nguồn vốn để thêm sức lực đầu tư, làm ăn bài bản, xây dựng và khẳng định thương hiệu trên thương trường.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc