Multimedia Đọc Báo in

Tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp: Những thách thức từ thực tế

09:04, 07/05/2014

Kỳ cuối: Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp

Nâng cao chất lượng rừng bảo đảm đúng quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp, nâng độ che phủ rừng đạt trên 50% vào năm 2020, đồng thời tạo điều kiện cải thiện sinh kế cho người dân, bảo vệ môi trường là mục tiêu của ngành lâm nghiệp tỉnh đặt ra. Để đạt được mục tiêu đó cần sớm xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu thực tế hiện nay.

Chấn chỉnh, khắc phục yếu kém trong quản lý

Theo số liệu thống kê về hiện trạng rừng, toàn tỉnh hiện có 560.895 ha rừng tự nhiên,  80.286 ha rừng trồng và gần 80.000 ha đất lâm nghiệp. Đến năm 2013, thực hiện đề án giao, cho thuê rừng giai đoạn 2010-2015, toàn tỉnh đã giao và cho các tổ chức, doanh nghiệp thuê, với tổng diện tích gần 500.000 ha. Trong đó, các công ty lâm nghiệp được giao khoảng 200.000 ha; các tổ chức doanh nghiệp thuê để cải tạo, bảo vệ rừng và trồng cao su gần 15.000 ha; giao rừng cho các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng khoảng  226.000 ha, cho hộ gia đình, cộng đồng quản lý trên 37.000 ha, với 20 cộng đồng, 55 nhóm hộ và 2.201 hộ gia đình. Mặc dù diện tích rừng cơ bản đã có chủ, nhưng những năm qua, rừng vẫn liên tục bị xâm hại. Cụ thể, diện tích rừng do các công ty lâm nghiệp quản lý, sử dụng bị lấn chiếm trên 10.000 ha, các ban quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng trên 3.500 ha... Một số ban quản lý rừng phòng hộ thường xuyên để xảy ra tình trạng chặt phá, lấn chiếm rừng và đất rừng trái phép, nghiêm trọng như các Ban Quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn, Krông Năng, Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Kar, hồ Lak… Những tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý bảo vệ rừng ở các ban quản lý phòng hộ kéo dài trong những năm qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân: do sức ép về tăng dân số, dân di cư tự do…, nhưng chủ yếu là do sự yếu kém trong bộ máy quản lý, một số đơn vị có dấu hiệu buông lỏng quản lý, tiếp tay cho lâm tặc. Không chỉ riêng các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng mà hệ thống tổ chức lực lượng kiểm lâm trong các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, hạt kiểm lâm các huyện cũng chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp trong quản lý, bảo vệ rừng nên gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát tình trạng khai thác lâm sản, săn bắt động vật hoang dã trái phép, phá rừng làm nương rẫy…

Quản lý sử dụng nguồn tài nguyên rừng bền vững để phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường. Trong ảnh: Khảo sát hệ sinh thái tại Vườn Quốc gia Yok Đôn.
Quản lý sử dụng nguồn tài nguyên rừng bền vững để phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường. Trong ảnh: Khảo sát hệ sinh thái tại Vườn Quốc gia Yok Đôn.

Diện tích rừng, đất lâm nghiệp cho các doanh nghiệp thuê triển khai thực hiện các dự án cũng đang dần bộc lộ nhiều bất cập. Từ năm 2008 đến nay, UBND tỉnh cho chủ trương 108 dự án được liên hệ quỹ đất để khảo sát, lập dự án, tuy nhiên đến nay, 33 dự án đã bị thu hồi, còn lại 75 dự án (40 dự án trồng cao su kết hợp quản lý bảo vệ rừng, 35 dự án trồng rừng, cải tạo, quản lý bảo vệ rừng, nông lâm nghiệp khác), trong đó 56 dự án đã được UBDN tỉnh có Quyết định cho thuê đất. Đối với các dự án trồng cao su, đến nay các đơn vị đã trồng được 7.614 ha, thu hút trên 2.000 lao động. Còn các dự án phát triển rừng, nông, lâm nghiệp khác, các đơn vị đã trồng mới gần 8.000 ha rừng kinh tế, cây ăn quả, thu hút khoảng 1.249 lao động. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện các dự án còn bộc lộ khá nhiều bất cập. Trong số 56 dự án được UBND tỉnh có Quyết định cho thuê đất, thuê rừng, đến nay mới chỉ có 14 dự án hoàn thành thủ tục thuê rừng, 42 dự án còn lại chỉ mới hoàn thiện thủ tục thuê đất. Việc chậm trễ này đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý bảo vệ rừng, dẫn đến khó khăn khi xử lý trách nhiệm chủ rừng để mất rừng. Vì vậy, diện tích rừng ở những vùng dự án liên tục bị lấn chiếm trái phép, dẫn đến tranh chấp kéo dài, chưa kể đến tình trạng mua bán, sang nhượng trái phép đất dự án của một số công ty. Ông Trần Ngọc Quang, Chủ tịch UBND huyện Ea Súp cho rằng: Những công ty được Nhà nước giao đất, giao rừng, đã thiếu biện pháp kiên quyết, làm không đến nơi đến chốn, có dấu hiệu buông lỏng quản lý để tình trạng lấn chiếm đất rừng xảy ra nghiêm trọng, đây là trách nhiệm của các công ty. Riêng huyện Ea Súp cũng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm từng bước lập lại trật tự trong quản lý, bảo vệ rừng, tổ chức ra quân tại xã Cư Kbang phá bỏ trên 1.200m hàng rào bao chiếm đất rừng, 3 lán trại, thu hồi 100 ha đất lấn chiếm trái phép trong dân; vận động dân tự tháo dỡ 14 lán trại, phá bỏ 3 lán trại, thu hồi 50 ha đất lấn chiếm trái phép tại xã Ea Rốc…

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Trần Ngọc Tuấn chỉ rõ, những yếu kém trong công tác quản lý bảo vệ rừng tồn tại, kéo dài trong những năm qua cần có giải pháp quyết liệt để chấn chỉnh, khắc phục. Trước tiên cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các ngành chức năng, có chế tài xử lý đối với những chủ rừng thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý để rừng bị xâm hại; giám sát chặt chẽ hơn nữa để bảo đảm các đơn vị thuê rừng làm dự án sử dụng đúng mục đích, quy hoạch được phê duyệt.

Nâng cao giá trị kinh tế cho người trồng rừng

Ngành lâm nghiệp được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, tuy nhiên trong những năm qua, sự phát triển của ngành này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, tăng trưởng chậm, kém bền vững, hiệu quả và năng lực cạnh tranh yếu, diện tích rừng tăng, nhưng năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao, vì thế chưa giúp người dân sống được bằng nghề… Chính vì vậy, tái cơ cấu lĩnh vực lâm nghiệp là làm sao phát triển và nâng cao chất lượng thông qua nuôi dưỡng làm giàu rừng, cải tạo rừng nghèo kiệt, đem lại lợi ích kinh tế thực sự cho người gắn bó với rừng. Toàn tỉnh hiện có trên 84.000 ha rừng trồng, bình quân mỗi năm, ngành lâm nghiệp tổ chức trồng mới khoảng 5.000 ha. Trong khi thị trường thì thiếu ổn định, khó khăn về đầu ra, còn chi phí đầu tư lại tăng lên, nếu không tính đến việc đầu tư phát triển nhà máy chế biến lâm sản thì sản phẩm rừng trồng không thể thoát ra khỏi tình trạng giá cả phập phồng, doanh nghiệp lại “đau đầu” với bài toán lỗ – lãi… Chính vì vậy, cùng với việc quản lý bảo vệ, thu hút các nguồn lực đầu tư vào trồng rừng, thì việc quy hoạch, định hướng, tìm ra những giải pháp khuyến khích phát triển mạng lưới chế biến lâm sản gắn với vùng nguyên liệu theo hướng hiện đại hóa công nghệ là vấn đề cấp bách hiện nay, qua đó, góp phần giảm áp lực đối với an ninh rừng và giúp người trồng rừng yên tâm với đầu ra cho sản phẩm. Ngoài ra cũng cần đánh giá lại một cách thấu đáo về giá trị kinh tế mà 3 loại rừng (phòng hộ, đặc dụng, sản xuất) mang lại, tránh quan niệm sai lầm chỉ có rừng sản xuất mới đem lại hiệu quả kinh tế. Bởi nếu rừng sản xuất mang lại giá trị vật chất cho người trồng thì rừng phòng hộ, đặc dụng mang đến giá trị vật chất cho những người tham gia quản lý, bảo vệ. Điều đó đã thành hiện thực qua chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được triển khai thực hiện tại tỉnh ta trong năm 2013. Đây là công cụ kinh tế buộc những người được hưởng lợi từ các dịch vụ hệ sinh thái chi trả cho những người tham gia duy trì, bảo vệ và phát triển các chức năng của hệ sinh thái đó.

Qua nhiều cuộc họp mà mới đây là buổi làm việc của Thường trực Tỉnh ủy với UBND tỉnh, đồng chí Niê Thuật, Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ đạo kiên quyết: “Chính quyền địa phương cần nhanh chóng rà soát, đánh giá lại đúng thực trạng tình hình sử dụng đất của từng đơn vị, chủ rừng, điều chỉnh quy hoạch, xác định rõ ranh giới thực địa và cắm mốc, hoàn thành các thủ tục giao đất gắn với giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, chủ rừng. Và trên cơ sở diện tích đã quy hoạch sử dụng đất theo 3 loại rừng, chính quyền các địa phương phải có kế hoạch lồng ghép, điều phối các dự án phát triển kinh tế xã hội từ các nguồn đầu tư khác nhau để hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, nhất là các hộ thiếu đất sản xuất, cải thiện sinh kế cho người dân sống gần rừng, các xã nghèo, bảo đảm an sinh xã hội để giảm bớt áp lực bất lợi vào tài nguyên rừng”.

Lê Hương

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.