Multimedia Đọc Báo in

Tiếp cận gói tín dụng tái canh cà phê: Bài toán khó của nông dân

08:24, 07/05/2014

Dak Lak có khá nhiều diện tích cà phê già cỗi, năng suất rất thấp cần phải tái canh. Mặc dù nguồn vốn tái canh cà phê của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dồi dào, nhưng trên thực tế, việc giải ngân nguồn vốn này vẫn còn chậm…

Không vay vốn, cũng không học hỏi quy trình tái canh cà phê, cách đây ba năm, ông Tôn Văn Quang ở thôn 2, xã Ea Kpam (huyện Cư M’gar) tự tái canh 3 sào cà phê theo cách của mình. Sau khi phá bỏ 3 sào cà phê cũ, ông đã trồng mới luôn. Theo lý giải của ông, cả gia đình có gia sản là ngần ấy đất nên đất mà “nghỉ” thì người cũng “nghỉ ăn” luôn. Thiếu vốn đầu tư, nhưng ông Quang vẫn không biết ngân hàng có chương trình cho nông dân vay vốn tái canh cà phê. Và có lẽ do đất đai bị “khai thác” quá mức cộng với thiếu kỹ thuật trong tái canh nên vườn cà phê sau một vụ đầu thu hoạch cây đã cằn cỗi, thậm chí lúc thu hái xong có hiện tượng héo khô. Thấy vậy ông lại ra sức tưới, mỗi vụ tưới kéo dài cả 5 đợt. Theo đó, chi phí càng lên cao, lợi nhuận chưa thấy đâu chỉ thấy lỗ ròng. Ông Quang tâm sự: Khi được nghe thông tin Nhà nước có chương trình cho vay vốn tái canh cà phê, thực tình ông cũng muốn vay nhưng lại sợ vì không biết có đủ nguồn thu để trả hay không.

Còn gia đình ông Lê Thung cũng ở cùng thôn với ông Quang, có 1 ha cà phê trồng từ năm 1997. Trước đây, với diện tích này, mỗi vụ thu hoạch gia đình ông cũng có thu hơn trăm triệu đồng, khoảng 5 đến 6 năm trở lại đây, chỉ thu được khoảng 30 triệu đồng. Biết là cà phê già cỗi cần phải tái canh mới cho năng suất cao, về kỹ thuật thì ông không lo lắng nhiều mà điều băn khoăn nhất là vốn để tái canh cà phê. Ông biết Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chương trình cho vay vốn tái canh cà phê, theo quy định, mỗi héc-ta được ngân hàng cho vay từ 150 đến 200 triệu đồng trong thời hạn 7 năm. Nhưng với mức lãi suất 9%/năm theo ông Thung vẫn cao, bởi thực tế cà phê sau tái canh khoảng 3 năm sau mới được thu hái. Vậy là trong suốt những năm đầu không những không có sản phẩm thu hoạch mà lại còn phải đầu tư thì nông dân không có nguồn thu để trả lãi. Ông Thung kiến nghị: “Nhà nước có chính sách cho nông dân vay vốn tái canh là quá tốt nhưng phải có tính toán, có ưu đãi trong từng thời điểm hoặc trước rủi ro, tạo điều kiện được giãn nợ, khoanh nợ, có như vậy nông dân mới mạnh dạn làm”.

Tái canh cà phê cần  nguồn vốn lớn nhưng không ít nông dân không dám  vay vốn và tự  mò mẫm tái canh theo cách riêng  của mình.
Tái canh cà phê cần nguồn vốn lớn nhưng không ít nông dân không dám vay vốn và tự mò mẫm tái canh theo cách riêng của mình.

Câu chuyện nông dân người thì biết có chương trình tín dụng tái canh cà phê nhưng không dám vay để làm; người thì không biết, tự mày mò tái canh trong tình trạng thiếu vốn, thiếu khoa học kỹ thuật cho thấy vấn đề tái canh cà phê hiện nay ở Dak Lak vẫn đang là bài toán khó đối với nông dân trồng cà phê. Trong khi đó, gói tín dụng tái canh cà phê 3.000 tỷ đồng cho vay thực hiện tái canh với dự kiến giai đoạn 2013-2016 có 25.625 ha cà phê trên địa bàn tỉnh sẽ được tái canh thì vẫn chưa có sức hấp dẫn với nông dân. Minh chứng là đã hơn một năm triển khai nhưng dư nợ cho vay theo chương trình này của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Dak Lak mới đạt con số khoảng 110 tỷ đồng, trong đó 62,5 tỷ đồng cho doanh nghiệp cà phê vay, còn lại 47,4 tỷ đồng là dư nợ của nông hộ. 

Mục đích của chương trình tái canh cà phê cũng nhằm quy hoạch lại, sao cho số diện tích tái canh bảo đảm chất lượng, đất trồng thích hợp, giống cây tốt, điều kiện sinh thái phù hợp, đặc biệt phải đủ nước tưới… nhưng lại chưa lượng định hết những khó khăn của công việc tái canh chưa có tiền lệ này từ phía người thực hiện, đặc biệt là với hộ gia đình làm cà phê. Trong khi đó,  85% diện tích cà phê hiện tại đều thuộc hộ gia đình. Riêng trên địa bàn Dak Lak, có khoảng 40.000 ha cà phê hộ không phù hợp với điều kiện sinh thái, phải chuyển đổi cây trồng khác. Một trong những băn khoăn, do dự của nông dân khi biết được nguồn vốn tín dụng này nhưng ngại tiếp cận chính là vấn đề lãi suất. Ông Nguyễn Văn Tư, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho rằng mức lãi suất 9%/năm đối với gói tín dụng cho tái canh cà phê là không hấp dẫn với nông dân nhất là khi họ đầu tư, cải tạo nhưng không biết giá cả tương lai của cà phê thế nào.

Theo  Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, do diện tích cần tái canh nhiều nên năng suất, sản lượng giảm nghiêm trọng. Cụ thể niên vụ 2012 – 2013 sản lượng cà phê Việt Nam đã giảm 25% so với niên vụ trước, và niên vụ 2014 – 2015 này sẽ còn giảm đến 30% nữa. Để nhanh chóng ổn định về sản lượng, đặc biệt là về chất lượng thì tái canh rất cần thực hiện theo lộ trình với một tiến độ không phải chậm chạp như hiện nay. Theo đó, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền để nông dân biết, trang bị những kiến thức kỹ thuật về tái canh cũng cần có những ưu đãi hơn về lãi suất, đặc biệt trong thời gian cà phê tái canh chưa cho thu hoạch. Đồng thời thủ tục vay vốn cũng cần đơn giản hơn để người dân và doanh nghiệp dễ tiếp cận nguồn vốn.

Đàm Thuần

 


Ý kiến bạn đọc