Multimedia Đọc Báo in

Xã hội hóa hoạt động đầu tư, quản lý và khai thác chợ ở Buôn Ma Thuột: Còn khiêm tốn!

16:07, 06/05/2014

Đã hơn 10 năm thực hiện Nghị định 02/2003/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ nhưng trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, việc chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác chợ dưới hình thức xã hội hóa vẫn còn khá khiêm tốn…

Thực hiện Nghị định 02/2003/NĐ-CP và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ, hiện trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã thực hiện  xã hội hóa được một số chợ. Cụ thể, chợ Buôn Ma Thuột do Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh chợ Buôn Ma Thuột đầu tư, khu chợ C đã đưa vào sử dụng từ năm 2011, khu chợ B xây dựng gần xong dự kiến đưa vào sử dụng vào cuối tháng 4-2014; với kinh phí đầu tư của cả 2 khu B và C là gần 400 tỷ đồng. Chợ Duy Hòa do Công ty TNHH Thành Luân đầu tư với kinh phí 6,5 tỷ đồng và đã đưa vào hoạt động năm 2010 nhưng công tác giải phóng mặt bằng đường giao thông từ đường Nguyễn Thị Định (nay là đường Võ Văn Kiệt) vào chợ vẫn đang triển khai. Chợ Tân Hòa (phường Tân Hòa) do Công ty TNHH Nhân Phú làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 31 tỷ đồng đã được đưa vào sử dụng cuối năm 2013. Chợ Hòa Phú (xã Hòa Phú), UBND tỉnh đã giao cho Công ty TNHH Nhân Phú đầu tư theo hình thức đầu tư - kinh doanh, nhưng do quy hoạch nông thôn mới chưa đưa vùng đất quy hoạch mở rộng chợ nên nhà đầu tư chưa triển khai được công tác đầu tư. Đến nay UBND xã Hòa Phú đã lập xong quy hoạch điều chỉnh trung tâm xã, hoàn chỉnh hồ sơ, chờ phê duyệt. Chợ Thanh Bình (phường Tân Lập) do Công ty TNHH Thành Luân làm chủ đầu tư. Công ty hợp đồng với Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố đã hơn 1 năm, đến nay Trung tâm đã thẩm định xong phương án và đang trình phê duyệt.
 
Khu C, chợ Buôn Ma Thuột do Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh chợ Buôn Ma Thuột  đầu tư đã được đưa vào sử dụng từ năm 2011.
Khu C, chợ Buôn Ma Thuột do Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh chợ Buôn Ma Thuột đầu tư đã được đưa vào sử dụng từ năm 2011.

Tuy nhiên, qua hơn 10 năm thực hiện Nghị định 02, trong tổng số 22 chợ trên địa bàn thành phố, việc chuyển đổi mô hình quản lý kinh doanh chợ với con số 5 chợ được xã hội hóa xem ra vẫn còn khiêm tốn. Thực hiện nghị định này và Quyết định 05, ngày 25-1-2013 của UBND tỉnh về quy chế đấu thầu kinh doanh khai thác và quản lý chợ trên địa bàn tỉnh, ngày 20-5-2013, UBND thành phố Buôn Ma Thuột đã có Công văn số 688/UBND-KT về việc hướng dẫn quy trình chuyển đổi mô hình quản lý chợ trên địa bàn thành phố. Ngày 31-10-2013 UBND thành phố tiếp tục có Công văn số 1799/UBND-KT về việc đôn đốc chuyển đổi mô hình quản lý chợ nhưng hiện vẫn chưa có phường, xã nào triển khai. Theo đó, trong số 19 chợ do UBND các phường, xã và các doanh nghiệp quản lý vẫn còn trên 10 chợ vẫn chưa thực hiện được việc xã hội hóa trong đầu tư, quản lý và khai thác. Cụ thể là các chợ: chợ Thành Công (phường Thành Công); chợ Ea Kao (xã Ea Kao); chợ Trung tâm Ea Kao (xã Ea Kao); chợ Tân Phong (phường Tân Hòa); chợ Chi Lăng (phường Khánh Xuân); chợ Ea Tam (phường Ea Tam); chợ Ea Tu (xã Ea Tu); chợ Hòa Thuận (xã Hòa Thuận); chợ Hòa Thắng (xã Hòa Thắng); chợ Đoàn Kết (xã Hòa Khánh); chợ thôn 6 (xã Hòa Khánh); chợ Hòa Xuân (xã Hòa Xuân); chợ Thành Nhất (phường Thành Nhất); chợ Tân Thành (phường Tân Thành); chợ Phan Chu Trinh (phường Tân Lợi).

Ông Phan Xuân Mạo, Phó Phòng Kinh tế thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, đối với một số chợ chưa được xã hội hóa, thành phố cũng đã có văn bản kêu gọi đầu tư. Nhưng thực tế, việc có kêu gọi, có hấp dẫn được nhà đầu tư hay không còn phụ thuộc vào vị trí kinh doanh buôn bán của các chợ. Một số chợ hoạt động còn chưa hiệu quả, số hộ kinh doanh quá ít so với thiết kế của chợ. Các chợ phường, xã hầu hết đều xuống cấp cần đầu tư nâng cấp, nhất là các chợ thuộc Chương trình Xây dựng nông thôn mới như chợ Hòa Thuận, chợ Đoàn Kết, chợ Tân Thành. Có những chợ đơn vị đầu tư gặp phải khó khăn trong khâu giải tỏa. Đơn cử như khu A của chợ Ea Tam, trước đây đã giao cho Công ty TNHH Thành Luân đầu tư nhưng do không giải tỏa được nên Công ty trả lại. Thêm nữa, chợ Ea Tam lại thuộc dạng vừa đầu tư xây dựng mới vừa quản lý khai thác nên chưa biết lựa chọn nhà đầu tư khai thác quản lý theo quyết định nào giữa hai Quyết định:48/2012/QĐ-UBND và Quyết định 05/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh do hai quyết định trên lại quy định 2 cơ quan thực hiện khác nhau.

Để thực hiện được việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng chợ được nhanh chóng, ông Mạo cũng cho biết, Phòng Kinh tế đang soạn thảo tờ trình cho UBND thành phố để đề nghị UBND tỉnh giao cho UBND thành phố tổ chức chọn nhà đầu tư thay vì giao cho Trung tâm Xúc tiến Thương mại - Đầu tư và Du lịch hoặc UBND thành phố thống nhất đấu thầu theo Quyết định 05/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh về trình tự thủ tục lựa chọn nhà khai thác quản lý chợ. Bởi trên thực tế công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thì theo Quyết định 48/2012/QĐ-UBND và do Trung tâm Xúc tiến Thương mại - Đầu tư và Du lịch thực hiện, còn đấu thầu khai thác, quản lý chợ thì do UBND thành phố thực hiện (đối với những chợ đã đầu tư hoàn chỉnh). Một người lựa chọn, một người khác tổ chức đấu thầu khai thác, quản lý, điều này vô hình trung sẽ gây ra sự chậm trễ, nhiều công đoạn, nhiều thủ tục, ít nhiều gây sự e ngại cho doanh nghiệp muốn đầu tư cũng như tạo ra sự nắm bắt thiếu chặt chẽ của đơn vị thực hiện. 

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc