Multimedia Đọc Báo in

Tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất: Không chỉ giảm lãi suất cho vay

10:19, 06/05/2014

Thời gian gần đây, nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) trong tỉnh đã liên tục giảm lãi suất cho vay, song nhìn chung, hiệu quả mang lại vẫn chưa được như mong muốn…

Chi nhánh NHNN Dak Lak cho biết, từ đầu năm đến nay, Chi nhánh đã liên tục chỉ đạo các TCTD trên địa bàn thực hiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Theo đó, lãi suất cho vay đã được điều chỉnh giảm mạnh, chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay đã được thu hẹp.
 
Cụ thể, hiện nay lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam đối với kỳ hạn dưới 1 tháng phổ biến 1%/năm; từ 1 đến dưới 6 tháng của các NHTM phổ biến mức 6%/năm, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân cơ sở 6,5%/năm. Trong khi đó, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam cũng chỉ khoảng 8%-9%/năm, đối với các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; DN nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ) phổ biến 7,5%-8%/năm; lãi suất cho vay trung, dài hạn phổ biến từ 11%-13%/năm. Không chỉ vậy, khá nhiều NH còn triển khai các chương trình tín dụng với lãi suất tương đối thấp so với mặt bằng chung. Đi đầu giảm lãi suất cho vay vẫn là các NHTM cổ phần Nhà nước, như: Công thương (Vietinbank), Đầu tư và Phát triển (BIDV). Một trong những gói tín dụng ưu đãi lãi suất mới nhất của Vietinbank là Chương trình “1.000 tỷ đồng ưu đãi khách hàng bán lẻ” dành riêng cho khách hàng cá nhân, hộ gia đình, DN siêu nhỏ vay vốn tiêu dùng, sản xuất kinh doanh với lãi suất chỉ từ 8,5%/năm (vay ngắn hạn), 10%/năm (trung dài hạn); thời gian ưu đãi 6 tháng. Còn BIDV thì có chương trình ưu đãi lãi suất cho vay ngắn hạn dành riêng cho khách hàng cá nhân, hộ sản xuất chăm sóc, thu mua cà phê khu vực Tây Nguyên, với tổng vốn lên đến 2.000 tỷ đồng, lãi suất 7,5%/năm, áp dụng trong 6 tháng đầu tiên, sau đó áp dụng lãi suất cho vay đối với khu vực nông nghiệp nông thôn hiện hành; gói tín dụng 1.000 tỷ đồng cho vay mua ô tô phục vụ tiêu dùng (không kinh doanh vận tải) với lãi suất 8,88%/năm (trong 6 tháng đầu tiên), 9,99%/năm (6 tháng tiếp theo), sau đó áp dụng lãi suất cho vay thông thường. Tương tự, HDBank có chương trình hỗ trợ bà con nông dân, đại lý kinh doanh mua bán máy gặt đập liên hợp nhãn hiệu Yanmar. Trong đó, riêng khách hàng cá nhân có thể được vay đến 1 tỷ đồng, lãi suất thấp hơn mức thông thường 0,5%/năm, thời hạn cho vay không quá 36 tháng…
 
Khách hàng giao dịch tại Agribank Dak Lak.
Khách hàng giao dịch tại Agribank Dak Lak.

Có thể thấy rằng, những nỗ lực của các TCTD bước đầu đã mang lại kết quả tích cực, tín dụng tiếp tục tăng trưởng. Cụ thể, tính đến cuối 4-2014, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế ước đạt 41.042 tỷ đồng, tăng 2,2% so với tháng trước, tăng 1,9% so với đầu năm (tương đương 784 tỷ đồng). Một số chương trình tín dụng lớn, phục vụ các ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương đều có sự tăng trưởng như: cho vay nông nghiệp, nông thôn tăng hơn 6% so với tháng 3-2014 và 10% so với cuối năm 2013; cho vay xuất khẩu tăng gần 17% so với tháng trước và xấp xỉ 56% so với cuối năm 2013; cho vay DN tăng 1,8% so với tháng trước và 6,8% so với cuối năm 2013. Dù vậy, đại diện nhiều NH vẫn cho rằng, tăng trưởng tín dụng chưa được như mong muốn. Trong thời gian gần đây, không ít NH đã giao chỉ tiêu phát triển khách hàng cụ thể cho từng cán bộ, nhân viên nên việc tìm kiếm, tiếp cận khách hàng cũng đã được cải thiện một bước, tuy nhiên số khách hàng tiếp cận được vốn tín dụng nói chung, các chương trình ưu đãi nói riêng còn rất hạn chế. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do sức cầu của nền kinh tế chưa tăng, hàng tồn kho vẫn ở mức cao, khả năng phục hồi của các DN mới ở bước đầu, nên tín dụng chưa tăng mạnh được. Về phía khách hàng, theo chủ một DN, trong bối cảnh hiện nay, chỉ những DN làm ăn hiệu quả mới nghĩ tới việc đi vay NH, mà số này hiện không nhiều. "Thứ mà DN cần hiện này không chỉ là lãi suất giảm mà còn là cơ hội làm ăn, đầu ra của sản phẩm. Nếu bài toán hàng tồn kho chưa được giải quyết, dù lãi suất có giảm thêm nữa thì cũng ít DN dám mạo hiểm vay vốn làm ăn", vị giám đốc này lý giải. Đồng tình với quan điểm này, đại diện nhiều TCTD cho rằng, vấn đề mấu chốt đối với DN nói riêng, khách hàng nói chung hiện nay không nằm ở lãi suất thấp, quan trọng hơn cả là làm sao để sản xuất không bị đình trệ, hàng tồn kho được giải quyết… 

Thực tế có không ít trường hợp DN không thể vay được vốn do hàng hóa chậm được tiêu thụ, vòng quay đồng vốn chậm, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp khiến NH dè dặt, thậm chí không dám mạo hiểm cho vay. Cũng có trường hợp DN không còn tài sản thế chấp do đã thế chấp cho những món vay cũ, chưa trả hết nợ nên không thể vay thêm được nữa. Điều này đã dẫn đến vòng luẩn quẩn: thiếu vốn thì không duy trì, mở rộng sản xuất kinh doanh được. Một khi hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp thì khó có thể thuyết phục được NH trong việc cho vay. Mà không vay được thì lại rơi vào tình trạng thiếu vốn, hoạt động cầm chừng, hiệu quả kém. Để giải quyết thực trạng này, một số DN nêu vấn đề, nên chăng, cơ quan quản lý hãy tính đến phương án bảo lãnh tín dụng cho DN để giúp họ vượt qua khó khăn, các NH nhờ đó cũng khơi thông được dòng vốn. Bởi vì, lãi suất thấp chỉ là một trong những giải pháp mang ý nghĩa kích thích tín dụng thông qua việc đưa vốn giá rẻ đến khách hàng, hỗ trợ khách hàng một phần chi phí. Vì vậy, chỉ giảm lãi suất thôi thì không thể phát huy hiệu quả tối đa trong việc tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển trong bối cảnh hiện nay.

Lê Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(Video) Khoác “áo mới” cho đô thị Buôn Ma Thuột
Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Đắk Lắk, TP. Buôn Ma Thuột đang từng ngày đổi thay, phát triển trở thành đô thị hiện đại, văn minh, giàu bản sắc, giữ vai trò là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên. Đặc biệt, nhằm hướng đến chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), thành phố đã lựa chọn hàng loạt công trình đưa vào đợt thi đua đặc biệt để thực hiện. Qua đó, góp phần làm cho đô thị Buôn Ma Thuột ngày càng khởi sắc hơn.